Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành dệt may đang phục hồi nhưng hoạt động đầu tư vẫn ảm đạm

Lê Hoài Ân (*) - Đặng Phú (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngành dệt may Việt Nam đang bước vào giai đoạn khởi sắc sau một năm 2023 kinh doanh đầy khó khăn trước nhu cầu yếu từ các thị trường xuất khẩu chính. Các đơn hàng xuất khẩu từ những thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Âu đang quay trở lại, mang lại những dấu hiệu phục hồi tích cực. Liệu sự phục hồi này có đủ mạnh để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dệt may tự tin mở rộng để tận dụng cơ hội?

Thời điểm hiện tại có thể là cơ hội vàng để ngành dệt may Việt Nam không chỉ phục hồi sau khó khăn mà còn tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững. Ảnh minh họa: TL

Bên cạnh sự phục hồi của thị trường nước ngoài, khủng hoảng chính trị tại Bangladesh, đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam, có thể mở ra một cơ hội lớn để ngành dệt may Việt Nam cải tiến cả về chính sách và quy trình, từ đó thu hút thêm đầu tư và đơn hàng quốc tế.

Kết quả kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong quí 2-2024

Trong quí 2-2024, ngành dệt may Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may trong bảy tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng này phần lớn nhờ vào sự trở lại của các đơn hàng từ Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành. Cụ thể, đơn hàng từ Mỹ đã tăng 8,2% và từ châu Âu tăng 7,9%, phản ánh sự phục hồi chi tiêu tích cực tại các thị trường này. Điều đó đã giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có quan hệ đối tác lâu dài với các thương hiệu lớn, tận dụng tốt cơ hội thị trường để nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Điều đó cũng góp phần rất lớn giúp các doanh nghiệp trong ngành đạt được kết quả kinh doanh khả quan hơn trong giai đoạn khó khăn này.

Theo các số liệu thống kê trong quí 2-2024, doanh thu toàn ngành dệt may đã tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, lợi nhuận của ngành đã tăng vọt lên 63,8%, cho thấy sự cải thiện đáng kể về hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận này không đồng đều, với các doanh nghiệp lớn và vừa đạt được sự phục hồi đáng kể, trong khi các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự cải thiện trong ngành dệt may là nhờ biên lợi nhuận đã tăng lên mức 15,5%, so với 13,8% của năm ngoái. Điều này chủ yếu xuất phát từ việc giá vải giảm hơn 20% so với cùng kỳ, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Nhờ vào sự tiết giảm chi phí này, hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã được nâng cao rõ rệt. Khi so sánh với cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận tăng cao phản ánh sự tối ưu hóa trong quy trình sản xuất và quản lý chi phí. Kết quả là, sự gia tăng biên lợi nhuận này đã trở thành động lực chính giúp ngành dệt may phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường xuất khẩu dần phục hồi. Những doanh nghiệp lớn với quy mô sản xuất và mua hàng lớn hơn sẽ hưởng lợi nhiều hơn với xu hướng tiết giảm chi phí so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Cơ hội từ khủng hoảng chính trị tại Bangladesh

Bangladesh, một trong những đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, hiện đang đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Các cuộc biểu tình và bạo loạn đang lan rộng khắp cả nước, dẫn đến việc Thủ tướng ra đi và Quốc hội bị giải tán. Sự bất ổn này gây ra nhiều khó khăn cho ngành dệt may của Bangladesh trong việc duy trì hoạt động và thu hút đầu tư nước ngoài.

Khủng hoảng chính trị không chỉ làm gián đoạn các hoạt động kinh tế mà còn ảnh hưởng đến việc thực thi các chính sách liên quan đến LEED (Leadership in Energy and Environmental Design - là hệ thống chứng nhận quốc tế cho các công trình và quy trình sản xuất bền vững, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý năng lượng, chất lượng không khí trong nhà, sử dụng tài nguyên, và giảm phát thải khí nhà kính). Đối với ngành dệt may, việc tuân thủ các tiêu chuẩn LEED có thể giúp nâng cao hình ảnh và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp FDI ngần ngại hơn trong việc đầu tư vào Bangladesh vì rủi ro về môi trường kinh doanh tăng cao.

Ngành dệt may Việt Nam cũng có thể tận dụng thời điểm này để cải tiến quy trình sản xuất theo hướng bền vững, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn LEED để nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc chuyển đổi sang công nghệ xanh và quy trình sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ giúp tăng hiệu quả kinh doanh mà còn mở ra nhiều cơ hội mới trên thị trường quốc tế, khi ngày càng nhiều đối tác yêu cầu các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn bền vững. Nếu ngành dệt may Việt Nam có thể nhanh chóng áp dụng các chính sách cải tiến này, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh, thì đây sẽ là một bước tiến quan trọng giúp ngành vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Thời điểm hiện tại có thể là cơ hội vàng để ngành dệt may Việt Nam không chỉ phục hồi sau khó khăn, mà còn tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững.

Tuy nhiên thực tế hoạt động đầu tư vẫn ảm đạm...

Mặc dù các kết quả kinh doanh của ngành dệt may đã có sự hồi phục, tình hình tài chính của các doanh nghiệp vẫn chưa đủ vững vàng để thúc đẩy các quyết định đầu tư mở rộng. Sau một năm 2023 đầy khó khăn, các doanh nghiệp trong ngành đã phần nào ổn định lại, nhưng vẫn còn rất thận trọng trước bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro. Chu kỳ tiền mặt của các doanh nghiệp đã trở về mức trước đại dịch Covid-19 cho thấy thanh khoản của ngành đã được cải thiện. Tỷ lệ thanh toán nhanh, một chỉ số quan trọng phản ánh khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn, cũng có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp lại gần chạm ngưỡng 1, điều này cho thấy áp lực từ việc vay nợ ngắn hạn để phục vụ các đơn hàng trong quí vừa rồi.

Trong khi đó, tăng trưởng tài sản cố định của ngành đã giảm 4,2% so với cùng kỳ, phản ánh sự thận trọng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị mới. Tương tự, tăng trưởng tài sản dở dang cũng giảm mạnh 20,8%. Các doanh nghiệp vẫn còn rất do dự trong việc mở rộng sản xuất và đầu tư vào các dự án mới. Hàng tồn kho cũng chỉ tăng 3% khi các doanh nghiệp có đơn hàng mới làm chứ không còn chuẩn bị trước hàng hóa nữa.

Nguyên nhân của sự thận trọng này là do viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Dù Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giảm lãi suất, nhưng các chính sách tiền tệ của Mỹ vẫn chưa đủ nới lỏng để kích thích mạnh mẽ nền kinh tế. Nỗi lo về lạm phát và sự suy giảm tiêu dùng vẫn hiện hữu, đe dọa sự hồi phục bền vững của các thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang tập trung vào việc duy trì hoạt động, thay vì mạo hiểm mở rộng sản xuất trong bối cảnh còn nhiều rủi ro. Kết quả là, mặc dù tình hình tài chính của ngành dệt may đã được cải thiện đáng kể so với năm trước, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để các doanh nghiệp tự tin đầu tư vào các dự án mở rộng. Sự thận trọng này là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại, khi mà ngành dệt may vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường quốc tế và các yếu tố kinh tế vĩ mô.

(*) CFA
(**) VDSC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới