Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành dệt may quay về nội địa với 3 đề án

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành dệt may quay về nội địa với 3 đề án

Thành Trung

Phát triển công nghiệp dệt may theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa và thời trang hóa còn nhiều thách thức. Ảnh: Thành Trung

(TBKTSG Online) – Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết bộ đang chỉ đạo ngành dệt may xây dựng ba đề án quan trọng nhằm tạo động lực phát triển ngành trong thời gian từ nay đến năm 2015 theo hướng nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bùi Xuân Khu chia sẻ với Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online trong một phỏng vấn gần đây. Theo ông Khu, mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, song ngành dệt may chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có.

Trong những tháng đầu năm, khi xuất khẩu dệt may gặp khó khăn do một số thị trường chủ lực thu hẹp do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, EU, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng quay về thị trường nội địa.

Tuy nhiên, chiếm lĩnh thị trường nội địa không đơn giản bởi hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may của Việt Nam còn thấp, tính sáng tạo chưa cao và mẫu mã, màu sắc còn đơn điệu. Hơn nữa, theo ông Khu, khâu thiết kế và phân phối, bán hàng chưa được doanh nghiệp chú trọng đầu tư mà chủ yếu vẫn tập trung vào khâu gia công.

Hiện nay, Bộ Công thương đang chỉ đạo ngành dệt may thực hiện ba đề án quan trọng. Đề án thứ nhất là sản xuất 1 tỉ mét vải từ nay đến 2015 phục vụ xuất khẩu, nằm trong chương trình nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may. Thứ hai là phát triển vùng bông chuyên canh theo kiểu trang trại và cuối cùng là Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành dệt may.

Nhưng ông Khu cho rằng ba đề án tham vọng trên là bài toán khó, ngay cả mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 tỉ lệ nội địa hóa dệt may đạt khoảng 65-70% cũng rất khó vì công nghiệp phụ trợ, rồi xây dựng vùng chuyên canh đang gặp nhiều vướng mắc, trong khi yếu tố gia công lại chi phối quá nhiều.

“Chúng ta đã vạch ra chiến lược thời trang hóa ngành dệt may song nói thật, mới dừng lại ở chủ trương thôi, chưa có định hướng và chiến thuật cụ thể, đồng bộ và dài hạn. Một số công ty Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư thay đổi cách làm, sáng tạo ra nhiều sản phẩm may mặc có hàm lượng chất xám cao được người tiêu dùng chấp nhận. Tuy nhiên, số này còn khá ít, ví dụ như Việt Tiến, Nino Maxx, Foci… Đa số vẫn làm gia công theo đơn hàng của đối tác nước ngoài, nếu họ khó khăn như vừa qua là bị ảnh hưởng ngay”, ông Khu nhìn nhận.

Theo phân tích của ông, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây trở ngại cho quá trình thời trang hóa dệt may là tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm còn thấp. Đa số các nguyên phụ liệu sản xuất ra một chiếc áo sơmi hay một chiếc váy hiện vẫn phải nhập khẩu.

Trên thực tế, chỉ có một số ít công ty là chủ động được nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, chẳng hạn như Dệt Thành Công. “Một năm doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 100 triệu đô la Mỹ thì họ có thể làm hết từ A-Z, không phải nhập khẩu nguyên phụ liệu”, ông Khu nói.

Trong lĩnh vực dệt may, dệt kim có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, khoảng trên 70%. Công ty Dệt kim Đông Xuân sản xuất các sản phẩm dệt kim cho đối tác Nhật Bản thì họ tự đảm nhận toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất, kể cả nguồn nguyên liệu đầu vào mà không cần nhập khẩu.

Ông Khu cho rằng tỷ lệ nội địa hóa trong dệt may đang tăng lên để thay thế dần nguyên phụ liệu nhập khẩu và tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm may mặc của Việt Nam.

Tuy nhiên, điều khiến vị Thứ trưởng phụ trách ngành dệt may trăn trở là các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn quá yếu so với nhu cầu thực tế: “Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phát triển các trung tâm nguyên phụ liệu dệt may – một cấu thành thiết yếu của công nghiệp hỗ trợ – chưa phát triển như mong muốn. Đó là tính liên kết giữa các bên liên quan còn rất yếu, sự ổn định kém, nhiều đơn vị chỉ muốn “ăn nhanh” chứ chưa có chiến lược dài hạn”.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về việc Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may, da giày Liên Anh tại huyện Dĩ An, Bình Dương phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, ông Khu nói trong làm ăn doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ, nhất là với mô hình mới mẻ như Liên Anh, vì nhiều khi không thể có lời ngay mà phải sau năm, mười năm nữa mới có lời.

Vấn đề chính là Liên Anh phải làm gì và phối hợp như thế nào với các đối tác và Hiệp hội Dệt may để có thể khai thác tốt trung tâm có vốn đầu tư 100 tỉ đồng này.

Ông Khu gợi ý phía Liên Anh nên chủ động tìm kiếm các đối tác phù hợp để bắt tay liên kết trên tinh thần đôi bên cùng có lợi. “Ví dụ nhé, ở Nha Trang có công ty chuyên sản xuất khóa kéo, ở Bình Dương cũng vậy, hay Công ty YKK của Nhật Bản có nhà máy sản xuất khóa kéo tại Khu chế xuất Tân Thuận. Vậy thì tại sao Trung tâm Liên Anh không mời các công ty này vào thuê đất trong trung tâm, tất nhiên phải có ưu đãi thì người ta mới quan tâm. Hay Dệt Phong Phú và Dệt Hà Nội sản xuất vải gin thì hoàn toàn có thể đưa vào trung tâm này”, ông Khu nói.

Có thể thấy rằng sự “chết yểu” của Liên Anh không hẳn là do thời điểm, vấn đề tài chính hoặc vấn đề cung – cầu trên thị trường. Vấn đề mấu chốt có lẽ nằm ở là sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị như thế nào để một cửa hàng may đo tư nhân cũng có thể vào trung tâm mua phụ liệu.

Hơn nữa, không thể hy vọng thành công sẽ đến trong một sớm một chiều, mà quan trọng là phải có sự đầu tư dài hạn và một tầm nhìn chiến lược.

Ông Khu thừa nhận việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và da giày của Việt Nam vẫn là bài toán chưa có lời giải. “Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam thường nắm được giá trị thặng dư rất cao trong chuỗi giá trị, bởi vì họ có thương hiệu mạnh, cách làm chuyên nghiệp, còn chúng ta chỉ “hớt váng”. Đây là chuyện chúng tôi rất trăn trở”.

Chiều mai, 16-7, dự kiến Bộ Công thương sẽ phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Trung tâm Nguyên phụ liệu dệt may, da giày Liên Anh tổ chức một cuộc tọa đàm tại trung tâm này ở huyện Dĩ An, Bình Dương, xoay quanh chủ đề chiến lược phát triển trung tâm nguyên phụ liệu dệt may, da giày, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Trong sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt xấp xỉ 4,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường dệt may nội địa đánh dấu sự tăng trưởng khá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với mức lợi nhuận tăng 48% trong sáu tháng đầu năm so với cùng kỳ 2008.

Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2008 đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ, năm 2009 đặt mục tiêu 9,5 tỉ đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới