Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành dịch vụ của Trung Quốc suy sụp vì lệnh phong tỏa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt động của ngành dịch vụ Trung Quốc giảm sâu xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm khi các lệnh phong tỏa và các hạn chế khác liên quan đến đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế vốn đã u ám và làm suy sụp nhu cầu của người tiêu dùng.

Các cửa hàng ở Thượng Hải đóng cửa sau khi thành phố này bị đặt dưới lệnh phong tỏa hồi tháng trước. Ảnh: Reuters

Trong tháng 4, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit trong ngành dịch vụ của Trung Quốc, do hãng truyền thông tài chính Caixin Media và hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit thiết lập và khảo sát, giảm về mức 36,2 điểm so với mức 42 điểm trong tháng 3. Đây là mức giảm mạnh thứ hai kể từ khi chỉ số này ra mắt vào năm 2005. Chỉ số này càng giảm sâu dưới mức 50 điểm càng cho thấy mức độ suy yếu trầm trọng của ngành dịch vụ.

“Đợt bùng phát Covid-19 mới đã giáng đòn nặng nề vào ngành dịch vụ”, Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao ở Công ty Caixin Insight Group, nói hôm 5-5 và cho biết thêm cả cung lẫn cầu trong ngành dịch vụ của Trung Quốc đều sụt giảm nghiêm trọng.

Kết quả khảo sát trên là chỉ dấu mới nhất cho thấy tổn thất kinh tế do tác động từ chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, vốn đang cầm chân hàng trăm triệu người ở nhà trong nhiều tuần qua và đặt ra các hạn chế đi lại trong nước. Một chỉ số khác theo dõi tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc, do Ngân hàng Goldman Sachs thiết lập, tăng trung bình hơn 14 điểm trong tháng 4 so với tháng 3 vì trung tâm tài chính Thượng Hải, với 25 triệu dân, bị phong tỏa hoàn toàn.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nomura, tính đến hôm 3-5, có 43 thành phố ở Trung Quốc đang thực hiện lệnh phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế người dân địa phương đi lại.

Nhiều công ty đa quốc gia gồm Starbucks, Estée Lauder, Apple và Coca-Cola đã cảnh báo các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc sẽ bào mòn doanh thu của họ ở thị trường người tiêu dùng lớn nhất thế giới.

400 công ty trong cuộc khảo sát của Caixing/IHS cho biết họ phải hạ giá bán vì nhu cầu của người tiêu dùng chùng xuống, trong khi đó, chi phí nguyên liệu thô và vận tải đều tăng do các hạn chế đi lại nội đô.

Vì lo ngại các ca nhiễm Covid-19 xâm nhập, giới quan chức ở các chính quyền địa phương đã đặt ra các hạn chế nghiêm ngặt đối với các tuyến giao thông nội thành, vốn tạo điều kiện lưu thông dễ dàng cho dòng chảy hàng hóa lưu thông từ nhà cung cấp đến khách hàng.

Một số công ty cho biết họ đã phải sa thải nhân viên vì nhu cầu của người tiêu dùng sụp đổ và chi phí tăng cao.

Các nhà kinh tế cảnh báo tác động của chiến lược “zero-Covid” thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán cách đây hơn hai năm vì các lệnh phong tỏa hiện nay tập trung ở Thượng Hải và khu vực xung quanh, nơi nhiều nhà máy sản xuất ô tô và nhiều công ty công nghệ cao tọa lạc.

Số ca nhiễm Covid-19 đang trên đà giảm ở Thượng Hải trong nửa tháng qua và một số nhà sản xuất ở thành phố này bao gồm hãng xe Tesla đã nối lại hoạt động. Song ngay cả khi tình hình dịch bệnh đã bớt căng thẳng ở trung tâm tài chính của Trung Quốc, các doanh nghiệp trên khắp cả nước vẫn phải liên tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Một số thành phố bao gồm Hàng Châu và Vũ Hán đã đưa ra quy định bắt buộc người dân phải xét nghiệm Covid-19 theo kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) có hiệu lực trong vòng 48 tiếng đồng hồ để được đi trên các phương tiện giao thông công cộng, ăn ở các nhà hàng hay ghé đến các khu vực, tụ điểm công cộng.

Các chuyên gia nói rằng những quy định khắt khe như vậy chẳng khác nào đẩy các thành phố vào tình trạng phong tỏa trên thực tế và kéo dài sự trì trệ của ngành dịch vụ.

Hôm 4-5, sau khi ghi nhận thêm 51 ca nhiễm mới, các quan chức Bắc Kinh đã cảnh báo tình hình dịch Covid-19 ở thành phố này vẫn rất thách thức. Giới chức trách đã đóng cửa một số ga tàu điện ngầm và tuyến xe buýt đồng thời yêu cầu nhân viên văn phòng ở quận Triều Dương phải làm việc tại nhà kể từ ngày 5-5.

Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày ở thủ đô của Trung Quốc vẫn ở mức trung bình khoảng 50 ca. Bắc Kinh không ra lệnh phong tỏa toàn thành phố nhưng nhiều người dân được yêu cầu không rời căn hộ của họ.

Phân tích dữ liệu giao thông của Financial Times cho thấy các tuyến đường ở trung tâm Bắc Kinh có rất ít xe cộ lưu thông trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Thanh minh tuần này. Thông thường, đây là những ngày cực kỳ bận rộn của các cửa hàng và nhà hàng ở Bắc Kinh.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới