Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành đóng tàu Hàn Quốc tấp nập tuyển dụng nhờ nhu cầu tàu chở khí đốt gia tăng

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) –  Sau khi cắt giảm đến một nửa lực lượng lao động trong thời kỳ suy thoái, ngành đóng tàu Hàn Quốc đang khởi sắc trở lại khi nhu cầu tàu chở khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) tăng vọt. Các hãng đang giành giật nhân công, buộc chính phủ phải vào cuộc trước viễn cảnh là các đối thủ Trung Quốc có thể giành lấy các hợp đồng béo bở.

Bộ Tư pháp hôm 19-4 đã nâng số lượng visa các lao động có kỹ năng nghề cao và có hiệu lực ngay lập tức. Hiện Hàn Quốc sẽ cấp visa làm việc cho khoảng 4.400 thợ hàn, thợ sơn và những người khác có các kỹ năng thiết yếu liên quan đến đóng tàu, gấp 5 lần giới hạn trước đây.

Ngành đóng tàu vốn sử dụng nhiều lao động từ các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan và Philippines. Các hãng đóng tàu đã vận động hành lang ráo riết để nhanh chóng có thêm hàng ngàn visa cho lao động nước ngoài.

Hàn Quốc là quê hương của ba hãng đóng tàu lớn nhất thế giới: Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering với lần lượt các vị trí thứ hai, thứ ba và thứ tư trên thế giới.

“Chúng tôi không thể xử lý các đơn đặt hàng gia tăng với đội ngũ nhân viên hiện tại. Hy vọng rằng những hạn chế về thị thực được nới lỏng sẽ giảm bớt tình trạng thiếu lao động”, giám đốc điều hành một hãng tàu nói.

Xưởng đóng tàu của Hyundai Heavy Industries ở thành phố Ulsan, cách Seoul hơn 300 cây số theo hướng đông nam. Ảnh: Reuters

Nhu cầu tăng vọt trước chiến tranh Ukraine

Nhu cầu trong ngành đã tăng vọt kể từ năm ngoái. Theo nghiên cứu của Clarksons, đơn đặt hàng đã tăng gấp đôi trên toàn thế giới vào năm 2021 so với năm 2020. Theo dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc, các đơn đặt hàng trong năm ngoái đạt 43,9 tỉ đô la, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020 và tăng 93% so với năm 2019 trước khi Covid bùng phát. Đây là con số kỷ lục kể từ năm 2014.

Đà tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm nay. Chẳng hạn ở mảng tàu chở LNG vốn là thị trường do Hàn Quốc kiểm soát khoảng 90%, quí đầu tiên có đơn đặt đóng 37 tàu, tương đương 50% số tàu đặt đóng trong cả năm 2021. Các xưởng đóng tàu sẽ đầy đơn hàng cho đến năm 2024.

Sự bùng nổ đã thúc đẩy kỳ vọng cao của các nhà đầu tư, thúc đẩy giá cổ phiếu các hãng đóng tàu tăng ngay cả khi thị trường chứng khoán đã sụt giảm kể từ khi Nga tấn công Ukraine. Giá cổ phiếu Hyundai Heavy đã tăng 51% kể từ cuối năm 2021. Samsung Heavy và Daewoo Shipbuilding cũng đã bơi ngược dòng xu hướng xuống đáy của thị trường chứng khoán.

Xung đột Ukraine là một yếu tố chính đằng sau sự tăng vọt đơn đặt hàng gần đây.

Nhiều tháng trước khi chiến tranh bùng nổ, các nước châu Âu đã sớm xem xét khả năng cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga và thay vào đó là nguồn cung từ Trung Đông và Đông Nam Á. Sự chuyển dịch này đồng nghĩa là thị trường cần số lượng tàu chở khí đốt lớn hơn và khối lượng vận chuyển khí đốt qua đường ống sẽ xuống tỷ lệ thấp nhất. Các hãng vận tải biển bắt đầu đặt thêm nhiều đơn hàng tàu chở dầu và tàu chở khí đế đón bắt sự thay đổi.

Nhưng các hãng đóng tàu đang đau đầu vì thiếu nhân viên bởi họ đã cắt giảm lượng lớn nhân viên vào thời điểm nhu cầu đi xuống từ cuối thập niên 2010. Số lượng công nhân trong ngành giảm từ khoảng 200.000 người năm 2014 xuống còn khoảng 90.000 người trong năm 2021. Khó khăn của quá trình tự động hóa trong nhiều khâu của quá trình đóng tàu, chẳng hạn như lắp ráp thiết bị bên trong, đồng nghĩa rằng cần phải có thêm nhiều nhân công.

Bên cạnh đó, người lao động ở Hàn Quốc có thể kiếm được thu nhập cao hơn trong các ngành công nghệ cao như chất bán dẫn, dịch vụ internet và trò chơi điện tử. Đóng tàu hiện nay không được xem là một nghề được coi trọng ở Hàn Quốc.

Các hãng đóng tàu cũng gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động trẻ do vấn đề địa lý. Các nhà máy đóng tàu chủ yếu tập trung ở phía đông nam của đất nước, cách xa thủ đô Seoul gần biên giới phía bắc.

Làm chủ cuộc chơi bằng công nghệ và giá cả

Thu nhập của các hãng đóng tàu vẫn đang bị siết chặt bởi các đơn đặt hàng thua lỗ và sự chậm trễ trong giao hàng tồn đọng trong nhiều năm qua. Ngoài ra, giá thép và các vật liệu khác đã tăng đột biến.

Cả ba hãng đóng tàu lớn đều báo lỗ trong năm 2021. Tình hình tài chính như vậy khiến các công ty không có khả năng đầu tư, khiến thiết bị xuống cấp và công nghệ lạc hậu theo. Lượng đơn hàng gia tăng bất ngờ dự kiến sẽ không phản ánh ngay lập tức rằng thu nhập sẽ tăng.

Các hãng đóng tàu của Hàn Quốc cũng phải chịu sự cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm phần lớn thị phần toàn cầu. Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản để giành vị trí đầu bảng vào những năm 2000.

Nhưng trong những năm 2010, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nắm bắt được sự bùng nổ của nhu cầu trong nước và đạt được những bước tiến đáng kể trên thị trường quốc tế bằng cách đưa ra các mức báo giá thấp hơn. Được thúc đẩy bởi sự hợp nhất, Tập đoàn Đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) đã nhanh chóng “soán ngôi” đầu bảng từ các đối thủ mạnh hơn ở Hàn Quốc.

CSSC và các hãng đóng tàu khác của Trung Quốc đã tích lũy được kinh nghiệm và bí quyết đóng tàu chở hàng rời và tàu container. Giờ đây, họ đang có thêm các đơn đặt hàng tàu chở LNG, vốn đòi hỏi nhiều năng lực kỹ thuật cao hơn.

Công ty năng lượng nhà nước của Qatar đã lựa chọn CSSC cùng với ba hãng lớn của Hàn Quốc để hoàn thành đơn đặt hàng với hơn 100 tàu LNG. Vấn đề bây giờ là liệu ai sẽ hồi phục nhanh hơn, có công nghệ tốt hơn và cho giá đóng tàu rẻ hơn mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới