Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành gỗ ăn đong, gồng lỗ để duy trì hoạt động

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trải qua hơn 2 quí liên tiếp kinh doanh ảm đạm, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ  tiếp tục lo lắng vì không thể dự báo được diễn biến tình hình thị trường sắp tới. Hàng loạt giải pháp đã được tiến hành nhanh chóng, bao gồm tái cấu trúc sản xuất, cắt giảm chi phí, tìm thị trường ngách... chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: duy trì hoạt động, giữ chân lao động chờ thị trường phục hồi.

Nhiều tín hiệu trên thị trường thế giới cho thấy động lực xuất nhập khẩu của ngành gỗ trong thời gian tới sẽ không có quá nhiều thay đổi so với 2 quí vừa qua. Đã thế còn thêm sự trở lại của "đối thủ cạnh tranh" Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ càng thêm khó khăn.

Thị trường đồ gỗ xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Việt Nam như Mỹ, EU... đang sụt giảm tiêu thụ nhiều, khiến doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Đơn hàng sụt giảm mạnh, doanh nghiệp "gồng lỗ"

Chia sẻ với KTSG Online, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lâm Việt ở Bình Dương, cho biết các đơn hàng sản xuất xuất khẩu của công ty hiện tại chỉ đủ để nhà máy hoạt động khoảng 40% công suất, rất khó khăn để duy trì việc làm xuyên suốc cho công nhân.

Cũng đồng thời giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), địa phương có nhiều doanh nghiệp đồ gỗ lớn cả nước, ông Liêm cho biết đây là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ trong những tháng qua. Lượng đơn hàng của hầu hết doanh nghiệp cho sản xuất trong thời điểm này chỉ đạt khoảng 35-40%.

"Doanh nghiệp hiện nay đang "ăn đong" từng đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không có đơn hàng", ông Liêm nói, và cho biết: "Việc cắt giảm bớt người lao động, giảm giờ làm,... trên thực tế đã diễn ra trước đó khá nhiều, không phải đến tân bây giờ mới thực hiện".

Không riêng tại công ty Lâm Việt hay các doanh nghiệp chế biến gỗ ở Bình Dương, mà nhiều doanh nghiệp đồ gỗ khác ở TPHCM, Bình Định,... cũng cho biết đang chuỗi thời gian sụt giảm đơn hàng kéo dài nên tình hình rất khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất và bảo toàn lực lượng lao động.

Một số doanh nghiệp chế biến đồ gỗ ở Bình Định chủ yếu xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu, hai khu vực thị trường bị sụt giảm mạnh đơn hàng bởi lạm phát tăng cao. Do không có đơn hàng liên tục bị giảm quá sâu nên một số doanh nghiệp đã cho nhiều người lao động tạm nghỉ việc, chờ tín hiệu đơn hàng trở lại.

Ông Nguyễn Liêm cho rằng nếu duy trì được lực lượng lao động thì khâu sản xuất phải đạt được khoảng 70% công suất thiết kế nhà xưởng mới có thể nghĩ đến hòa vốn trong hoạt động kinh doanh.

Với tình hình đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp hội viên thuộc BIFA chỉ ở mức 35-40% công suất thiết kế hiện nay mà vẫn duy trì lực lượng lao động cao thì nhiều doanh nghiệp chắc chắn kinh doanh sẽ bị thua lỗ nhiều.

Chuỗi ngày sụt giảm có thể tiếp tục kéo dài

Theo số liệu báo cáo cập nhật của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 3 tháng đầu năm nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong quí 1 của Việt Nam đạt 3,1 tỉ đô la. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỉ đô la, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu đô la, giảm 28,2%.

Kết quả trên cho thấy hoạt động của doanh nghiệp rất khó khăn. Bởi lẽ theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), ông Đỗ Xuân Lập, trong thập niên qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành luôn đạt 2 con số mỗi năm.

Doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu đang bị sụt giảm mạnh đơn hàng nên phải xoay xở nhiều cách để toàn tại. Ảnh minh họa: Viforest

Kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 5 trong các ngành hàng xuất khẩu (chỉ sau điện thoại, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc, da giày, dệt may); xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, giữ vị trí thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) và thứ 5 trên thế giới (Trung Quốc, Đức, Ba Lan, Ý); giá trị xuất siêu trung bình từ 8-10 tỉ đô la mỗi năm. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,1 tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Lập, từ quí 1 năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, xung đột địa chính trị (Nga – Ukraine) tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp như: Chi phí logistic tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao...

Diễn biến thị trường cho thầy còn chưa có dấu hiện tốt hơn quí vừa qua. Theo chia sẻ của Giám đốc Kinh doanh của một doanh nghiệp chế biến gỗ ở Khu công nghiệp Phú Tài ở tỉnh Bình Định (không tiện nêu tên), rằng 2 thị trường chính của công ty là Mỹ và Châu Âu gần như không đặt hàng. Chuyển hướng sang sản phẩm khác thì không cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong nước, còn giá thì không thể giảm thêm khiến doanh nghiệp lúng túng.

Theo người này, những năm trước đây, cứ tới dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 công ty phải xếp lịch người lao động mới được nghỉ lễ. Còn bây giờ người lao động bộ phận sản xuất đang nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí ngày bình thường cũng nghỉ xen kẽ do lượng đơn hàng giảm mạnh.

"Giờ doanh nghiệp cũng loay hoay tìm đơn hàng, tìm kiếm khách hàng, xoay xở mọi cách để tồn tại, duy trì lực lượng lao động", vị Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp lo âu, và cho rằng: nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài thì đến hết tháng 6, bản thân công ty ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành sẽ phải tiếp tục cho người lao động nghỉ việc hoặc có thể là phải đóng cửa vì không có đơn hàng. Khi đó, khả năng người lao động sẽ bị thất nghiệp nhiều.

Theo vị giám đốc kinh doanh này, đến giờ gần hết tháng 4 rồi nhưng khách hàng chưa xác định gì cả. Như mọi năm đến giờ đã xác định số lượng sơ bộ rồi sản xuất nhưng năm nay chưa có thông tin gì, khả năng kéo dài đến hết quí 2 tới.

Tương tự theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch BIFA, các doanh nghiệp trong Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đang cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Bởi lẽ nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác hoặc về quê, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất. "Việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề", ông Liêm chia sẻ.

Bên cạnh là chi phí mà doanh nghiệp đang phải gánh, từ tiền lương công nhân, các khoản bảo hiểm, chi phí xử lý nước thải, kiểm định môi trường định kỳ đến chi phí sử dụng hạ tầng…

Theo đánh giá của lãnh đạo Viforest, kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, sức mua trên toàn cầu giảm dẫn đến số đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và mới chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6-2023.

Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong để đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng.

Theo Viforest, do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp, có khách đặt mới thì doanh nghiệp sản xuất mới có được đơn hàng.

Áp lực cạnh tranh đến từ những "người khổng lồ"

Theo đánh giá của các doanh nghiệp gỗ và các đại diện hiệp hội ngành chế biến đồ gỗ ở các tỉnh thành, bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều thay đổi, các yếu tố tác động chính đến cung – cầu tiêu dùng thế giới vẫn đang hiện hữu.

Cụ thể, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU vẫn đang ở mức cao. Điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy các quốc gia này đang cố gắng để kiềm chế lạm phát, nhưng hiện chưa có dấu hiệu lạm phát sẽ giảm trong tương lai.

Ngoài ra, ngành bất động sản tại các thị trường này đang ở giai đoạn trầm lắng, trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này nên có thể dự báo sẽ chưa thể có tín hiệu khởi sắc trong 2023.

Đồng thời, cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn đang kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc cũng tiếp tục tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa, làm giảm cầu tiêu dùng nói chung.

Đáng chú ý, theo các doanh nghiệp, Mỹ, thị trường chiếm đến gần 60% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam, dù chưa phục hồi nhưng lại còn thêm sự trở lại của "đối thủ cạnh tranh" Trung Quốc sẽ khiến xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ càng thêm khó khăn.

Cụ thể theo báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect (VNDS) về ngành gỗ và các sản phẩm gỗ vào cuối tháng 3 vừa qua với nhận định khó khăn của doanh nghiệp ngành này vẫn ở trước mắt. Thậm chí, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi cho các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Một nhà máy sản xuất sản phẩm gỗ tại Bình Định. Ảnh minh họa: binhdinhinvest.vn

Theo VNDS, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2022 là gỗ nguyên liệu (mã HS44) với hơn 20 mặt hàng, chủ yếu là dăm gỗ. Hiện dăm gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, chưa niêm yết.

Ngược lại, Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu gỗ chính của Trung Quốc, chiếm 37% thị phần vào năm 2022. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế có thể đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp nội thất gỗ trong năm 2023.

Hiện Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ. 2 quốc gia đang có thị phần tại Mỹ gần ngang nhau, ở mức khoảng 31%. Các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao sẽ gặp khó khăn trong nửa sau 2023.

Từ thực tế trên, VNDS đánh giá nhu cầu đồ gỗ sẽ không phục hồi cho đến năm 2024 do thị trường lớn là Mỹ vẫn chưa phục hồi.

Theo báo cáo, triển vọng vĩ mô kém khả quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường bất động sản nhà ở và xây dựng nhà ở. Lãi suất cho vay mua nhà của Mỹ tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi đó giá nhà trung bình tăng 10,4% so với cùng kỳ trong quí 4-2022, điều này đã làm giảm sức mua nhà tại Mỹ. Chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ đã giảm 48,1% so với cùng kỳ trong tháng 2-2023.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ có tỷ trọng xuất khẩu cao tới Mỹ sẽ bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu, khoảng 10-15% so với cùng kỳ trong năm 2023. Thêm vào đó, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm 0,6-1 điểm phần trăm trong năm 2023 do giá bán trung bình thấp hơn.

Một điểm đáng chú ý nữa, theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp. Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường,...

Theo ông Đỗ Xuân Lập, các thị trường chính ngành gỗ (chủ yếu là sản phẩm chế biến sâu, như đồ nội thất) đang bị giảm sút là Mỹ và châu Âu. Còn các sản phẩm trung gian của ngành gỗ, như ván, dăm, viên nén đang có thị trường rất tốt, tập trung chủ yếu ở thị trường Đông Bắc Á (chủ yếu là đồ nội thất) và Trung Bắc Á.

Nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này đang bị hoàn thuế chậm. Viforest kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế khai thông vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước.

Một nội dung khác về thuế, đó là việc áp mức thuế suất 5% lên sản phẩm viên nén đen (mã HS 4401.31). Đây là sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, suất đầu tư lớn, đang có sức hút trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, nhất là viên nén này được sản xuất từ nguồn gỗ có chứng chỉ. Do đó, Hiệp hội này đề nghị xem xét vấn đề thuế để thúc đẩy ngành này phát triển, vì đây là bệ đỡ cho việc tiêu thụ gỗ rừng trồng trong nước, vừa nâng cao xuất khẩu.

Ngoài ra, nguồn cung gỗ từ châu Phi, Lào, Campuchia sẽ tiếp tục là các nguồn cung có độ rủi ro lớn. Nguồn cung gỗ tròn, gỗ xẻ từ châu Phi có thể sẽ suy giảm sau khi quyết định đưa gỗ hương (Pterocarpus spp.), gõ (Afzelia spp.) và xà cừ (Khaya spp.) của châu Phi vào Phụ lục II của CITES (Conversion on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora) có hiệu lực từ cuối tháng 2-2023.

Bên cạnh đó, các mặt hàng như tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, các mặt hàng được làm từ gỗ Bạch Dương nguồn gốc từ Nga sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro bị áp thuế hoặc hàng rào thương mại từ các chính sách trừng phạt tại thị trường xuất khẩu ở các nước phương Tây.

Trước đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng có báo cáo nhận định, khó khăn của ngành gỗ vẫn còn ở phía trước và triển vọng năm 2023 kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Kỳ vọng, các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024, khi lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ được cải thiện.

Cuộc chuyển đổi về sản xuất lẫn thị trường

Với các yếu tố tác động như trên, các doanh nghiệp gỗ, Viforest dự báo các quí tiếp theo của năm 2023 sẽ khó có nhiều biến động đối với ngành gỗ so với 2 quí trước đó. Xuất khẩu ngành gỗ sẽ tiếp tục đối mặt với sự giảm sút của thị trường.

Tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.

Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là mong sao được hoà vốn, và hy vọng đến quí 3, quí 4 thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất. Để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.

Thời gian này, các nhà máy cũng ưu tiên tái cấu trúc lại dây chuyền sản xuất, đầu tư trang thiết bị để giảm chi phí nhân công. Việc đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cũng được các doanh nghiệp thực hiện.

Bên cạnh đó, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp cũng đa dạng hoá sản phẩm, vẫn lấy gỗ làm nguyên liệu chính nhưng gia tăng sự phối hợp với các loại vật liệu khác như kim loại, đá, kính, vải… để tăng tính thẩm mỹ và ứng dụng theo nhu cầu của khách hàng.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... nhằm bù đắp mức sụt giảm từ các thị trường chính Mỹ, EU, Anh,...

Trước những khó khăn nói trên, vào trung tuần tháng 4 vừa qua, tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản năm 2023” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, lãnh đạo Viforest có 2 kiến nghị quan trọng của ngành lên Thủ tướng Chính phủ là hỗ trợ phát triển thị trường và gỡ vướng về chính sách thuế.

Để giúp cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản vượt qua được những khó khăn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm cho phép hình thành những trung tâm triển lãm có tầm khu vực và quốc tế đặc biệt như Hà Nội, Đà Nẵng để thúc đẩy quảng bá thương mại sản phẩm.

Viforest cũng đề nghị các tham tán thương mại thường xuyên phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp hỗ trợ cho việc cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường tại các quốc gia, thị trường quan trọng.

Một số khó khăn trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách trong nước như: Chính sách thuế, bảo hiểm xã hội và tín dụng cho doanh nghiệp... cũng được người đại diện của Viforest kiến nghị sớm tháo gỡ để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất nhằm có thể vượt qua giai đoạn kinh doanh khó khăn hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới