(KTSG Online) - Các doanh nghiệp đồ gỗ đang hướng đến khai thác thị trường tiềm năng ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước siêu giàu trong bối cảnh xuất khẩu ở các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU và các nước ở châu Á sụt giảm kéo dài.
- Ngành gỗ ăn đong, gồng lỗ để duy trì hoạt động
- 37 doanh nghiệp gỗ dán cứng có nguy cơ bị áp thuế cao khi xuất qua Mỹ
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), trong những giải pháp ứng phó với tình hình hiện tại, ngành gỗ chứng kiến một đợt dịch chuyển mới, có thể gọi là mở rộng biên độ kinh doanh.
Cụ thể là việc các thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng sự hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai để tiếp cận cơ hội cung ứng cho các siêu dự án bất động sản mới.
Vị Chủ tịch HAWA cho rằng khu vực Trung Đông đang được ví là điểm đầu tư của thập niên này. Đây là vùng đất đang được quy hoạch để xây dựng các siêu dự án.
Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến như siêu dự án NEOM tại Arab Saudi với 4 tổ hợp Sindalah, The Line, Trojena và Oxagon; siêu dự án The Mukaab (New Murabba) trị giá 800 tỉ đô la Mỹ; siêu dự án Mirror Line vốn đầu tư 1.000 tỉ đô la.... Tất cả các dự án này, đều cần nội thất, và còn là nội thất phân khúc cao cấp.
Thông tin từ thương vụ Việt Nam tại UAE cũng cho thấy, nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm, trong khi gần như các quốc gia này không sản xuất đồ nội thất.
Trước những tiềm năng to lớn này, các thương hiệu lớn của thị trường nội thất Việt Nam như Trần Đức, AA, Minh Thành... đã ký hợp đồng mua gian hàng lớn ở các triển lãm nội thất phục vụ thị trường Dubai.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, cho rằng trong bối cảnh khó khăn thị trường truyền thống kéo dài, doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang khẳng định tính chủ động trong kinh doanh hội nhập. Khi thị trường suy giảm, thời gian qua, doanh nghiệp không hề bị động mà cố gắng thích ứng. “Một mặt, doanh nghiệp ngành gỗ tổ chức lại bộ máy sản xuất, tinh gọn mô hình để tiết giảm chi phí. Mặt khác, nỗ lực tận dụng các hỗ trợ từ các cơ quan xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới”, ông Khanh nói.
Dù vậy theo các chuyên gia, điều cần nhất lúc này là doanh nghiệp phải kiện toàn nội lực để có thể sẵn sàng đón đơn hàng khi thị trường phục hồi.
Mặt khác, “luật chơi” mới mà thị trường đang đòi hỏi cấp thiết là tính bền vững trong sản phẩm nội thất. Đây không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, nếu muốn tham gia thị trường. Đó là chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ chính là con đường để có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường truyền thống như Mỹ, EU… tụt giảm sâu thì thị trường Ấn Độ và Trung Đông trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu toàn ngành.