(KTSG Online) - Theo Cục Lâm nghiệp, trong 7 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 9,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% so với cùng kỳ.
- Doanh nghiệp phát thải carbon cao đối mặt với chi phí vay đắt đỏ
- Tác động của Thông tư 12 đến tăng trưởng tín dụng
Đây là thông tin tại Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quí 3-2024. Theo đó, một số sản phẩm xuất khẩu tăng mạnh như dăm gỗ tăng gần 38%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ đạt 5 tỉ đô la Mỹ, Trung Quốc đạt hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, Nhật Bản đạt 949 triệu đô la Mỹ, châu Âu đạt 555 triệu đô la Mỹ và Hàn Quốc đạt 472 triệu đô la.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 22,3%. Tính chung, xuất siêu của toàn ngành đạt hơn 7,8 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, sản xuất gỗ trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguyên liệu gỗ hợp pháp hay cam kết giảm phát thải.
Về vấn đề bảo hộ thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Đỗ Xuân Lập kiến nghị các bộ, ngành cần có những giải pháp đồng bộ như tăng cường cung cấp thông tin về chính sách, dự báo, cảnh báo về phòng vệ thương mại và hỗ trợ xúc tiến để hỗ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cần có những hành động cụ thể và lâu dài, bao gồm đầu tư vào công nghệ xanh và tuân thủ pháp luật về môi trường.
Tại hội nghị, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho biết nhu cầu đồ gỗ tăng cao vào giai đoạn cuối năm, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, tại thị trường quốc tế, với thị phần xuất khẩu chỉ chiếm 6%, doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng, phát triển thị phần.