(KTSG Online) - Kim ngạch xuất khẩu ngành chế biến gỗ, lâm sản năm nay ước đạt 15,6 tỉ đô la Mỹ và thặng dư 12,6 tỉ đô la. Mục tiêu xuất khẩu toàn ngành đặt ra cho năm tới là trên 16,5 tỉ đô la.
Thông tin này được ghi nhận tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2021 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản cho năm 2022, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức ngày 17-12.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), trị giá xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản năm 2021 ước đạt trên 15,6 tỉ đô la, tăng trên 18% so với năm 2020 và vượt 1,6 tỉ đô la so với kế hoạch đề ra (Kế hoạch xuất khẩu 14 tỉ đô la).
Đây được xem là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh 4 tháng (tháng 6, 7, 8, 9-2021) các địa phương là “thủ phủ” chế biến gỗ của Việt Nam gồm Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thời điểm đó, hầu hết các nhà máy, phân xưởng phải ngừng sản xuất hoặc cắt giảm lao động do thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch.
Trong năm nay, doanh nghiệp trong ngành chi khoảng 3 tỉ đô la nhập khẩu. Như vậy, tính ra trong năm nay, ngành đồ gỗ xuất siêu ước đạt 12,6 tỉ đô la, tăng 18,4% so với kết quả năm 2020.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng đạt được kết quả xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vượt xa mục tiêu đặt ra là nhờ sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn cuối năm khi Chính phủ chuyển từ chiến lược “Zero Covid-19” sang “sống chung” với dịch. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Điểm quan trọng nữa là sự nỗ lực của doanh nghiệp trong ngành trong việc xoay chuyển và thích ứng trong điều kiện sản xuất và kinh doanh trong tình hình mới.
Năm 2022, mặc dù đánh giá dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gỗ, nhưng ngành này vẫn tiếp tục đặt mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị từ 16,5 tỉ đô la trở lên, tăng 5,7% so với năm 2021.
Bên cạnh những khó khăn nhưng năm 2022 ngành gỗ cũng có nhiều thuận lợi, khi khả năng chống chịu của doanh nghiệp tăng lên; xuất khẩu gỗ của Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); EU-Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản vào một số thị trường truyền thống giữ mức tăng trưởng cao. Cụ thể như Trung Quốc tăng 23,7%; Mỹ tăng 21,4%; EU tăng 14,4%; Nhật Bản tăng 6,7%; và Hàn Quốc tăng 5,7%.
Trong năm 2022, toàn ngành xây dựng mục tiêu xuất khẩu đạt từ 16,5 tỉ đô la trở lên, tăng 5,7% so với 2021. Trong đó, sản phẩm gỗ đạt 11,47 tỉ đô la, tăng 5,7%; gỗ các loại 3,84 tỉ đô la, , tăng 5,5%; lâm sản ngoài gỗ là 1,19 tỉ đô la, tăng 7,7%.