Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành hóa chất vượt qua đại dịch Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thử thách chung đối với toàn ngành hóa chất Việt Nam trong thời điểm đại dịch Covid vô cùng khó khăn bởi là ngành có vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế, cung cấp đầu vào cho nhiều ngành hàng quan trọng thiết yếu.

Diễn biến, tình hình ngành hóa chất trong đại dịch

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhanh từ Trung Quốc rồi lan rộng ra các nước trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Một trong những hậu quả nghiêm trọng đó chính là sang năm 2021, giá thành các nguyên vật liệu, sản phẩm tăng cao đột biến nguyên nhân là do nguồn cung khan hiếm và chính sách in tiền của các nước trên thế giới. Đây chính là nhát chém chí mạng vào điểm yếu của ngành hóa chất tại Việt Nam khi khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào còn yếu và phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ các thị trường Trung Quốc (70-80% lượng hóa chất), Đông Nam Á và Hàn Quốc.

Giá thành nhập khẩu hóa chất tăng cao đột biến.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhiều sản phẩm quan trọng của ngành hóa chất có kim ngạch nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ như: chất dẻo đạt gần 5 tỉ đô la Mỹ (tăng 50,6%); sản phẩm chất dẻo đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ (tăng 24,5%); hóa chất đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ (tăng 60,1%); sản phẩm hóa chất đạt 3 tỉ đô la Mỹ (tăng 35,6%).

Tại Việt Nam, tính đến tháng 9-2021, số ca nhiễm Covid đã lên tới gần 750.000 ca trên cả nước với 62 tỉnh thành ghi nhận có ca mắc trong cộng đồng. Trải qua 4 lần bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn, đặc biệt là lần bùng phát tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 4-2021, chính phủ phải ban hành các chỉ thị giãn cách và ở nhiều tỉnh, thành phố đã phải thực hiện biện pháp giãn cách trên quy mô lớn, toàn thành phố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông hàng hóa.

Hiệu ứng domino xảy ra khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn đã làm đứt gãy hàng loạt hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Doanh số tụt giảm mạnh trong thời điểm này bởi nhiều yếu tố tác động: giá thành nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; chi phí vận chuyển tăng lên vì các doanh nghiệp giờ đây phải bỏ ra rất nhiều tiền cho việc thực hiện xét nghiệm Covid cho lái xe; chi phí sản xuất cũng tăng bởi theo chỉ thị mới từ phía chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ tại nơi làm việc. Trong khi đó giá thành sản phẩm không tăng, điều này làm khiến cho các doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ trước làn sóng thử thách có phần ngày càng “nặng đô”.

Thích nghi để tồn tại

Năm 2020 được xem là một năm đầy biến động đột biến của nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất, kinh doanh hóa chất khi một vài nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ dịch bệnh nhờ nhu cầu phục vụ cho y tế, phòng bệnh tăng cao như nhóm các ngành hóa chất khử trùng tẩy rửa. Dịch Covid-19 bùng phát làm tăng đột biến các sản phẩm này dù không chiếm nhiều tỷ trọng trong chuỗi ngành hóa chất.

Nhu cầu sử dụng chất tẩy rửa khử trùng tăng cao trong dịch bệnh.

Tuy nhiên, lợi thế cũng mau chóng qua nhanh khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Nhóm các doanh nghiệp sản phẩm phân bón, săm lốp, xút, bao bì,… lại thể hiện kết quả kinh doanh hồi phục mạnh nhờ vào khi thị trường tiêu dùng hồi phục sau dịch, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tăng trong khi doanh nghiệp có hàng tồn kho nguyên liệu giá thấp đã giúp các doanh nghiệp hóa chất tăng trưởng biên lợi nhuận gộp mạnh mẽ. Đây là nhóm các doanh nghiệp hưởng lợi gián tiếp từ dịch bệnh Covid-19.

Dịch bệnh không chỉ tạo ra khó khăn mà cũng đem tới cơ hội cho các doanh nghiệp có thêm nhiều thời gian để cải tổ lại bộ máy vận hành, thực hiện chuyển đổi số đưa công nghệ vào hỗ trợ công việc nhằm nâng cao năng suất làm việc. Các doanh nghiệp từ việc duy trì và mở rộng doanh thu những năm trước thì nay chuyển sang thế phòng thủ, chuẩn bị những bước chạy đà ngay khi dịch bệnh kết thúc. Có thể thấy thời gian nào cũng đều rất quý giá nếu như biết cách tận dụng tốt.

Theo đề án phát triển ngành hóa chất của Việt Nam, ngành hóa chất hiện đang tăng trưởng với tốc độ 10-10,5%/năm. Tuy nhiên, mục tiêu của ngành công nghiệp hoá chất chính là nâng mức tăng trưởng lên ít nhất 20%. Để đạt được điều này trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp đã thích nghi tốt khi tận dụng lợi thế của tình hình hiện tại và đưa ra những chiến lược tập trung vào những mảng sản phẩm được hưởng lợi, có nhu cầu lớn, giá trị gia tăng cao, có lợi thế đảm bảo an ninh lương thực, an ninh y tế. Trong đó phải kể đến những doanh nghiệp tiêu biểu đã làm tốt như công ty CP Tập đoàn hóa chất Đức Giang, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Công ty CP XNK Hóa chất và Thiết bị Kim Ngưu (VIETCHEM),…

Về lâu dài các doanh nghiệp ngành hóa chất vẫn phải chủ động nâng cao năng lực trong phân tích, dự báo thị trường để bổ sung hoàn thiện chiến lược, kế hoạch phát triển hợp lý, phấn đấu đạt kết quả sản xuất kinh doanh tốt và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội, ứng dụng công nghệ cao để cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường. Để ngay sau khi Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm Vaccine cho toàn bộ người dân, các ngành công nghiệp, sản xuất,… trở lại guồng vận hành trước khi dịch bệnh thì các doanh nghiệp ngành hóa chất phải đáp ứng được nhu cầu cung ứng nguyên liệu. Từ đó từng bước đưa doanh nghiệp quay trở lại chuỗi cung ứng sau đại dịch và trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới