(KTSG Online) – Để kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc tiếp tục yêu cầu các công ty lữ hành dừng tổ chức các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài. Trước đại dịch, du khách Trung Quốc chiếm phần lớn lượng khách quốc tế đến thăm các nước ASEAN, vì vậy, chính sách này sẽ kìm hãm đà phục hồi của ngành khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của Hotels & Hospitality Group thuộc Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), chính sách hạn chế của Trung Quốc có thể gây tổn thất từ 10-20 điểm phần trăm đối với tỉ lệ lấp đầy phòng ở ngành khách sạn tại một số thành phố ở khu vực ASEAN.

Trung Quốc duy trì lệnh cấm tour theo nhóm ra nước ngoài
Tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cấm các các hãng lữ hành tổ chức tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài để ngăn ngừa rủi ro dịch bệnh Covid-19 tái trỗi dậy trong mùa đông này.
Chính sách hạn chế du lịch này được Trung Quốc triển khai từ tháng 1-2020 như là một phần của nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh Covid-19, được phát hiện lần đầu tiên tại TP Vũ Hán.
Dữ liệu của ngành du lịch Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Maldives, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam cho thấy, kể từ năm 2013 Trung Quốc đóng góp hơn 40% lượt khách quốc tế đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong số đó, có 5 thị trường có tỉ lệ du khách Trung Quốc cao nhất trong năm 2019 bao gồm Hồng Kông (78,3%), Hàn Quốc (34,4%), Việt Nam (32,2%), Nhật Bản (30,1%) và Thái Lan (27,1%).
Báo cáo của JJL cho biết đà phục hồi hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc là yếu tố mang tính quyết định đối với đà phục hồi của các thị trường khách sạn khắp châu Á.
Nếu các vaccine Covid-19 do Trung Quốc sản xuất trở nên kém hiệu quả hơn trước các biến thể mới của virus SARS-COV-2 và Trung Quốc duy trì chiến lược xóa sạch ca nhiễm (zero - Covid) trong thời gian dài, nước này có thể đóng cửa biên giới lâu hơn so với dự kiến.
Báo cáo của JLL cho rằng chính sách cấm tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ kìm hãm đà phục hồi của ngành khách sạn ở các thành phố lớn của Đông Nam Á. Chẳng hạn, báo cáo ước tính tỉ lệ lấp đầy phòng ở Jakarta, thủ đô Indonesia có thể phục hồi về mức 60% trước đại dịch nhưng chính sách đóng cửa biên giới kéo dài của Trung Quốc sẽ khiến tỉ lệ này tổn thất 11 điểm phần trăm.
Tương tự, đà phục hồi tiềm năng của ngành khách sạn ở Singapore, Bangkok (Thái Lan) và TPHCM có thể tổn thất lần lượt 14, 18 và 19 điểm phần trăm nếu thiếu du khách Trung Quốc.
Tokyo, Seoul và TPHCM bị ảnh hưởng nhiều
Báo cáo của JLL lưu ý ngoài Hồng Kông, ngành khách sạn ở Tokyo, Seoul và TP. Hồ Chí Minh sẽ bị tác động nặng nề nhất nếu Trung Quốc duy trì chính sách đóng cửa biên giới trong thời gian dài. Theo báo cáo, tỉ lệ lấp đầy phòng của ngành khách sạn ở Tokyo và Seoul sẽ tổn thất 23 điểm phần trăm nếu khách Trung Quốc vẫn chưa được phép đi du lịch theo tour nhóm ra nước ngoài.
Báo cáo cho biết: “Rõ ràng, nguồn cung phòng mới ở các thị trường này chủ yếu phục vụ du khách Trung Quốc và sẽ rất khó thay thế họ”.
Trái lại, các thị trường như Maldives và Singapore được kỳ vọng sẽ duy trì tỉ lệ lấp đầy phòng cao dù vắng bóng du khách Trung Quốc. Đảo quốc Maldives ở Thái Bình Dương được hưởng lợi từ các nhóm du khách khác thường có xu hướng lưu trú nhiều ngày. Trong khi đó, phân khúc du khách quốc tế đến Singapore cũng đa dạng hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á
Tuy nhiên, báo cáo cho rằng các khu nghỉ dưỡng ở hai thị trường này, vốn được thiết kế để phục vụ khách du lịch Trung Quốc, sẽ cần phải định vị lại trong ngắn hạn để phục hồi mạnh mẽ hơn.
Cần đa dạng hóa phân khúc du khách quốc tế
Giới phân tích cho rằng nếu lượng du khách Trung Quốc chưa thể phục hồi mạnh mẽ trong vài năm tới, chính phủ các nước Đông Nam Á phải chú ý đến các thị trường ít quan trọng hơn trước đây.
Steven Schipani, chuyên gia nghiên cứu du lịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhấn mạnh đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của chiến lược đa dạng hóa thị trường du lịch.
Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) cũng cho rằng: “Các nước Đông Nam Á sẽ phải nỗ lực gấp bội để thu hút du khách từ các thị trường nguồn đa dạng, bao gồm du khách ở châu Âu. Khu vực này là điểm đến du lịch đường dài yêu thích của du khách châu Âu nên việc mở cửa biên giới với họ là điều quan trọng”.
Theo Viện Nghiên cứu Du lịch nước ngoài Trung Quốc, người dân Trung Quốc rất háo hức đi du lịch nước ngoài một khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cho phép Trung Quốc tái mở cửa biên giới.Trong kịch bản đó, báo cáo của JLL nhận định: “Có khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên thiết lập các tuyến du lịch với các nước đã quản lý tốt dịch bệnh Covid-19 nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao”. Báo cáo cũng cho rằng du khách trẻ của Trung Quốc, chứ không phải du khách theo nhóm gia đình, sẽ là động lực thúc đẩy đà phục hồi của ngành khách sạn ở khu vực ASEAN.
Theo Business Times, Deutsche Welle