Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành ngân hàng đặt tham vọng chuyển đổi số, 70% giao dịch là qua internet

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành ngân hàng đặt tham vọng chuyển đổi số, 70% giao dịch là qua internet

Dũng Nguyễn

(KTSG Online) – Với tỷ lệ 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, Ngân hàng nhà nước đặt kế hoạch đến năm 2025 sẽ có ít nhất 50% nghiệp vụ tài chính cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số và 70% giao dịch thuộc về kênh số.

Ngành ngân hàng đặt tham vọng chuyển đổi số, 70% giao dịch là qua internet
Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết ngành ngân hàng đặt nhiều mục tiêu cụ thể trong kế hoạch chuyển đổi số trong một thập kỷ tiếp theo. Ảnh: SBV.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mới đây cơ quan này đã ký Quyết định 810 ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch chuyển đổi số của ngành cũng là một cấu phần trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Các mục tiêu trong bốn năm tiếp theo được đặt ra khá cụ thể về việc cung ứng dịch vụ hoạt động nghiệp vụ tại tổ chức tín dụng. Đây cũng là căn cứ để đo lường, đánh giá hoạt động chuyển đổi số của ngành.

Theo đó, có một số chỉ tiêu đáng chú ý là đến năm 2025 có ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, ít nhất 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số, tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của Ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân cũng đạt tỷ lệ tối thiểu 50%, Ít nhất 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.

Theo lãnh đạo NHNN, để đạt mục tiêu trên, kế hoạch này cũng đặt ra chín nhóm giải pháp, bao gồm việc sửa đổi bổ sung quy định; thiết lập hạ tầng, cơ sở dữ liệu; triển khai mô hình mới; áp dụng giải pháp chấm điểm tín dụng; kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và nhiều giải pháp khác liên quan đến hoạt động nâng cao nguồn nhân lực, truyền thông.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, kết quả khảo sát của toàn ngành cho thấy hoạt động chuyển đổi số đang thực hiện rất tốt với 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số.

Theo đó, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn. Ví dụ như nghiệp vụ gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạ mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán tài chính,…. Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng các công nghệ “thời thượng” như AI, ML và Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân, giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.

“Với thực trạng triển khai và xu hướng chuyển đổi số tại các tổ chức tín dụng thời gian qua, kết hợp với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể tại Quyết định 810, tôi tin tưởng rằng các mục tiêu cụ thể tại Kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng là hoàn toàn khả thi”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, việc chuyển đổi số ngành ngân hàng gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Thách thức quan trọng nhất là sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, một thách thức lớn khác là việc từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng; việc đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

NHNN kiến nghị với Chính phủ:

Một là đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử.

Hai là ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.

Ba là sớm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (CSDLQGDC), có cơ chế cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới