Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành than vẫn sống khỏe

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hàng loạt cam kết loại bỏ than đá để hỗ trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã được các chính phủ và doanh nghiệp đưa ra. Thế nhưng, bất chấp nỗ lực này, ngành công nghiệp than tiếp tục “sống khỏe”.

Ngành than tiếp tục bùng nổ

Vào tháng 11-2021, tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc ở Glasgow, Scotland, các nhà lãnh đạo thế giới đã tuyên bố một cách đầy tham vọng rằng họ đang dần đẩy than đá vào đống tro tàn của lịch sử. Các chính phủ hứa sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, và các nhà tài chính cam kết ngừng tài trợ cho các mỏ than.

Tuy nhiên, 18 tháng trôi qua, một trong những nhiên liệu gây nhiều khí thải nhà kính nhất thế giới vẫn đang bốc khói. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch tăng cao, đẩy mức tiêu thụ than toàn cầu lên mức kỷ lục trong năm 2022. Trong đó, mức tiêu thụ tại Ấn Độ tăng 10%, còn châu Âu tăng 5%, do các cơ sở sản xuất điện dùng than thay cho khí đốt, và lấp đầy khoảng trống nguồn cung do hoạt động sản xuất điện hạt nhân, thủy điện suy giảm.

Nhu cầu cao cũng kéo theo sản lượng khai thác than toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2022. Trung Quốc tăng sản lượng 11% so với năm 2021, trong khi sản lượng ở Ấn Độ tăng 16%. Tại Mỹ, sản lượng than tăng 3% trong năm 2022, mặc dù tiêu thụ nội địa giảm và hạn chế trong hoạt động vận tải hậu cần. Tại Indonesia, sản lượng than đã tăng 4% so với mục tiêu hàng năm. Các dự án nhà máy điện than mới, với tổng công suất khoảng 40 gigawatt cũng đã được phê duyệt trong năm ngoái - mức cao nhất kể từ năm 2016. Hầu hết trong số này nằm tại Trung Quốc.

Thậm chí, ngay cả khi cú sốc năng lượng đã dần lắng dịu, nhu cầu than toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm nay. Điều đáng lo ngại là ở chỗ, để giới hạn mức tăng nhiệt độ của thế giới ở mức 1,5°C, sản lượng than toàn cầu cần phải được cắt giảm hơn hai phần ba trong suốt thập kỷ này. Thế nhưng với tình hình hiện nay, mức giảm này được dự báo sẽ chỉ là chưa đầy một phần năm.

Những nỗ lực hạn chế tài chính bất thành

Một trong những động lực chính cho kế hoạch đầy tham vọng của năm 2021 là hàng loạt các cam kết được đưa ra bởi các ngân hàng lớn nhất thế giới, các tổ chức cho vay cũng như các nhà đầu tư khác. Hơn 200 công ty tài chính, chủ yếu là tại các nước phát triển, đã công bố các chính sách hạn chế đầu tư vào khai thác than hoặc các nhà máy nhiệt điện than. Những doanh nghiệp đại diện cho 2/5 tài sản ngành ngân hàng toàn cầu đã đăng ký gia nhập Liên minh Ngân hàng Net-Zero, tổ chức được thành lập với cam kết sắp xếp các danh mục đầu tư để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp cho quá trình cắt giảm khí thải carbon, bằng cách hạn chế nguồn tài chính dành cho nhiên liệu hóa thạch, được thực hiện thông qua nhiều giai đoạn, từ việc tăng chi phí vốn cho các dự án, hạn chế đầu tư và cuối cùng là cắt đứt hoàn toàn nguồn cung tài chính.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của ngành công nghiệp than đã phơi bày những thiếu sót trong cách tiếp cận này. Điều gì đang thực sự xảy ra?

Đầu tiên, những cam kết của các ngân hàng thường đi kèm với những điều kiện ràng buộc ít người để ý. Nhiều cam kết sẽ không có hiệu lực cho đến cuối thập kỷ này, trong khi một số khác chỉ ảnh hưởng tới các khách hàng mới hoặc các mỏ than mới, hoặc loại trừ các công ty khai thác chỉ có một phần doanh thu từ than. Hệ quả là trong năm ngoái, 60 ngân hàng lớn vẫn cung cấp tới 13 tỉ đô la cho các nhà sản xuất than lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sức ép lớn về mặt chính trị. Hồi tháng trước, ba công ty bảo hiểm lớn là Allianz, AXA và SCOR đã quyết định rời khỏi Liên minh Bảo hiểm Net-Zero (NZIA) do lo ngại sự phản đối từ các chính trị gia Đảng Cộng hòa tại Mỹ. Các chính trị gia này cáo buộc rằng, liên minh có thể vi phạm luật chống độc quyền tại cả tiểu bang và liên bang, thông qua việc hợp tác với nhau để giảm lượng khí thải carbon của khách hàng.

Reuters cũng cho biết, tính cả ba doanh nghiệp này, ít nhất bảy thành viên của liên minh NZIA đã rời đi, bao gồm cả năm trong số tám thành viên sáng lập. Tình hình được dự báo vẫn còn phức tạp, bởi trong số 23 thành viên còn lại, vẫn có nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh đáng kể tại Mỹ. Ông John Neal, Giám đốc điều hành của Lloyd’s of London - một thành viên của NZIA cảnh báo “liên minh cần nới lỏng các quy tắc, hoặc đối mặt với nguy cơ tan rã”.

Trong mọi trường hợp, các công ty phương Tây không phải là nhà cung cấp tài chính duy nhất mà các công ty than có thể trông cậy. Ở những lĩnh vực mà họ cho vay ít hơn, chẳng hạn như cho các mỏ than mới, các nhà cung cấp vốn khác đang đổ xô vào. Các ngân hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ than hàng đầu, không ngần ngại cấp vốn cho việc khai thác than, và các ngân hàng ở Indonesia cũng vậy. Các ngân hàng này dĩ nhiên không đăng ký tham gia vào liên minh Net-Zero.

Một nguồn vốn dồi dào khác đến từ các nhà đầu tư tư nhân trên khắp thế giới. Một số công ty khai thác và dầu mỏ lớn đang thanh lý tài sản trong ngành than của họ. Tuy nhiên, thay vì bị loại bỏ, các tài sản này lại nhanh chóng được các quỹ tư nhân mua lại và được mở rộng quy mô. Mỏ than sâu đầu tiên của Anh sau nhiều thập kỷ khai thác rốt cuộc đã thuộc quyền sở hữu của các nhà đầu tư tư nhân. Từ Miami đến Chicago, các nhà đầu tư đang tăng cường nắm giữ tài sản trong ngành than. Teck, một công ty khai thác ở Canada, đang tìm cách tách khỏi hoạt động kinh doanh cung cấp than cho sản xuất thép, mới đây cho biết đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những nhà đầu tư tiềm năng.

Sự cần thiết phải giảm nhu cầu tiêu thụ than

Tất cả những điều này đã chỉ ra rằng, việc dựa vào các biện pháp tài chính để hạn chế nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa thể phát huy hiệu quả, bởi nó không làm ảnh hưởng đến nhu cầu. Chừng nào nhu cầu còn cao, các doanh nghiệp vẫn có thể kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào than đá và sẽ luôn có người sẵn sàng tìm cách làm như vậy.

Không ai có thể chắc được rằng liệu sản lượng than có còn tăng cao hơn nữa hay không nếu các ngân hàng ở những quốc gia phát triển không đưa ra cam kết như hồi năm 2021. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những lời hứa như vậy có thể đã tạo ra cảm giác an toàn không có thực, từ đó ngăn cản các công ty và quan trọng hơn là các chính phủ thực hiện các hành động thiết thực hơn để giảm mức tiêu thụ than.

Theo The Economist, cách đơn giản nhất để ngăn cản việc hút thuốc lá không phải là cắt giảm tài chính cho các công ty sản xuất, mà là làm cho việc mua thuốc lá trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Tương tự, cách thức hiệu quả nhất để loại bỏ than đá là hạn chế nhu cầu đối với loại nhiên liệu này. Làm cho các nguồn năng lượng xanh rẻ hơn và khuyến khích đầu tư vào năng lượng hạt nhân sẽ làm giảm sức hấp dẫn của than khi cú sốc năng lượng tiếp theo xảy ra.

Việc định giá carbon hợp lý, ngay cả khi chỉ áp dụng ở các nước phương Tây, sẽ làm giảm nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, một biểu thuế carbon được thiết kế cẩn thận, đánh thuế nhập khẩu cao hơn đối với các mặt hàng sử dụng các dạng năng lượng phát thải nhiều carbon, có thể khuyến khích các nhà sản xuất trên khắp thế giới thay đổi nguồn cung năng lượng.

Sự mất cân bằng trong đầu tư năng lượng giữa các nền kinh tế

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những lo ngại về an ninh năng lượng trong thời gian qua đang khiến hoạt động đầu tư cho năng lượng sạch tăng mạnh, vượt xa chi tiêu cho nhiên liệu hóa thạch. Khoảng 2.800 tỉ đô la sẽ được đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu vào năm 2023, trong đó hơn 1.700 tỉ dự kiến sẽ dành cho các công nghệ sạch. Hơn 1.000 tỉ còn lại sẽ dành cho các nhiên liệu hóa thạch bao gồm than đá, khí đốt và dầu mỏ.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy, các khoản đầu tư vào than đá chắc chắn vẫn sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2023, gần gấp sáu lần so với mức cần thiết để có thể giúp thế giới chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải chống biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, 90% mức tăng đầu tư năng lượng sạch đến từ các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc, trong khi các quốc gia kém giàu có hơn vẫn đang có xu hướng gắn chặt với các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá. Theo IEA, các yếu tố như lãi suất cao, cơ sở hạ tầng lưới điện yếu kém và chính sách thiếu rõ ràng, đang cản trở hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo tại nhiều quốc gia.

Bà Vibhuti Garg, Giám đốc Nam Á của Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính cho biết, trọng tâm của các nước giàu vẫn là đầu tư vào nền kinh tế của chính họ chứ không phải cung cấp vốn cho các quốc gia nghèo hơn. Kể từ năm 2009, các quốc gia giàu có đã hứa chi 100 tỉ đô la Mỹ viện trợ khí hậu cho các quốc gia nghèo, phần lớn nhằm giúp họ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như than đá và xây dựng hệ thống năng lượng sạch.

Tuy nhiên, cho đến nay, những cam kết tài chính này vẫn chưa được thực hiện. Bà Garg nói rằng điều này đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển sẽ tiếp tục phụ thuộc vào than bẩn. “Làm thế nào bạn có thể mong đợi những nước đang phát triển này chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch khi họ không có đủ nguồn tài chính?”.

Nguồn: Economist, Reuters, WB, AP

1 BÌNH LUẬN

  1. Sống khỏe, nhưng chưa chắc yên ổn. Nếu không cẩn thận thì trước sau gì cũng sẽ lâm vào bước đường cùng. Nguyên tắc vàng trong sử dụng tài nguyên là bắt buộc người khai thác phải có trách nhiệm tái tạo ra cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế. Các nước Ả rập, mặc dù rất dồi dào về dầu mỏ, nhưng họ đang biết cách làm rất tốt điều này, bằng cách thoát ly dần việc bán tài nguyên để dành nguồn lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghệ hàng đầu thế giới nhằm đón đầu kỷ nguyên phát triển mới. Tài nguyên luôn có giới hạn. Chỉ có tầm nhìn sáng suốt mới là vô hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới