Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các ‘ông lớn’ ngành than lãi kỷ lục trong năm 2022

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu than tăng vọt do cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại “bữa tiệc” lợi nhuận cho các công ty khai thác than lớn nhất toàn cầu.

Một mỏ than của Tập đoàn khai khoáng ở Queensland, Úc.  Ảnh: APP Photos

Theo dữ liệu của Financial Times và S&P Capital IQ, tổng lợi nhuận của mảng than ở 20 công ty khai thác than lớn nhất thế giới tăng lên mức kỷ lục 97,7 tỉ đô la Mỹ trong 12 tháng đã báo cáo tài chính gần nhất. Con số lợi nhuận này cao gấp 3 lần so với 12 tháng trước đó.

Năm ngoái, ngành công nghiệp than được dự báo là đang trên đà suy thoái trong dài hạn. Nhiều nước đã cam kết từ bỏ sử dụng than trong nỗ lực giảm khí thải nhà kính nhưng lại phải quay lại dựa vào loại nhiên liệu hóa thạch này như là nguồn cung cấp nhiệt và điện đáng tin cậy khi các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng trở thành ưu tiên hàng đầu khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Sau khi Nga bóp nghẹt dòng chảy khí đốt sang châu Âu trong năm nay, nhiều nước ở châu Âu bao gồm Đức đã kéo dài tuổi thọ của các nhà máy nhiệt điện than đã lên kế hoạch đóng cửa. Thậm chí, một số nước còn khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than đã đóng cửa.

Những công ty được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu than trỗi dậy là gồm Glencore, Công ty khai thác than China Shenhua (Trung Quốc), BHP… Trong đó, Glencore, tập đoàn kinh doanh hàng hóa và khai khoáng của Thụy Sĩ đã ghi nhận lợi nhuận mảng than đạt 13,2 tỉ đô la Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30-6.

China Shenhua cũng thu về 12,2 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận trong khoảng thời gian đó còn BHP, tập đoàn khai khoáng của Úc cũng kiếm được 9,5 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận, chủ yếu từ hoạt động sản xuất than cốc, loại nhiên liệu thường được sử dụng để luyện kim.

Chỉ một năm sau khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc cam kết “giảm dần” sử dụng than, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch này tăng vọt do giá khí đốt đắt đỏ và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu than toàn cầu tăng 1,2%, lên mức cao kỷ lục hơn 8 tỉ tấn trong năm 2022.

Trong năm nay, tại châu Âu, giá than nhiệt lượng cao (thường sử dụng để sản xuất điện) đạt mức trung bình 295 đô la Mỹ/tấn, cao gấp đôi so với năm trước và cao hơn gần 4 lần so với mức giá trung bình từ năm 2010 đến năm 2020, theo Argus Media. Kết quả là các công ty khai thác than đã lãi đậm với vận may bất ngờ này.

Mảng than của Anglo American (Mỹ), nhà sản xuất than cốc thứ năm thế giới, ngoài Trung Quốc, đã “lột xác” từ lỗ 34 triệu đô la Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30 -6-2021 sang lãi 2,5 tỉ đô la Mỹ một năm sau đó.

BHP ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận than lớn nhất, tăng 3.200%, từ 288 triệu đô la Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30-6-2021 lên 9,5 tỉ đô la Mỹ một năm sau đó. BHP là nhà sản xuất than cốc lớn nhất thế giới, ngoài Trung Quốc. Tại Glencore, thu nhập từ than tăng lên 13,2 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 11 lần trong cùng kỳ năm trước.

“Các nhà xuất khẩu than đường biển là những người thắng lớn. Các công ty khai thác than để xuất khẩu và giao dịch quốc tế có lợi nhuận lớn hơn so với các công ty khai thác than thuộc sở hữu nhà nước thường bán cho thị trường nội địa”, Myles Allsop, nhà phân tích tại Ngân hàng UBS nói.

Theo Allsop, chiến sự tại Ukraine đã gây ra tình trạng thắt chặt nghiêm trọng trên thị trường than, đồng thời các biện pháp trừng phạt đã ngăn chặn than của Nga tiếp cận thị trường châu Âu. Trước khi giá than bùng nổ, nhiều công ty khai thác lớn nhất ngoài Trung Quốc và Ấn Độ đã sốt sắng cắt giảm hoạt động khai thác than.

Chẳng hạn, BHP và Anglo American quyết định bán cổ phần tương ứng của họ ở mỏ than Cerrejón của Columbia, nơi xuất khẩu than nhiệt lượng chất lượng cao sang châu Âu. Hồi tháng 1, hai công ty này đã bán tổng cộng 66% cổ phần của họ ở mỏ Cerrejón cho Glencore với giá 588 triệu đô la Mỹ, trao cho tập đoàn này quyền sở hữu toàn bộ tài sản ở mỏ này, vì trước đó Glencore đã nắm 33% cổ phần.

Mỏ Cerrejón đã tạo ra 2 tỉ đô la Mỹ thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao (EBITDA) trong nửa đầu năm 2022, cao gấp nhiều lần số tiền mà Glencore chi để mua 66% cổ phần của mỏ này.

“Đây có thể là thỏa thuận hời nhất mà mọi người từng thấy”, Ben Davis, nhà phân tích ngành khai khoáng tại Công ty Liberum Capital nói.

Giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã khiến thế giới tăng sự phụ thuộc vào than để sản xuất điện, bất chấp sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng liên tục của thị phần năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Dựa trên xu hướng thị trường hiện tại, IEA dự báo mức tiêu thụ than toàn cầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức quanh 8 tỉ tấn cho đến năm 2025, khi sự suy giảm nhu cầu ở các thị trường phát triển được bù đắp bởi nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ ở các nền kinh tế châu Á mới nổi. Điều này có nghĩa là than sẽ tiếp tục là nguồn phát thải carbon lớn nhất của hệ thống năng lượng toàn cầu.

“Thế giới đang tiến gần đến mức đỉnh sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó than đá dự kiến là nguồn nhiên liệu suy giảm nhu cầu đầu tiên, nhưng chúng ta vẫn chưa đến thời điểm đó”, Keisuke Sadamori, Giám đốc thị trường năng lượng và an ninh của IEA nói.

 Theo IEA, Financial Times

1 BÌNH LUẬN

  1. Buồn cho những người tích cực trong phong trào anti-climatechange. Như thế này thì còn rất lâu, thậm chí không bao giờ, mới đạt mục tiêu decarbonize vào năm 2050 ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới