Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ lấp vào thị phần bỏ trống của Trung Quốc, Nga và Ukraine

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Ngành công nghiệp thép Thổ Nhĩ Kỳ đang giành thị phần lớn hơn trên thị trường thế giới sau khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng nhằm đáp ứng các mục tiêu khí thải và cuộc chiến Đông Âu đã khiến hai đối thủ lớn trong ngành thép suy yếu.

Tập đoàn thép Tosyali hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ đầu tư 5,5 tỉ đô la trong 5 năm tới cho các nhà máy trong nước và nước ngoài.

Các hãng thép Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy sản lượng và xuất khẩu lên mức kỷ lục trong năm 2021 và đang mở rộng công suất trong năm nay. Đồng lira mất giá, làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, khách mua thép từ EU đang tìm cách mua hàng gần nhà hơn khi cước phí vận chuyển tăng cao và nguồn cung bị gián đoạn.

Nguồn cung gần EU đáng tin cậy

Fuat Tosyali, Chủ tịch Tosyali Holding, một trong những nhà sản xuất sắt thép hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Các vấn đề trong chuỗi cung ứng và rủi ro phụ thuộc vào một nguồn duy nhất đã khiến các quốc gia và công ty phải suy nghĩ lại về tính bền vững của doanh nghiệp”.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 2 vừa rồi tính toán rằng, trung bình độ tin cậy vận chuyển đến châu Âu giảm 10 điểm phần trăm dẫn đến xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 5%. “Bởi các công ty đa quốc gia châu Âu tìm nguồn cung ứng mạnh mẽ hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì các nơi khác ở châu Á”, báo cáo của WB viết.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép thô của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 40,4 triệu tấn trong năm ngoái, tăng 12,7% so với năm 2020. Con số này đã vượt qua Đức với biên lợi nhuận “mỏng dính” trong năm thứ hai liên tiếp, giúp Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ bảy trên thế giới và chiếm 2,1%. của sản xuất toàn cầu. Tiêu thụ nội địa tăng 13%, nhưng xuất khẩu tăng 20% ​​lên tổng cộng 19,9 triệu tấn.

Đồng lira đã giảm 44% so với đô la Mỹ trong năm qua do ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, dưới áp lực chính trị, đã cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát tăng vọt. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói rằng tỷ giá thấp sẽ thúc đẩy đầu tư, sản xuất và xuất khẩu. Kết quả là chấm dứt tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai kinh niên và ổn định đồng lira.

Trong khi đồng tiền yếu hơn đã làm tăng chi phí nguyên liệu cho các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ và gây áp lực cho các nhà sản xuất thép nhỏ hơn tập trung vào thị trường nội địa, thì đó lại là một lợi ích cho các nhà xuất khẩu.

Nắm bắt cơ hội

Việc nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới là Trung Quốc giảm quy mô sản lượng và xuất khẩu để đạt các mục tiêu về khí thải đã tạo cơ hội có một không hai cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng xuất khẩu trở lại lần đầu tiên trong sáu năm vào năm 2021, đạt 66,9 triệu tấn trong tổng số hơn một tỉ tấn mà nước này sản xuất. Nhưng con số này vẫn kém xa so với mức đỉnh năm 2015 là hơn 110 triệu tấn. Nhìn chung, sản lượng của Trung Quốc đã giảm 3% trong năm ngoái.

Adnan Aslan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu thép của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: "Ngành thép của chúng tôi đã nắm bắt cơ hội khi Trung Quốc giảm sản lượng và cả xuất khẩu. Các hãng thép Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò tích cực ở các thị trường Viễn Đông và Đông Nam Á trong khi tăng cường sự hiện diện đáng kể ở Mỹ Latinh”.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2021 với 5,8 triệu tấn, tiếp theo là Trung Đông và Bắc Phi với 5 triệu tấn, Mỹ và Mỹ Latinh với 3,5 triệu tấn.

Thổ Nhĩ Kỳ có hiệp định ưu đãi thuế quan với EU và các hiệp định thương mại tự do với hơn 20 quốc gia bao gồm Anh, Israel, Ai Cập, Singapore và Malaysia.

Công ty tư vấn CRU Group cho biết các đối thủ cạnh tranh chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong xuất khẩu thép là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Ukraine.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine cuối tháng 2 đã làm gián đoạn sản xuất thép ở Ukraine. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt tài chính đối với Moscow khiến khách hàng khó chọn mua thép của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ lạc quan rằng khách hàng sẽ chuyển sang mua thép của họ. Một nhà máy thép - Ekinciler ở Iskenderun, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ - nói với Nikkei Asia rằng một đối thủ ở Nga đã yêu cầu họ thực hiện đơn hàng xuất khẩu 10.000 tấn thép thanh vằn thay mặt cho công ty Nga.

Chris Bandmann, nhà phân tích thép tại CRU Group, cho biết cuộc khủng hoảng Ukraine mang lại cả cơ hội và rủi ro cho các hãng thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Bandmann cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ là một lựa chọn tốt thứ hai sau Trung Quốc, lý tưởng cho nhiều người mua trong khu vực, đặc biệt là ở EU, mặc dù có phải chịu thuế suất 25% sau khi vượt quá hạn ngạch nhập khẩu cho phép vào EU. Người bán Thổ Nhĩ Kỳ có thể tính giá cao hơn, miễn là họ để mức chiết khấu hấp dẫn cho bạn hàng EU. Sự gia tăng gần đây của thép tấm và giá sản phẩm dài hạn của EU giúp xuất khẩu thép Thổ Nhĩ Kỳ có không gian tăng trưởng rộng lớn”.

Tuy nhiên, không chắc rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ có lợi cho ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi cuộc chiến làm phức tạp thêm việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô, làm giá cả tăng vọt.

Ông Veysel Yayan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Còn quá sớm để đánh giá. Nhưng hiện tại, tác động có thể là tiêu cực. Chúng tôi đang mua rất nhiều nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là từ Nga. Phế liệu, sắt và một số loại than mà chúng tôi chỉ mua từ Nga sẽ tăng giá, và có thể chúng tôi gặp khó khăn với đơn hàng từ Nga. Giá của hợp kim đã tăng 50% bởi các công ty đang hoảng sợ và muốn mua với số lượng lớn để dự trữ đề phòng”.

Cuộc chiến Nga – Ukraine đã khiến thị trường kim loại thế giới tăng giá hỗn loạn. Các hãng thép Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng tăng quy mô sản xuất và xuất khẩu để mở rộng thị phần. Ảnh: Reuters / Nikkei Asia

Cơn sốt đầu tư

Hầu hết các hãng thép đều tăng tốc và mở rộng đầu tư trong và ngoài nước. Tosyali đang đầu tư 2,5 tỉ đô la vào một nhà máy mới ở Iskenderun, dự kiến ​​sẽ hoạt động vào cuối năm để sản xuất 4 triệu tấn mỗi năm, chủ yếu là thép dẹt. Tosyali và đối tác Toyo Kohan từ Nhật Bản cũng đã đầu tư 650 triệu đô la vào một nhà máy ở Osmaniye, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng một nửa sản lượng được xuất khẩu.

Và Tosyali có tham vọng vượt ra khỏi biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng đang sản xuất thép ở Algeria với mục tiêu công suất 8,5 triệu tấn hàng năm, đồng thời đầu tư vào sản xuất địa phương ở Senegal và khai thác nguyên liệu sản xuất thép chính là quặng sắt ở Angola.

Chủ tịch Fuat Tosyali cho biết sẽ đầu tư 5,5 tỉ đô la trong 5 năm tới để nâng sản lượng hàng năm lên 15 triệu tấn. Hãng đã đưa thép từ Algeria bán sang Singapore vào năm 2021, lần đầu tiên từ Bắc Phi sang thị trường Đông Nam Á. “Với các khoản đầu tư mới của chúng tôi ở châu Phi, chúng tôi sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sắt thép của khu vực và tiếp cận các thị trường mà chúng tôi có chưa từng vào trước đây”, Chủ tịch Tosyali nói.

Tosyali không đơn độc trong cuộc đầu tư của mình. Icdas sẽ đầu tư 800 triệu đô la trong giai đoạn 2022 – 2024 để tăng gấp đôi sản lượng thép dẹt lên 6 triệu tấn. Colakoglu Met Practice có kế hoạch tăng sản lượng thép tấm cán nóng thêm 50% để đạt 4,5 triệu tấn trong năm nay.

Yayan thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ cho biết làn sóng đầu tư hiện tại được dự báo sẽ nâng sản lượng thép thô lên khoảng 10 triệu tấn vào năm 2025, với tiêu thụ nội địa tăng khoảng 8 triệu tấn so với cùng kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hy vọng sử dụng mức độ carbon tương đối thấp hơn trong sản xuất thép của mình như điểm mạnh trong kinh doanh khi các hãng thép hướng đến mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng không (zero).

Khoảng 70% sản lượng thép của Thổ Nhĩ Kỳ là từ các lò điện hồ quang (EAF) sử dụng phần lớn kim loại phế liệu nhập khẩu, khiến nước này trở thành nhà nhập khẩu kim loại phế liệu lớn nhất thế giới. Trên toàn cầu chỉ có 25% sản lượng được sản xuất trong lò điện EAF, phần còn lại đến từ các lò cao liên hợp sử dụng quặng sắt và than cốc.

Yayan nói: “Chúng tôi vẫn có vị trí tốt hơn so với châu Âu vào thời điểm ban đầu, vì họ cần phải điều chỉnh các lò cao tích hợp của mình”.  Ông cũng thừa nhận rằng cần đầu tư nhiều tỉ đô la để giảm lượng khí thải từ ngành thép.

Đầu tư vào lò cao đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ, ô nhiễm hơn nhưng lại tạo ra lợi nhuận cao cho chủ đầu tư. Tình trạng thiếu vốn để đầu tư lò cao, buộc phải chuyển sang lò điện giờ đây lại là lợi thế của ngành thép Thổ Nhĩ Kỳ.

Bandmann của CRU Group nhận định: “Sự hiện diện tại nhiều thị trường cũng như khả năng mở rộng và khả năng đáp ứng sản lượng lớn giúp các nhà nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhanh chóng tham gia lấp khoảng trống từ Trung Quốc. Mặc dù họ không phải là nhà xuất khẩu duy nhất có thể hưởng lợi từ việc giảm sản lượng ởTrung Quốc, nhưng các hãng thép Thổ Nhĩ Kỳ thường sẽ định giá thép của họ khá cạnh tranh để giữ vững thị phần”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới