Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành tôm khó cạnh tranh vì con giống và môi trường nuôi kém

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để con tôm Việt gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, vấn đề cần giải quyết là chất lượng con giống và môi trường nuôi. Đây là hai yếu tố quyết định đến thành công của vụ nuôi hay nói cách khác sẽ giúp giảm giá thành sản xuất.

Cần giải quyết bài toán con giống và môi trường nuôi để tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội thảo “Gỡ khó để thuỷ sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới” được tổ chức trong tuần này ở tỉnh Sóc Trăng, ông Hoàng Thanh Vũ, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, ngành tôm Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khi phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Ấn Độ và Ecuador, là những thị trường có giá sản xuất tôm rất thấp.

Theo ông Vũ, muốn cạnh tranh với Ấn Độ, Ecuador ở thị trường thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải bán giá thấp. Điều này đặt ra bài toàn khó là doanh nghiệp sẽ lỗ nếu ký hợp đồng bán với giá thấp nhưng lại mua nguyên liệu trong nước với giá cao còn nếu không ký hợp đồng thì công nhân mất việc. Tuy nhiên, việc mua nguyên liệu giá thấp sẽ làm nông dân thua lỗ và sẽ không nuôi tôm.

Ông Vũ dẫn chứng, theo cập nhật mới nhất, ở Ấn Độ tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg có giá chỉ 115.000 đồng/kg trong khi Việt Nam là 140.000 đồng/kg. Với Ecuador, loại 40 con/kg có giá chỉ có 105.000 đồng/kg và loại 100 con/kg có giá chỉ 62.000 đồng/kg trong khi loại 100 con/kg của Việt Nam là 93.000-94.000 đồng/kg.

Xét về giá, Việt Nam rất khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ và Ecuador. “Hiện trình độ của Ecuador và Ấn Độ đang ngày càng phát triển và nếu họ chế biến sâu thành công nữa thì tôm Việt sẽ càng khó khăn hơn”, ông Vũ nói.

Vì sao giá sản xuất tôm Việt Nam cao như vậy? tại hội thảo nêu trên, nhiều đại biểu đã cho rằng, do tỷ lệ nuôi thành công của con tôm tại Việt Nam thấp, chỉ đạt khoảng 40% trong khi Thái Lan là 55% còn Ấn Độ là 47-48%. Tỷ lệ nuôi thành công của mình thấp dẫn đến giá thành rất cao.

Muốn giải quyết được vấn đề trên thì cần phải giải quyết hai vấn đề lớn, đó là chất lượng con giống và môi trường nuôi.

Theo ông Vũ, tại các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre hiện tôm được nuôi tập trung ven hai bên bờ sông và ven biển, kết nối chung hệ thống thuỷ lợi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên có nhiều rủi ro. Đó là, lũ về sớm độ mặn thấp, không phù hợp nuôi tôm; nguồn nước sông ở hai bên bờ từ thượng nguồn với nhiều khu công nghiệp xả nước và vùng sản xuất lúa, cây ăn trái có rất nhiều hoá chất tạo rủi ro cho quá trình nuôi tôm.

Về con giống, Việt Nam hiện có trên 2.000 cơ sở sản xuất giống nhưng vẫn còn tình trạng con giống kém chất lượng. Tôm vẫn mắc những bệnh khó chữa như bệnh vi bào tử trùng khiến chậm lớn nhưng tiêu thụ thức ăn lại rất nhiều gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong khi đó, ở Việt Nam có chưa đến 10 doanh nghiệp sản xuất giống kiểm soát tốt được bệnh vi bào tử trùng, theo số liệu của ông Vũ.

Vì vậy, các đại biểu tham dự hội nghị đề nghị, cần phải chú trọng quy hoạch và rà soát định kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là về thuỷ lợi. Việc có giải pháp đồng bộ về nuôi con giống và thuỷ lợi sẽ giúp tỷ lệ nuôi thành công cao hơn, kéo giá thành nuôi tôm giảm.

Cũng theo Vũ, cách đây 5 năm, Ecuador xuất khẩu tôm đứng thứ 5 thế giới, sau Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan nhưng từ năm 2021 đã vươn lên đứng đầu thế giới. Dữ liệu thông kê cho thấy, với con giống, Ecuador chủ động gia hoá trong nước giúp giá thành con giống thấp và sử dụng tôm bố mẹ kháng bệnh và thả mật độ thấp trong khi Việt Nam thích dòng lớn nhanh và thả mật độ cao nên rủi ro cao hơn.

Với quy hoạch đầu tư nuôi, Ecuador nuôi theo quy mô trang trại (để được cấp phép phải có quy mô từ 50 héc ta trở lên- PV) nên có điều kiện đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá đồng bộ. Nước này có 220.000 héc ta nuôi tôm nhưng có đến 40.000 héc ta đạt chứng nhận ASC, tương đương khoảng 20% diện tích trong khi Việt Nam có chưa đến 1% diện tích đạt chứng nhận này. Điều này, cũng khiến tôm Việt khó cạnh tranh được so với đối thủ khi đưa hàng vào siêu thị.

Theo ông Vũ, nếu Việt Nam không giải quyết được các “nút thắt” nêu trên, thì những năm tới, chắc chắn ngành tôm sẽ còn khó khăn. “Nếu bán giá cao, thì không ai mua, trong khi giá thành nuôi tôm của mình quá cao. Còn nếu mua của nông dân giá thấp xuống, người nuôi lỗ, thì đâu ai nuôi nữa”, ông Vũ một lần nữa nhấn mạnh.

Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 9-2022, xuất khẩu tôm đã mang về cho Việt Nam gần 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.

ASC- Aquaculture Stewardship Council, là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. Đây là bộ tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên 4 nền tảng chính, bao gồm môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới