Ngày càng nhiều triệu phú di cư
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Số lượng các triệu phú rời bỏ quê hương để sang nước khác sinh sống và làm ăn đang tăng mạnh. Trung Quốc và Nga là hai nước “thất thoát” triệu phú nhiều nhất; còn Úc, Mỹ, Canada là những bến đỗ được yêu thích nhất.
Năm ngoái, Nga và Trung Quốc, Ấn Độ là những nước “mất mát” triệu phú nhiều nhất, trong khi đó, Úc, Mỹ và Canada là điểm đến hàng đầu của giới triệu phú. Ảnh: Bloomberg |
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu New World Wealth có trụ sở ở Johannesburg (Nam Phi), có khoảng 108.000 triệu phú rời bỏ đất nước của họ vào năm ngoái, tăng 14% so với năm trước đó và tăng hơn gấp đôi so với năm 2013.
Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước “mất mát” triệu phú nhiều nhất với số triệu phú rời bỏ đất nước lần lượt là 15.000, 7.000 và 5.000 người; trong khi đó, Úc, Mỹ và Canada là điểm đến hàng đầu của giới triệu phú.
Anh cũng chứng kiến 3.000 triệu phú rời bỏ nước này vào năm ngoái do thuế cao và các bất ổn về tiến trình Anh rời khỏi liên minh châu Âu (EU).
Làn sóng di cư của giới triệu phú phản ánh các điều kiện xã hội và kinh doanh khó khăn tại nước của họ, chẳng hạn tỷ lệ tội phạm cao, thiếu cơ hội kinh doanh hay do căng thẳng tôn giáo. Nhưng đó cũng có thể là chỉ dấu quan trọng đối với triển vọng kinh tế, theo nhận định của Andrew Amoils, Giám đốc nghiên cứu ở New World Wealth.
Úc đứng đầu danh sách điểm đến được chờ đợi nhất đối với các triệu phú nước ngoài vì nước này có tỷ lệ tội phạm thấp, không đánh thuế thừa kế và có các mối quan hệ kinh doanh vững mạnh với các cường quốc như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Úc cũng đứng ở vị trí nổi trội nhờ đà tăng trưởng bền bỉ, tránh được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2018-2019 và không hứng chịu bất cứ cơn suy thoái kinh tế nào trong suốt 27 năm qua. Năm 2018, Úc tiếp nhận 12.000 triệu phú đến từ các nước trên toàn cầu.
Trong khi đó, Mỹ là điểm đến yêu thích thứ hai đối với giới triệu phú nước ngoài vào năm ngoái, trong đó, các thành phố như New York, Los Angeles, Miami và vùng vịnh San Francisco là những nơi được nhiều triệu phú lựa chọn làm chốn an cư.
Theo báo cáo của New World Wealth, trong năm 2018, có 10.000 triệu phú di cư sang Mỹ. Nước láng giềng Canada cũng đón nhận 4.000 triệu phú vào năm ngoái. Ngoài ra, các nước được cảm nhận là thiên đường thuế như Thụy Sĩ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Singapore và các đảo quốc ở vùng Caribê nằm trong top 10 điểm đến hàng đầu của giới triệu phú trong năm 2018.
Nỗ lực kiểm soát dòng vốn chảy ra nước ngoài của Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến các công dân giàu có của nước này trở thành mục tiêu giám sát của cơ quan thuế, khiến nhiều người trong số họ tìm cách chạy ra nước ngoài. Một số người giàu châu Á cũng di cư sang những người phát triển để tìm kiếm sự tiện nghi lớn hơn hoặc cải thiện điều kiện giáo dục cho con cái.
Sự tháo chạy của các cá nhân siêu giàu ở Trung Quốc và Ấn Độ không đáng ngại về khía cạnh kinh tế vì tại các nước này, số lượng triệu phú được tạo ra mỗi năm cao hơn so với số lượng triệu phú rời bỏ đất nước, theo New World Wealth.
Ông Andrew Amoils nói: “Một khi tiêu chuẩn sống ở các nước này được cải thiện, chúng tôi kỳ vọng nhiều người giàu sẽ trở về quê hương”.
Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục chứng kiến làn sóng di cư của các triệu phú. Thổ Nhĩ Kỳ bị mất khoảng 4.000 triệu phú vào năm ngoài. Đây là năm thứ ba liên tục Thổ Nhĩ Kỳ bị mất mát số lượng triệu phú ở mức cao như vậy.
Trong khi đó, khoảng 7.000 triệu phú rời bỏ Nga vào năm ngoái khi nước này xoay sở ứng phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến việc Nga sáp nhập lãnh thổ Crimea.
Nhà hát con sò ở Sydney (Úc). Năm ngoái, Úc là nước tiếp nhận 12.000 triệu phú nước ngoài, trở thành bến đỗ hàng đầu của làn sóng di cư triệu phú. Ảnh: Twitter |
Mong muốn bảo vệ các thông tin riêng tư về tài sản cũng thúc bách các cá nhân siêu giàu cân nhắc lại nơi sinh sống của họ. Xu hướng này phản ánh qua sự tăng trưởng nhu cầu về nơi cư trú và tấm hộ chiếu thứ hai.
“Nhiều người giàu đang tìm kiếm các cơ hội để giảm các rủi ro liên quan đến bị phát tán thông tin về các tài khoản ngân hàng của họ”, Polina Kuleshova, Giám đốc bộ phận truyền thông và quan hệ công chúng phụ trách Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) ở Công ty Henley & Partners, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn nhập tịch, nói.
Báo cáo của New World Wealth cho biết tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản tư nhân toàn cầu đạt 204.000 tỉ đô la. New World Wealth dự báo đến năm 2028, con số này sẽ tăng 43%, đạt mức 291.000 tỉ đô la. Hiện nay, có khoảng 14 triệu người trên toàn cầu có tài sản trên một triệu đô la, bao gồm 560.000 người sở hữu tài sản có giá trị ít nhất 10 triệu đô la và 25.000 có tài sản từ 100 triệu đô la trở lên. Trong khi đó, số lượng tỉ phú toàn cầu là 2.140 người. |
Theo Bloomberg, Fox News