Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngày mai của những ngày mai

Đoàn Tuấn Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Suy ngẫm về nhiều thân phận trong cuộc sống này.

Bởi có những điều không thể thay đổi trong đời, nên đọc Nguyễn Ngọc Tư không phải để làm khác đi mà là để thấu hiểu và biết sống tử tế hơn.

Ngày mai của những ngày mai là hành trình tìm kiếm cái đẹp trong đời, để biết có những hiện thực đầy khó khăn không thể đổi thay, nhưng nếu thấu hiểu, chia sẻ với nhau thì sẽ vơi nhẹ gánh đời.

Phần lớn những bài trong tập tản văn này đến từ trải nghiệm của bản thân chị, của những người chị đã gặp, cũng đã nhiều lần bước qua khúc quanh đời người... Chẳng hạn, ở bài viết mở đầu mang tên Email thứ Bảy, tác giả đã kể về nhà thơ mà mình đã gặp, người thích những vầng thơ “thô mộc nhưng đọc tới đâu thấy run rẩy tới đó”, người thấy được sự quyến rũ từ điều giản dị, người biết “người viết đẹp luôn nhớ và ở lại với người nghèo, dù cho đám đông đã thực sự rời xa và quên lãng họ”… Ông khiến nữ nhà văn nhìn thấy được cái đẹp trong sự thiếu thốn. Trong suốt tác phẩm, từ những dân quê trên chuyến xe đò cho đến những người hiện diện ở nơi phố thị… họ đều có nét đẹp riêng, đầy ấn tượng và không hề trùng lắp.

Và có lẽ chịu ảnh hưởng từ những con người như vậy, mà văn chương của Nguyễn Ngọc Tư cũng tràn đầy nhân tính, nghiêng xuống những mảnh đời nhỏ. Điều này phần nào giải thích cho những hình tượng nổi bật trong nhiều tác phẩm của chị, như người đàn bà dẫu là bị điên ở vùng Thổ Sầu thì vẫn ôm mang một giấc mơ riêng (Đảo), như cặp vợ chồng lần đầu đi máy bay không hiểu quy định đã đốt khói giữa trời (Trôi) hay người mẹ trẻ vượt qua thách thức đi tìm trái tim của “Đức Ngài” chữa bệnh cho con (Biên sử nước)… Các nhân vật của nữ nhà văn sống dậy từ sự chân chất của bản thân họ và sáng bừng rực rỡ.

Suốt tập tản văn, ta đã thấy rất nhiều những điều như thế. Đó là người chú kết nghĩa ở vùng Đất Cháy mà trong quá khứ coi khách là nhà, nhưng khi đã đủ đầy rồi thì có mấy ai trở về chốn cũ? Ông già Đất Cháy cứ thế ngậm ngùi, nhưng vẫn còn đó một lòng hào sảng không khước từ ai. Hoặc đó cũng là ông già xuất hiện trong truyện Ngày mai của những ngày mai, người đã thất thập cổ lai hy nhưng vẫn cứ hẹn một câu “mai mốt” mà chẳng bận tâm đời dài bao nhiêu, vì “ông không có tuổi, chẳng bất trắc nào đánh gục được ông, ông sống hàng trăm tuổi ấy, với những gì ông để lại”… Họ chính là nguồn sống và là khởi nguồn mang đến cho ta nhiều bài học giá trị từ những gì đã trải qua.

Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trong tập sách này đều ngổn ngang trăm mối tơ vò giữa một dòng đời mải miết không ngừng. Cậu bé thợ mộc phải giấu giếm sự thật trần trụi vì nỗi e ngại người ta sẽ nhìn chị mình làm nghề ăn sương bằng con mắt khác, hay người đàn bà ủi an cô gái mắc phải ung thư mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi trong khi chính mình đau đớn vương mang… Đó cũng là cậu công nhân mong muốn trả thù ông lão đánh cờ cùng mình vì đã rẽ thúy chia uyên chính anh và cháu gái ông - một thiếu nữ mà cả hai “tình trong như đã mặt ngoài còn e” - chỉ vì anh mồ côi, không giàu sang gì. Nhưng rồi chưa kịp làm gì thì cô lấy chồng, người ông qua đời, anh lại thấy mình mất cả tình yêu cũng như tình bạn…

Nhưng từ những hình mẫu nhân vật ấy, ta bỗng thấy rằng đời là như thế, không thể khác đi và chỉ có ta tự làm khổ mình bằng những ảo vọng ngông cuồng muốn chặn đứng lại những dòng trôi chảy, bởi “những dòng sông vô hình vẫn cứ chảy miên man, xuôi ngược giữa đời, để người không gần được với người, để bờ này xa lạ, lơ đãng với bờ kia”.

Bên cạnh việc dấn thân sâu vào cõi người ố tạp, Ngày mai của những ngày mai cũng gồm nhiều bài viết được Nguyễn Ngọc Tư lấy cảm hứng từ quá trình làm báo, di chuyển không ngừng của bản thân mình. Chính từ góc nhìn của người thứ ba - của người đứng xa, chứng kiến mọi chuyện - mà chị cũng nhắc đến một thực tế không thể khác đi vì một cõi sống ngày càng xô bồ, khi con người trở thành một sinh vật riêng, bước khỏi khu vườn trắc ẩn để chỉ còn lại khoảng trống vô cảm. Phản ánh hiện thực để rồi ẩn sau từng câu chữ là tiếng thở dài được cất nhẹ lên, để ta một lần có thể nhìn lại, thấu hiểu và tự thay đổi chính bản thân mình.

Nhưng sự thay đổi đã nói trên ấy của Nguyễn Ngọc Tư cũng chỉ là để giữa người và người bớt gay gắt hơn, bởi chị hiểu rõ mỗi người là một cá thể và khó tìm được giữa nhiều tỉ người hai người ghép khớp với nhau một cách hoàn hảo. Do đó, con người trong những tản văn của chị nổi rõ lên sự ngăn cách giữa những thành trì cảm xúc. Có khi hữu hình như một dòng sông chỉ rộng hai chục sải chèo mà cắt ngang qua cuộc sống của rất nhiều người, giữa một bên nhộn nhịp phố thị và phía còn lại thôn quê khô khốc; nhưng cũng có khi trở nên vô hình vô diện như bài học mà càng đi ta lại càng ngẫm được những nghịch lý của cuộc đời này, để biết “làm sao để bỏ lại bên ngoài cửa những bài học dại khôn sau khi đi một ngày đường” dù đó chỉ toàn là những chua chát, xót xa…

Ngày mai của những ngày mai có thể nói là những trang viết đong đầy tình cảm, từ những cái nhìn ở vị trí xa, chất chứa suy ngẫm về nhiều thân phận trong cuộc sống này. Ở đó rất nhiều vấn đề đã được gợi lên, để ta chậm lại và nhẹ nhàng hơn trước cõi đời này. Bởi có những điều không thể thay đổi, nên đọc Nguyễn Ngọc Tư không phải để làm khác đi, mà là để thấu, để hiểu, để nhìn ố tạp trong cõi đời này với sự bao dung cũng như nhẹ nhõm, để biết dòng nước không phải khi nào cũng sẽ phẳng lặng. Và đôi khi biết được sự thật ấy, ta sẽ thấu hiểu và tử tế hơn trước cuộc đời này.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngày hôm qua, có, đã thấy và biết. Ngày mai, có, nhưng chưa thấy và chưa thể biết. Ngày mai của ngày mai, thôi, hãy đợi đấy. Tốt nhất, dồn tâm và sức cho ngày hôm nay thôi. Cảm ơn NNT vì những trang viết đẫm mồ hôi, sôi tình cảm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới