Ngày mai, hợp long cầu Phú Mỹ
Yến Dung
![]() |
Cầu Phú Mỹ sẽ hợp long chiều ngày 19-5. Ảnh: Hồng Thái |
(TBKTSG Online) - Vào lúc 3 giờ chiều ngày mai (19-5), cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng đầu tiên tại TPHCM sẽ được hợp long, và đến ngày 1-9 các phương tiện có thể lưu thông qua cầu.
Nếu việc khánh thành cầu diễn ra đúng dự kiến là ngày 1-9, dự án này sẽ hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch là bốn tháng, theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) - chủ đầu tư dự án.
Toàn bộ dự án cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2.100 m, rộng 27,5 m, sáu làn xe. Cầu nằm trên tuyến đường vành đai hai của TPHCM, bắc qua sông Sài Gòn, nối từ quận 7 sang quận 2. Tổng vốn đầu tư dự án là 2.077 tỉ đồng, được xây dựng theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) hoàn toàn bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay thương mại, hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách.
Dự án này do liên danh nhà thầu BBBH gồm Bilfinger Berger (Đức) và Baulderstone Hornibrook (Úc) làm tổng thầu, các nhà thầu phụ chính là Freyssiner (Pháp) và Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới (Việt Nam). Thiết kế phần cầu chính do Arcadis (Pháp) thực hiện và thiết kế phần đường dẫn do Cardno (Úc) đảm nhận.
Theo kế hoạch, thời gian thu phí hoàn vốn cây cầu này là 26 năm.
Hướng lưu thông qua cầu Phú Mỹ
Cầu Phú Mỹ nằm trên tuyến đường vành đai hai của thành phố. Sau khi toàn bộ hệ thống cầu và đường kết nối hoàn thành (gồm cầu Phú Mỹ và ba dự án kết nối là nút giao thông khu A khu đô thị mới Nam Sài Gòn và đường trên cao nối từ đường Nguyễn Văn Linh vào cầu Phú Mỹ thuộc quận 7, đường nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc thuộc quận 2), các phương tiện từ khu vực ĐBSCL đi về các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ đi qua khu Nam Sài Gòn, qua cầu Phú Mỹ và hướng ra xa lộ Hà Nội, không phải đi xuyên qua khu trung tâm thành phố như hiện nay.
![]() |
Xem ảnh lớn tại đây |
Tuy nhiên, sau ngày 1-9, do ba dự án đường kết nối vào cầu Phú Mỹ vẫn chưa hoàn thành, nên dự kiến, các phương tiện từ các tỉnh miền Tây vào TPHCM đến đường Nguyễn Văn Linh sẽ được hướng dẫn rẽ vào đường Nguyễn Lương Bắng, theo đường Huỳnh Tấn Phát để đi lên cầu Phú Mỹ, sau khi qua cầu sẽ rẽ vào đường liên tỉnh lộ 25 để ra xa lộ Hà Nội.
Hiện tại, Công ty Xây dựng How Yu (Đài Loan) đang thi công ba dự án xây dựng đường nối đến cầu Phú Mỹ Tổng vốn đầu tư cả ba dự án trên là 1.300 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12-2009.
Như vậy, theo dự kiến, đầu năm 2010, các phương tiện từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) có thể qua nút giao thông khu A, theo đường trên cao (dài 1,7 km) để vào cầu Phú Mỹ, sau đó theo đường nối từ chân cầu đến cầu Rạch Chiếc (dài gần 9 km), nối vào xa lộ Hà Nội và đi thẳng ra Quốc lộ 1A. Các trục đường trong nội thành TPHCM nối giữa miền Tây và miền Đông như Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh... sẽ được giảm tải khi các phương tiện sẽ đi theo hướng vành đai ngoài.
![]() |
Hướng phương tiện đi từ các tỉnh miền Tây sang miền Đông hiện tại (- - -), khi chưa có cầu Phú Mỹ Hướng phương tiện đi từ miền Tây sang miền Đông qua cầu Phú Mỹ ( ___ ) |
Quá trình xây dựng cầu Phú Mỹ - Cầu Phú Mỹ được bắt đầu xây dựng tháng 3-2007, theo kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào tháng 12-2009, nhưng liên danh nhà thầu BBBH đã đẩy nhanh tiến độ và quyết định bàn giao dự án ngày 1-9-2009. - Tổng chi phí xây dựng cầu theo hợp đồng chủ đầu tư PMC ký với liên danh nhà thầu là 105 triệu đô la Mỹ. - Cầu dài hơn 2.100m, trong đó phần cầu chính (cầu dây văng) dài 705m, được đỡ trên hai trụ tháp. Mỗi trụ tháp - hình chữ H cao 140m, khoảng cách giữa hai trụ chính là 380m. Theo nhà thầu BBBH, thiết kế trụ tháp hình chữ H được chọn vì đây là phương án chịu lực tốt nhất và tiết kiệm hơn những phương án khác. - Phần thi công cầu chính do BBBH thực hiện, phần thi công phần cáp dây văng thuê nhà thầu phụ là Freyssinet (Pháp) thực hiện. Trong khi đó, một khối lượng lớn phần cầu dẫn được giao cho nhà thầu phụ Việt Nam là Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới.
- Nhà thầu áp dụng công nghệ mới trong thi công hai trụ tháp và phần cầu chính. Thay vì dùng công nghệ như trước đây là lập giàn giáo cốp-pha (khuôn đổ bê tông) với các trụ chống để thi công trên cao thì nhà thầu tiến hành đổ các đốt dầm đầu tiên (pier table) trên mặt đất, sau đó dùng công nghệ nâng (heavy lift) để nhấc các đốt dầm lên bằng hệ thống kích hai bên. - Dự án cầu Phú Mỹ áp dụng mô hình quản lý, điều hành mới. Theo đó, chủ đầu tư thuê công ty Maunsell (Úc) làm tư vấn và quản lý dự án, đây cũng là công ty đã tham gia dự án xây cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên tại Việt Nam. Tony Gee & Partners và Cardno được thuê để đánh giá, kiểm tra lại toàn bộ phần thiết kế và quá trình thi công. (Theo Iain Hubert - Giám đốc dự án liên danh BBBH - Yến Dung lược dịch) |