Ngày xuân, nói chuyện kỳ lân
Lân râu bạc và lân râu đỏ. Ảnh: Thục Nữ |
(TBKTSG Online) - Lân là một trong bốn con vật được cho là linh thiêng gồm long, lân, quy, phụng (gọi là bộ tứ linh) theo văn hoá phương Đông. Nhưng trong bốn con vật thiêng ấy, có đến hai loài mà từ cổ chí kim chưa một ai có thể chứng minh rằng chúng đã từng hiện hữu trên hành tinh này, dù chỉ là trong quá khứ xa xưa. Đó là con rồng (long) và lân (kỳ lân).
Lân trong truyền thuyết
Theo truyền thuyết, con lân được mô tả như hình dạng thường thấy tạc tượng ngày nay. Tượng lân được đục, đẽo, tạc bằng đá hoặc đúc bằng bê tông cốt thép ngồi xổm trông rất oai vệ, dũng mãnh như với nhiệm vụ canh gác cửa cái, cổng đình chùa, miếu mạo. Ở Trung Quốc thời phong kiến, trước cửa nhà các quan lớn, hoặc các hội quán của những bang hội thường có đôi kỳ lân hoặc sư tử trấn môn.
Nhìn toàn thể, lân có mình trụi không lông. Đuôi thì rất giống đuôi trâu. Đầu Lân to, có một sừng như sừng tê giác quắp về phía trước. Mắt lân lớn như cái chén, hơi tròn dẹt và lộ ra với hai tròng đen trắng đều nhau như vẽ. Mũi lân rất ấn tượng, tròn, bóng đầy thịt hai cánh. Miệng lân rất rộng, răng lớn như răng ngựa, lưỡi to hình bán nguyệt, trên dưới có râu dài như râu người. Mặt lân vằn vện trông rất dữ tợn.
Cũng có sách nói lân có thân mình như hươu, nai với móng guốc, tính hiền lành. Khi kỳ lân xuất hiện sẽ có thánh nhân ra đời. Tích xưa kể lại rằng lúc bà Nhan thị (mẹ của Khổng Tử) mang thai, có một con kỳ lân đến phục trước mặt bà nhả ra một cái ngọc xích có chữ viết rằng: “Con nhà Thủy Tinh, nối đời suy Châu, làm vua không ngai”. Sau đó bà Nhan thị sinh ra Khổng Phu Tử.
Đẳng cấp các đoàn múa lân
Lân vươn cao để lấy phong bao lì xì. Ảnh: TMB |
Các đoàn lân thường có ba đẳng cấp, được nhận dạng theo “râu”. Lân “râu bạc” là lân cha. Lân “râu đỏ” là lân con. Lân “râu đen” là lân cháu. Vì sao lại có sự phân định cấp bậc như vậy?
Múa lân ngày Tết hay trong các dịp lễ hội là một phong tục, tập quán đã hình thành từ lâu đời ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước lân cận…
Từ thời trung đại, do dân số, kinh tế, văn hóa dần phát triển, các sinh hoạt vui chơi, giải trí cũng ngày càng nhiều. Múa lân để phục vụ các ngày lễ, hội hè, đình đám, dịp khai trương, khao thưởng và nhất là những dịp lễ, tết trong năm như Nguyên đán, Trung thu... là một nhu cầu tinh thần mang ít nhiều màu sắc tâm linh, đã trở thành tập quán từ lâu đời.
Thường các đoàn lân được thành lập và có xuất xứ từ các võ đường, hội quán hay các bang hội. Việc tổ chức múa lân có đoàn, hội như một hình thức kinh doanh trong các dịp lễ, tết. Bình quân mỗi đoàn lân có từ 20 đến 40 người. Trưởng, phó đoàn thường là các võ sư, võ sĩ xuất thân từ các lò võ danh tiếng.
Những thành viên trong đoàn đa phần biết võ nghệ, được phân công cụ thể trong từng phần việc. Có người chuyên đánh trống, thanh la, chập choả. Có người múa đầu lân, vũ đuôi lân, làm địa dẫn lân. Có người biểu diễn võ thuật, hỗ trợ đưa lân lên cao để “giựt vàng”. “Vàng” là tiền giấy bỏ trong bao lì xì treo lên cây nêu để dẫn dụ lân biễu diễn những công phu tuyệt kỹ, đẹp mắt. Các môn võ thường được phối hợp múa biễu diễn chung với lân là “Thất thập nhị huyền công” (72 công phu) của Thiếu Lâm Bắc phái, hoặc Thập bát ban võ nghệ, Tây sơn quyền (võ Bình Định), Vovinam…
Theo lời kể của ông Đinh Công Tam, một “lão làng” ở Bình Thủy (Cần Thơ), hồi năm 1944, có một đoàn lân ở chợ Cầu Muối (Sài Gòn) xuống miền Tây biễu diễn. Do không có thỏa thuận với đoàn lân tại địa phương nên xảy ra việc tranh giành địa bàn hoạt động, dẫn tới xung đột. Hai bên thi thố võ công tại đầu cầu bắc Cần Thơ, đã có người phải mang thương tích...
Để tránh tránh xung đột giữa các đoàn lân, không biết tự bao giờ, ở các địa phương có bang hội múa lân, người ta đặt ra quy ước phân định ba hạng lân là: hạng nhất là lân râu bạc; hạng nhì là lân râu đỏ và hạng ba là lân râu đen.
Lân râu bạc là lân đã có trên 30 năm hoạt động và có danh tiếng. Lân râu đỏ hoạt động chưa quá 30 năm và lân râu đen là các đoàn mới vô nghề. Theo quy ước, lân râu đen đi múa gặp mặt lân râu bạc và lân râu đỏ thì phải cúi chào đi qua. Lân râu đỏ gặp lân râu bạc cũng phải cúi chào đi qua. Quy định như vậy để tạo ra trật tự lao động, tránh những va chạm trong lúc hành nghề, nhất là trong dịp lễ, tết nhưng cũng thể hiện bản sắc văn hoá Đông phương là kính trọng người lớn hơn, bậc đàn anh trong nghề. Chính quyền thời phong kiến ở các địa phương cũng ủng hộ việc phân định thứ bậc nầy. Những địa bàn biễu diễn (múa) của những đoàn lân cũng được thương lượng, bàn bạc với nhau để tránh đụng chạm.
Lân xông đất năm mới sẽ đem lại nhiều may mắn, phát tài. Ảnh chụp sáng mùng Một Tết Kỷ Sửu trên đường phố Nha Trang. Ảnh: TMB |
Các võ phái, bang hội ở các địa phương của Trung Hoa xưa kia đều có đoàn lân. Các đoàn lân này vừa kinh doanh vừa phô trương thanh thế. Mạnh nhất là của phái Thiếu Lâm, rồi tiếp tới Võ Đang, Hoa Sơn, Cái Bang, Vịnh Xuân, Côn Luân, Không Động… Riêng phái Nga Mi thì không có đoàn lân, bởi đây là môn phái dành cho các vị nữ lưu, xuất gia đầu Phật. Xưa nay chưa thấy nữ múa lân bao giờ!
Thời thuộc Pháp, khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX, đất Cần Thơ trở nên đông đúc, việc làm ăn thịnh vượng và trở thành thủ phủ vùng lục tỉnh đồng bằng châu thổ; mỗi độ xuân về, lại có khá nhiều đoàn lân ở các nơi đến đây biễu diễn. Đoàn lân râu bạc của đình Bình Thủy hồi đó do võ sư Nguyễn Bá Tòng làm trưởng đoàn, hương quản Đính làm phó đoàn có từ 40 đến 50 người, được chính quyền sở tại và nhân dân địa phương rất ủng hộ. Những đoàn lân từ Sài Gòn xuống, Vĩnh Long hay từ An Giang qua đều phải gặp đoàn lân của Bình Thủy để thương lượng.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), hầu hết các đoàn lân ở Cần Thơ tự giải tán, nhiều thành viên thoát ly theo kháng chiến đánh Tây. Võ sư Nguyễn Bá Tòng, trưởng đoàn lân Bình Thủy đã hy sinh năm 1953 trong một trận chiến với quân Pháp.
THỤC NỮ