Nghe dân, tin dân
Quỳnh Thư
(TBKTSG) - Trong một động thái được người dân liên quan tán đồng, Hội đồng Nhân dân TPHCM vừa ban hành nghị quyết xóa bỏ 61 dự án chậm triển khai ở thành phố này.
Cần thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin trong quy hoạch đô thị của dân và tuân thủ đúng các quy định về lấy ý kiến người dân trong lập quy hoạch xây dựng đô thị theo pháp luật hiện hành. Ảnh minh họa: TTXVN |
Sở dĩ nói như trên là vì hơn ai hết, người dân đã nếm trải đầy đủ vị đắng của những “dự án treo”, “quy hoạch treo”, “quy hoạch chồng quy hoạch”. Trong một thời gian dài, có khi lên đến cả chục năm trời, người dân bỗng dưng bị tước đi nhiều quyền lợi hợp pháp trên mảnh đất của họ. Không ai nói rõ cho dân biết thời gian “treo” sẽ kéo dài bao lâu khiến họ càng rối bời với câu hỏi đến bao giờ mình mới được trả lại quyền lợi của chính mình. Cho đến nay, mấy ai đã chịu trách nhiệm về thiệt hại của dân nói riêng và xã hội nói chung?
Như vừa nêu, “xóa quy hoạch treo” nhằm “trả quyền lợi cho người dân”. Tuy nhiên, cách làm này có chỗ không ổn vì chỉ “trả” từ thời điểm xóa quy hoạch trở đi. Còn thời gian trong “quy hoạch treo” thì sao? Ai sẽ “trả quyền lợi” cho dân trong thời gian đó? Cố nhạc sĩ Y Vân có bài hát tựa đề “Sáu mươi năm cuộc đời”, ý nói tuổi thọ con người (thời của ông) chỉ dài 60 năm, trong đó “20 năm đầu, sung sướng không bao lâu; 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi; 20 năm cuối là bao”. Ấy vậy mà, “quy hoạch treo” có khi mất trắng “không được làm gì hết” kéo dài đến 10 năm, một phần sáu cuộc đời. Vậy có tội cho dân không?
Thế nên, thiết nghĩ, việc đầu tiên giúp ngăn ngừa “quy hoạch treo” là xác định trách nhiệm của chủ thể gây ra “quy hoạch treo” và đưa ra các hình thức xử phạt với vi phạm, nếu có, của họ. Dù chủ thể là ai - cơ quan công quyền lập quy hoạch hay nhà đầu tư kém năng lực - đều phải chịu trách nhiệm về “quy hoạch treo” do họ làm ra. Nếu thực hiện nghiêm minh, chắc không phải ai cũng đủ cam đảm thò bút ký bừa hoặc cứ xí phần dự án rồi để đó, ra sao thì ra.
Một điều quan trọng khác nhằm giúp hạn chế việc lạm quyền và lợi ích nhóm trong vấn đề này liên quan đến chuyện lắng nghe ý kiến của dân. Nói cách khác, cần thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin trong quy hoạch đô thị của dân và tuân thủ đúng các quy định về lấy ý kiến người dân trong lập quy hoạch xây dựng đô thị theo pháp luật hiện hành như Luật Quy hoạch đô thị hay Luật Xây dựng. Luật lệ, quy định đã có sẵn, vấn đề nằm ở chỗ thi hành mà thôi.
Nếu trong xóa “quy hoạch treo” nên nghe dân, thì trong một lĩnh vực khác, chính quyền cần tin dân hơn để quản lý tốt hơn. Theo báo Thanh Niên, các diễn giả tại một cuộc hội thảo thứ Ba tuần trước về vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam cho rằng tư nhân cung cấp dịch vụ công có thể góp phần giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thêm cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế.
Thực ra, “phát hiện” trên chẳng có gì mới vì chỉ nhắc lại thêm một lần nữa một điều đã được chứng minh ở nhiều quốc gia khắp thế giới. Và chẳng đâu xa, ngay tại Việt Nam, điều này đã được thực hiện tốt trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, công chứng. Thậm chí, tại một số nước, khu vực tư nhân còn được giao quản lý nhà tù, trại giam, hay một lĩnh vực “không tưởng” khác: phóng vệ tinh và phi thuyền không gian. Thậm chí, Nhà nước còn phải ký hợp đồng nhờ họ vì làm không hiệu quả bằng.
Ở đây, vấn đề của chúng ta là thay đổi tư duy về vai trò của Nhà nước. Nhà nước nên thôi nghĩ rằng mình phải làm tất, ôm mọi chuyện để rồi đuối sức giữa chừng, vừa làm khổ dân vừa không có lợi cho sự phát triển chung của đất nước. Hãy tin dân hơn nữa để giao cho họ làm những chuyện Nhà nước không cần phải ôm đồm. Với vai trò điều hành đưa ra luật chơi, Nhà nước vẫn nắm đằng chuôi để kiểm soát tình hình. Chẳng phải Singapore và nhiều nước khác đang thực hiện rất tốt điều này hay sao?
Một điều hữu ích dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy là tầm quan trọng của khả năng thích ứng nhanh với các thay đổi. “Thế giới sống chung với virus corona” hay “thế giới hậu Covid-19” sẽ còn thay đổi nhanh hơn nữa. Nếu cứ khư khư ôm tư duy cũ, e rằng tụt hậu vẫn tiếp tục đeo bám chúng ta, không biết bao giờ mới dứt, chẳng khác gì câu hỏi “quy hoạch treo” khi nào sẽ hết!