(KTSG Online) – Trước tình trạng một số cảng ở TPHCM tạm ngưng hoạt động hoặc giảm công suất đóng gạo xuất khẩu, nhiều đơn vị chọn cảng Mỹ Thới (An Giang) khiến lượng tàu về đây tăng gấp 5,5 lần.
Ông Trần Văn Cam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần cảng An Giang - đơn vị quản lý cảng Mỹ Thới, tuy không cho biết cụ thể về số lượng nhưng khẳng định số lượng tàu về cảng này để “ăn hàng” thời gian gần đây (chủ yếu là mặt hàng gạo) đã tăng hơn so với trước.
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, nếu trong tháng 6 chỉ có hai tàu vào cảng Mỹ Thới "ăn gạo" với khối lượng 6.600 tấn thì bước sang tháng 7 có 11 tàu vào cảng này, với khối lượng trên 34.000 tấn, tức tăng 5,5 lần về số lượng tàu và hơn 5 lần về khối lượng so với tháng trước đó.
Riêng trong 12 ngày đầu của tháng 8, trong số 8 tàu vào cảng xếp hàng thì khu vực TPHCM có 4 tàu và cảng Mỹ Thới 4 tàu với khối lượng 11.600 tấn.
Theo ông Cam, do các cảng ở TPHCM không đóng hàng vì tình hình dịch, trong khi cảng ở khu vực lân cận là cảng Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cũng tạm ngưng hoạt động, nên doanh nghiệp xuất khẩu gạo chọn làm hàng ở cảng Mỹ Thới tăng. “Tuy nhiên, mình cũng duy trì giải phóng hàng hóa luân phiên thông suốt, trong đó, chủ yếu là gạo xuất khẩu”, ông Cam nói.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) hôm 25-8 cho biết cảng Tân Cảng Hiệp Phước đã tạm ngưng dịch vụ đóng rút gạo tại cảng sà lan của đơn vị này do có công nhân mắc Covid-19 và dự kiến sớm nhất phải đến trung tuần tháng 9-2021 mới có thể hoạt động trở lại.
Bộ Công Thương cũng cho biết, bến 125 Tân Cảng Cát Lái và Tân Cảng Nhơn Trạch còn hoạt động phục vụ đóng gạo bằng container, tuy nhiên, năng lực đóng hàng của hai cảng này đều thấp hơn so với thời gian trước, gây ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công Thương, từ ngày 23-8 đến nay, lượng khách hàng đến cảng làm thủ tục hải quan, giao nhận, lượng tàu và lượng phương tiện ra vào cảng tại khu vực Tân Cảng Cát lái liên tục giảm so với thời điểm trước khi tăng cường các biện pháp kiểm soát.
Trước đó, tuần từ 16 đến 22-8, sản lượng xếp dỡ tàu giảm 15%, giao nhận giảm 24%, lượng xe vào giảm 20%, nhân viên khai báo hải quan giảm 40%. Các ngày 23, 24 và 25-8, sản lượng dỡ tàu lần lượt giảm 12%, 42% và 69%, trong khi sản lượng giao nhận lần lượt giảm 37%, 42% và 33%.
Việc các cảng ở TPHCM gặp khó khăn như nêu trên cũng chính là lý do khiến các doanh nghiệp quay sang chọn cảng Mỹ Thới (An Giang) để đưa gạo đi xuất khẩu.