Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư siết lại
Tư Hoàng
![]() |
Yêu cầu doanh nghiệp phải tự khai, mã hóa đăng ký kinh doanh gây lo ngại. Ảnh TL. |
(TBKTSG Online) - Tinh thần thông thoáng để người dân dễ dàng lập doanh nghiệp theo Luật Đầu tư đang bị thách thức khi dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này lại đang muốn siết lại.
Doanh nghiệp phải ghi và áp mã ngành?
Dự thảo Nghị định của Luật này - đang được đưa ra lấy ý kiến - quy định tại Điều 7 "Ghi và mã hóa ngành, nghề kinh doanh" như sau: Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp “lựa chọn” ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để “ghi và mã hóa” ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Điều này có thể hiểu là dự thảo Nghị định vẫn bắt doanh nghiệp/người thành lập doanh nghiệp phải kê khai đầy đủ ngành nghề kinh doanh, và phải tự mình dò và áp mã đầy đủ mã ngành cấp 4 (ngành nghề với mã đến 4 chữ số) trong hồ sơ.
Cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích ngay trong Điều 7 rằng, yêu cầu doanh nghiệp mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp "chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê.”
Tuy nhiên, quy định này lại gây ra sự lo lắng trong các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, và ngay cả Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đơn vị được giao soạn thảo Luật Đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng thuộc Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình luận: ”Một trong những điểm mới được ca tụng của Luật Doanh Nghiệp là bãi bỏ việc ghi ngành nghề kinh doanh, đơn giản thủ tục. Thế nhưng dự thảo Nghị định hướng dẫn lần này vẫn bắt doanh nghiệp/người thành lập phải kê khai đầy đủ ngành nghề kinh doanh, và phải tự mình dò và áp mã đầy đủ mã ngành cấp 4”.
“Làm sao doanh nghiệp biết được ngành nghề mình định kinh doanh thuộc phân ngành gì, áp mã có đúng hay không? Như vậy tất nhiên có thể khai báo sai, rồi phải “luỵ” cán bộ đăng ký kinh doanh,” bà Hồng nói.
Bà Hồng bình luận thêm, mục tiêu của Nhà nước chỉ là thống kê nên Nhà nước có thể cử/thuê người tự áp mã thay cho doanh nghiệp.
Yêu cầu này cũng không nhận được sự đồng tình từ ngay CIEM.
Trong một văn bản góp ý về dự thảo Nghị định này, CIEM khẳng định, cơ quan này đề nghị bỏ các yêu cầu doanh nghiệp ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh theo phân ngành kinh tế cấp 4 của hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, yêu cầu doanh nghiệp ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh theo phân ngành kinh tế cấp 4 của hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam đang gây ra nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong giải quyết thủ tục: tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục.
Thứ hai, theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì thông tin về ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa thống kê; do đó, yêu cầu doanh nghiệp ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh theo phân ngành kinh tế cấp 4 là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Tên doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh
Liên quan đến đặt tên doanh nghiệp (Khoản 3 Điều 18 dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp), CIEM đề nghị bỏ quy định ”doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh đó” vì quy định như vậy đã hạn chế quyền của doanh nghiệp khi chọn tên doanh nghiệp và không phù hợp với quy định về đặt tên doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp.
Cho dù gây ra ít nhiều lo lắng nêu trên, dự thảo Nghị định có bước tiến bộ là sẽ có quy định xử lý điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền.
Theo Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định đã tập hợp danh mục chi tiết các điều, khoản trong các thông tư, quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ về điều kiện kinh doanh hết hiệu lực từ ngày 1-7-2016 do được ban hành trái thẩm quyền. Theo thống kê đến thời điểm hiện nay, có 302 điều, khoản quy định tại 127 thông tư, thông tư liên bộ, quyết định của các bộ và Thủ tướng Chính phủ sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.
Bên cạnh đó, quy định những điều kiện kinh doanh được ban hành trái với thẩm quyền kể từ sau ngày 1-7-2015 sẽ đương nhiên không có hiệu lực thi hành.
Theo CIEM, có các cơ sở pháp lý để bãi bỏ điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền.
Thứ nhất, theo Khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư: điều kiện kinh doanh phải được quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định và Điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định điều kiện đầu tư kinh doanh.
Thứ hai, Khoản 3 Điều 74 của Luật Đầu tư: điều kiện kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành trái với khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.