Thứ hai, 18/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ thêm về chuyện ‘Mai, Đào’

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong dịp Tết vừa qua, rạp phim nóng lên với hai bộ phim Mai (đạo diễn Trấn Thành) và Đào, phở và piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn). Trong khi Mai, một bộ phim của tư nhân vượt mốc 500 tỉ đồng (con số này được cho là mức độ cháy vé kỷ lục trong lịch sử phim thương mại) thì và Đào, phở và piano - phim do Nhà nước đặt hàng đầu tư - cán mốc 10 tỉ đồng (con số này được cho là kỷ lục với phim nhà nước chiếu rạp).

Với doanh số“vượt mốc, kỷ lục” đó, có thể thấy rằng, phim tư nhân hoan hỉ theo cách của phim tư nhân, phim nhà nước hoan hỉ theo cách của phim nhà nước.

Rạp chiếu và truyền thông

Bỏ qua chuyện nội dung hay, dở, thương mại hay nghệ thuật, thông điệp đại chúng hay giá trị định hướng... của tác phẩm, mà chỉ nhìn vào cách một tác phẩm được đến với công chúng, cách giới thiệu (truyền thông) về chúng, có thể thấy hai bộ phim nói trên đi theo hai hướng khác nhau rõ rệt.

Nhà sản xuất phim Mai năng động, mở rộng sức ảnh hưởng trên thị trường bằng chính các nguyên tắc thị trường giải trí, đi vào các kênh truyền thông hiện đại, digital marketing một cách chủ động với một tầm nhìn thương mại mạch lạc, tự tin và sòng phẳng, đối diện với các quy luật có thể nghiệt ngã của thị trường.

Một cách khác, con đường Đào, phở và piano đến với người xem lại trong sự loay hoay chưa vượt qua hai chữ “cơ chế” từ chuyện sử dụng triệt để sự hỗ trợ của truyền thông chính thống (đài, báo, truyền hình...), sử dụng phương thức phát hành là các trung tâm chiếu phim nhà nước ở 11 tỉnh thành và hai rạp tư nhân cũng “ủng hộ” phát hành mà không thu lợi nhuận (tiền thu được từ bán vé chuyển vào ngân sách).

Gây tranh cãi về điều này điều kia xoay quanh các bộ phim giải trí đại chúng, nhưng có một điều không thể phủ nhận, Trấn Thành vẫn là một nhà làm phim thị trường gây sốt vào thời điểm này trong thị trường phim Việt Nam. Những cột mốc doanh số tiếp tục được liên tục đẩy xa qua các bộ phim của đạo diễn và đồng thời là ngôi sao trong làng giải trí này minh chứng rõ điều đó.

Chinh phục được thị trường giải trí, dọn được món ăn riêng hợp khẩu vị người xem trong một bối cảnh mà phim ra rạp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với phim giải trí “nhập khẩu”, là một nghệ thuật của người am hiểu thị trường. Không thể nói là chuyện đơn giản.

Không chỉ Mai, mà các phim trước đây của Trấn Thành cũng cho thấy những đột phá xuất phát từ sự am hiểu thị trường giải trí, sự quyết liệt trong cuộc dấn thân vào thị trường. Cần nhớ rằng, trong năm 2023, rạp phim Việt Nam đã có sự xuất hiện của những tên tuổi đạo diễn danh tiếng từng gặt hái thành công trong dòng phim giải trí một thời nhưng công chúng đã quay lưng vì lối làm phim thương mại lẫn truyền thông đã không còn phù hợp với đa phần khán giả trẻ.

Một bộ phim thương mại “chết non” ở rạp chiếu, đạo diễn hay nhà làm phim của nó dù có giỏi dùng uyển ngữ tới đâu cũng không thể giải thích hay biện hộ hết cho một thực tế nghiệt ngã của quy luật thị trường. Thế nên, những hiện tượng điện ảnh mới nổi trong thị trường hôm nay sẽ là điển hình có sức gợi ý rất lớn cho việc nhìn lại những cũ kỹ cơ chế tạo nên sức ì của nền điện ảnh trong việc thị trường hóa.

Nhìn lại “cơ chế” và sự bình đẳng?

Với doanh số 10 tỉ, Đào, phở và piano được ghi nhận là một “cơn sốt” trong phát hành. Đỉnh điểm của “cơn sốt” này là “tin đồn” về việc trang web của Trung tâm chiếu phim quốc gia bị... sập do lượng khán giả đặt vé xem Đào, phở và piano. Tin đồn bán tín bán nghi khi khán giả có thể tra cứu được suất chiếu của phim này ở hệ thống rạp này không tăng. Câu chuyện truyền thông lại dẫn sang một hướng khác khi công chúng nghi ngờ những thông tin ngụy tạo diễn ra quá sớm khi “cơn sốt” mong muốn ảnh hưởng của Đào, phở và piano lại quá lớn so với “nhịp điệu tiếp nhận” thực sự của thị trường.

Xử lý căn bệnh “trầm kha” của phim nhà nước đầu tư, nói cách khác, là phim bao cấp theo cách nào để một bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ từ ngân sách không rơi vào tình trạng xếp kho (vì chi phí ngân sách hiện nay chỉ đủ cho sản xuất, khâu phát hành lại áp đặt hoặc “cầu viện” các rạp chiếu thiện chí hỗ trợ)? Hình thức xã hội hóa hợp tác công tư theo cơ chế hiện tại chưa đem lại sự thoải mái và quyền lợi cho tư nhân hợp tác.

Ngay cả chuyện hợp tác “tự nguyện” (trên danh nghĩa) của nhà phát hành với những phim nhà nước đầu tư, thì một điều chắc chắn, rạp nào bán vé càng tốt thì càng chịu lỗ nhiều, vì doanh số được chuyển vào ngân sách, trong khi chi phí vận hành hệ thống rạp lại tăng.

Có thể thấy nghịch lý này sẽ dẫn tới sự bế tắc, miễn cưỡng trong quá trình hợp tác để mở rộng đầu ra cho các bộ phim sinh ra từ cơ chế bao cấp.

Nhìn từ cơ chế, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho rằng: “Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022 về tinh thần đã bao quát những vấn đề này. Vấn đề là trong luật Điện ảnh, hầu hết lại mang tính tuyên ngôn, nói rằng nhà nước sẽ ủng hộ, khuyến khích, đầu tư cho vấn đề này, vấn đề kia.

Tuy nhiên, cơ chế cụ thể để giải quyết những vấn đề đấy lại phụ thuộc vào các luật chuyên ngành như luật Thuế, Đấu thầu, Quản lý tài sản công, luật PPP (hợp tác công tư)… Thế nên, khi chúng ta không gỡ được các luật chuyên ngành nói trên thì việc chúng ta làm vẫn theo cái khuôn mẫu cũ, cách làm thì còn gặp khó khăn, vướng mắc...” (Thanh Niên Online, 4-3-2024).

Trong vài năm gần đây, ở các liên hoan phim, cụm từ “công nghiệp điện ảnh” được đặt ra và bàn thảo sôi nổi. Cụm từ này cũng được nhắc đến trong rất nhiều phát biểu của các nhà quản lý chính sách phát triển văn hóa thời gian gần đây.

Bối cảnh thị trường hôm nay cũng dễ dàng để phóng tầm mắt sang các nền điện ảnh phát triển trên toàn cầu, và đôi khi cũng không cần đâu xa, chỉ nhìn vào và phân tích các lý do thành công về thương mại của một hiện tượng phim giải trí trong nước là đủ để việc tháo gỡ “cơ chế” sao cho thực sự minh bạch, sòng phẳng và hiệu quả.

Điều này sẽ tránh tình trạng “phân luồng” những dòng sản phẩm văn hóa được biệt đãi, gắn nhãn cứu cánh nọ, mục đích kia, được đổ ngân sách đầu tư nhưng thực ra là một cách dùng ngân sách lãng phí và có thể làm nảy sinh tiêu cực trong giải ngân nhưng không hứa hẹn sức sống trên thực tế.

Tương lai của dòng phim này sẽ đi về đâu nếu chỉ làm tròn phận sự và xếp kho, không đủ dấu ấn về nghệ thuật điện ảnh lẫn giá trị thương mại?

Nguyên tắc thị trường trong điện ảnh có lẽ cần được “cập nhật” một cách triệt để thì nền phim ảnh mới tìm thấy ý nghĩa tồn tại của nó. Và khi đó mới nói tới “xây dựng công nghiệp điện ảnh” phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới