Thứ Bảy, 31/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ hai câu chuyện giáo dục…

TS. Nguyễn Hoàng Chương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thầy cô may áo dài tặng học sinh nghèo

Học sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại TPHCM. Ảnh: T.L

Đó là thầy giáo về hưu Lương Thạch Nghĩa, cô giáo Huỳnh Thị Thúy Diễm (trường Tiểu học Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) và cô Huỳnh Thị Thu Hương (trường THPT Thu Xà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Nhiều năm qua, các thầy cô đã âm thầm may tặng áo dài cho những nữ sinh mồ côi, hay có cha mẹ đau ốm, gia đình khó khăn… Nhờ tấm lòng thương yêu học trò mà những nữ sinh “bị bỏ lại phía sau” có bộ áo dài, sánh bước cùng bè bạn kịp ngày khai giảng.

Những thầy cô đó ngày ngày đến lớp, đảm đương giảng dạy, không “phụ cấp” chức trách gì, chỉ giáo viên “thường thôi”, nhưng thật đáng quý, họ có tấm lòng rộng mở, chăm lo những “đứa con của mình” chẳng may lâm cảnh khốn khó!

Năm học mới, thầy cô chủ nhiệm còn bận bịu việc trường, lớp nên chưa gần gũi, chưa hiểu gia cảnh học sinh, vô hình trung làm học sinh vốn đã khó lại thêm cô đơn với bạn bè cũ, mới, với thầy cô. Tuổi 15-16, lứa tuổi rối nhịp tâm lý, ngại ngùng chia sẻ, dễ mặc cảm tự ti. Thế nên, có bạn không muốn đến trường vì những thiếu thốn, khó khăn mà mình đang gặp phải. Dần dà cúp tiết, nghỉ học không phép, trượt dần… bỏ học! Rồi bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội, “việc nhẹ lương cao”, lêu lổng…, gánh nặng cho gia đình, xã hội. Sự quan tâm kịp thời của giáo viên, tổ tư vấn tâm lý học đường, đoàn, hội, giúp các em có đồng phục, sách vở đến trường, có tiền đóng các khoản thu đầu năm (hoặc đề xuất nhà trường miễn, giảm). Nhiều việc nhỏ thầm lặng giúp trò yên tâm đến trường học tập. Việc tốt của một số thầy cô, ban đầu có thể còn ít ỏi, nhưng điều lành chóng lan tỏa, nhiều thầy cô, phụ huynh học sinh và học sinh (có điều kiện), mạnh thường quân tham gia. Vừa giúp trò nghèo hiệu quả hơn, vừa tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh trong trường sống tử tế, thắp sáng ngọn lửa yêu thương.

Từ hành động ý nghĩa của thầy cô tại Quảng Ngãi may áo dài tặng học sinh nghèo, thiết nghĩ, ngành giáo cần nhân rộng và có cách làm thiết thực, linh hoạt, phù hợp để học sinh dù khó khăn đến mấy cũng tươm tất đồng phục, đủ sách giáo khoa, tập vở, bút…, nô nức đến trường, rộn ràng đón trống khai trường. Bằng ngược lại, thì đằng sau hào nhoáng lễ hội khai giảng là những mảnh đời buồn của học trò nghèo!

Ký nhận tiền thưởng cho học sinh giỏi 200.000 đồng nhưng chỉ được nhận 20 cuốn vở giá… 120.000 đồng!

Xảy ra tại trường THPT Thái Phiên, Đà Nẵng. Hiệu trưởng trường này cho 654 học sinh giỏi khối 10, 11 (năm học 2022-2023) ký nhận tiền thưởng 200.000 đồng/em, nhưng các em lại được phát 20 quyển vở. Oái ăm, giá bán lẻ trên thị trường có 6.000 đồng/quyển vở. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng kết luận việc ký nhận tiền mặt mà nhận vở là không đúng theo hồ sơ thanh toán. Yêu cầu ông Nguyễn Bá Hảo – hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên – phải hoàn trả 138,4 triệu đồng cho những học sinh là… “bị hại”, song nhiều em đem vở lên trường mà không đổi được, mặc dù hiệu trưởng có công văn thông báo. Việc đổi vở nhận tiền dời đến đầu năm học 2024-2025. Sở GD&ĐT Đà Nẵng, đã có kết luận về dấu hiệu sai phạm của hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên. Được biết thầy hiệu trưởng trường này… tự mua vở giá 10.000 đồng/quyển vở.

Biết chuyện, tôi và nhiều người sốc. Sao hiệu trưởng lại nhập nhèm vở thưởng cho học trò!? Lý ra, phần thưởng cho học sinh giỏi càng được nhiều thì giáo viên, lãnh đạo trường càng vui chứ! Ngân sách trường dành cho khen thưởng học sinh vào cuối năm còn eo hẹp, hiệu trưởng “khéo co thì ấm”. Ấm áp sự quan tâm, chuẩn mực, trong sáng, ngay ngắn trong mua sắm tại trường, mà cụ thể là của hiệu trưởng và bộ phận văn phòng. Mỗi việc làm thế, nội bộ trong trường không băn khoăn quản lý tài chính của hiệu trưởng, dần dà nảy nở niềm tin, nối vòng tay lớn, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục.

Không sai phạm về “bạc tiền”, hiệu trưởng ngẩng cao đầu mỗi ngày đến trường, dõng dạc nói chuyện học sinh lúc sinh hoạt toàn trường, tự tin trong các kỳ họp toàn thể giáo viên, được phụ huynh học sinh ngưỡng mộ, được cấp trên của hiệu trưởng trân trọng. Làm hiệu trưởng phải hy sinh lợi ích riêng, hết lòng chăm lo việc trường, tận tụy với quản lý hoạt động giáo dục, nói không với “bữa cơm trưa miễn phí”. Chằng chịt lợi ích cho mình thì hiệu trưởng “ngồi nhầm ghế” mất rồi!

Đầu năm học 2024-2025, nhiều việc cho hiệu trưởng, tất nhiên có bộ phận giúp việc. Quyết định của người đứng đầu nhà trường lúc này rất quan trọng, nên nhiều “mật ngọt”. Các khoản thu đầu năm, mua sắm trang thiết bị dạy học…, hãy thực hiện đúng quy định, còn băn khoăn thì trao đổi trong ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, phụ trách đoàn thể, ban đại diện cha mẹ học sinh… Công khai đi đôi với quan tâm hoàn cảnh của giáo viên, học sinh khó khăn, có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Giúp đồng nghiệp, học trò lúc ngặt, hiệu trưởng “dân vận khéo” sẽ không lo thiếu tiền để dùng vào những việc ý nghĩa này!

Thông điệp cho năm học 2024-2025: Lan tỏa yêu thương để cùng nhau dạy tốt, học tốt!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới