(KTSG) - Có những kẽ hở cần được tạo ra, và có những kẽ hở cần phải bịt lại.
Qua nhiều thí nghiệm về hiện tượng nở vì nhiệt, các nhà vật lý rút ra kết luận: độ nở dài Δl của vật rắn (hình trụ đồng chất) tỷ lệ với độ tăng nhiệt độ Δt và độ dài ban đầu l0 của vật đó.
Δl = l0.α.Δt, với α là hệ số nở dài, phụ thuộc vào chất liệu của vật rắn.
Cho rằng đường sắt Hà Nội - TPHCM dài khoảng 1.500 ki lô mét khi nhiệt độ trung bình là 20oC, thì khi nhiệt độ tăng lên 40oC vào mùa hè và với α = 11.10-6/K, đoạn đường sắt này dài thêm 330 mét. Như vậy, nếu không có giải pháp, lực nén cường độ lớn khiến đường ray uốn cong có thể làm đoàn tàu văng khỏi đường ray! Vì vậy, khi nối các thanh ray, người ta để một khe hở giữa hai thanh liên tiếp sao cho chúng khi nở ra không bị cản trở lẫn nhau. Kích thước của khe hở tính toán sao cho phù hợp, hẹp hay rộng quá đều có thể gây mất an toàn khi tàu chạy.
Xưa, vật lý còn được gọi là “triết học tự nhiên”, có lẽ ý muốn nhấn mạnh rằng con người cần nhận biết quy luật tự nhiên để thích ứng với hiệu ứng của nó. Xin cà kê thêm chút, như khi nhốt chim két trong lồng nuôi chào mào thì nó sẽ ra khỏi lồng một cách dễ dàng qua các khe hở. Còn nói sang chiếc “lồng cơ chế”, giả định nó cũng đã sáng - chắc - nghiêm rồi đó, nhưng khi hoàn cảnh thay đổi thì vẫn cần có khe hở giúp các nhà lãnh đạo hay nhà quản lý vận dụng, để trong khó khăn vẫn có cách thực thi, hướng tới sự phát triển bền vững, nhanh chóng, hiệu quả.
Hồi dịch Covid-19 hoành hành, kit xét nghiệm nhanh Covid-19 là đặc biệt cần thiết đối với các cơ sở y tế và người dân trong nhiều trường hợp. Chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp này ví như “khe hở đường ray”. Nhưng khe hở đó đã được liệu tính sát sao hay chưa thì cần đánh giá lại, bởi rõ ràng là hàng loạt lãnh đạo CDC ở các tỉnh, thành phố đã phải tra tay vào còng vì những khoản “hoa hồng” mua bán kit. Lẽ tất nhiên, có tội thì phải trừng. Nhưng chủ trương mà có độ tinh - nhanh - sắc khi ứng xử những tình huống đặc biệt, đi kèm với một cơ chế giám sát chặt chẽ, không để xảy ra hàng loạt sai phạm thì ấy mới là chủ trương sáng rõ và nhân văn.
Những ngày qua, người dân và giới truyền thông dấy lên nghi vấn lộ đề thi môn sinh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021-2022. “Loạn” trong phòng thi Hội đồng coi thi trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 còn đó; gian lận điểm thi nghiêm trọng ở Hà Giang, Sơn La năm 2018 còn đó, và không ít lần là những thông tin về đề bài ôn tập vào sát ngày thi giống đề thi chính thức tới… 80-90%! Như vậy, coi thi, chấm thi, ra đề thi đều có những cái sai nghiêm trọng. Đến độ, một đại biểu Quốc hội phải thốt lên chua chát: “Bất kỳ sự gian lận, chậm trễ xử lý nào bây giờ cũng là bất nhân lắm!” (bài “Giá như…” trên Tuổi Trẻ ngày 16-6).
Khâu xây dựng ngân hàng đề thi, quy trình làm đề thi bị cho là có kẽ hở, đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng bịt lại để những kỳ thi tiếp theo được nghiêm túc, an toàn. Một kỳ thi nhằm đánh giá việc dạy và học của hàng triệu thầy cô và học sinh, một kết quả thi được dùng để xét tuyển vào đại học và mức độ cạnh tranh là khốc liệt ở những trường tốp cao, nhất thiết đòi hỏi sự nghiêm cẩn tuyệt đối.
Ấy vậy mà hàng chục năm qua, các kỳ thi vướng hết cái sai này đến cái sai khác. Lỗi do con người chấp pháp, điều đó không phải bàn, nhưng quy chế thi thiếu thực tế, nông học hỏi, ngắn dự liệu thì hệ quả là những kẽ hở bị “đục khoét” một cách táng tận lương tâm.
Tự nhiên và xã hội luân chuyển theo quy luật, kẽ hở là sản phẩm của con người để qua thao tác, tư duy, con người làm chủ các tình huống. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Kim chỉ nam đó giúp mỗi người trong chúng ta biết tạo kẽ hở và bịt kẽ hở trong từng trường hợp.