Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ từ việc đối phó siêu bão Noru

Đ.Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tuần qua, cơn bão số 4 – tên quốc tế Noru, được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây, khi quét qua các tỉnh miền Trung đã không gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên may mắn chỉ là một phần, yếu tố chủ động phòng chống bão của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của người dân miền Trung được cho là đã hạn chế đến mức có thể những hậu quả do thiên tai gây ra.

Trong lo lắng chờ đợi từng diễn biến của Noru, người viết thầm mong những ký ức đau thương về Xangsane, Durian, Ketsana, đừng lặp lại. Bởi theo dự báo, Noru sẽ đạt cấp 15-16, giật cấp 17, tốc độ gần bờ có thể lên đến trên 250 km/giờ… Đây là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào Việt Nam.

Trên các mặt báo là hình ảnh các vị lãnh đạo Chính phủ, các địa phương Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị… trực tiếp chỉ đạo các ban ngành phòng chống bão.

Chiều 25-9, Thủ tướng, Phó thủ tướng đã liên tục họp trực tuyến với các địa phương mà bão có thể đi qua, theo dõi sát diễn biến của bão. Các vị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo: Tính mạng, an toàn của người dân là trên hết, trước hết.

Hơn 53.000 cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 cùng xe đặc chủng, xe lội nước được huy động tham gia giúp dân chống bão; hàng nghìn cán bộ chiến sĩ công an, dân quân tự vệ của các tỉnh, thành phố miền Trung đã tham gia hỗ trợ, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, sẵn sàng cho phương án sơ tán 860.000 dân(1).

Và rồi những tín hiệu đầu tiên, công tác vận động, thuyết phục người dân di dời vào các khu vực an toàn đã được thực hiện tốt. Hàng nghìn tàu thuyền đang đánh bắt trên biển đã nhanh chóng về bờ, neo tránh bão an toàn.

Đã không có sự chủ quan, coi thường sức tàn phá của cơn bão. Đã có sự cẩn trọng suy tính của lãnh đạo các địa phương, từ những việc nhỏ như tuyên truyền cho dân có nhận thức phòng trú bão, không ra đường trong bão, biết tự bảo vệ mình, đến làm thế nào để có lương thực dự trữ, cung ứng và cứu trợ rau quả, thực phẩm cho dân nếu bị nước lũ cô lập…

Và với ý thức chủ động phòng chống, đối phó trước thiên tai của chính quyền và người dân, rạng sáng ngày 28-9, cơn bão Noru ào ạt quét qua, nhưng mọi rủi ro đã giảm nhẹ, mọi thiệt hại được hạn chế đi rất nhiều lần.

Nhiều người cho rằng may sao Mẹ thiên nhiên đã không giáng thiên tai thảm khốc đến người dân miền Trung. Nhưng may mắn có lẽ chỉ một phần. Tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt của chính quyềnvà người dân, sự chủ động ứng phó với thiên tai, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mới là kết quả quý giá của công tác phòng chống bão.

Bên cạnh đó, sự bình tĩnh, thận trọng, không hoang mang, không hốt hoảng của chính quyền và người dân, sự hỗ trợ của cả nước với tinh thần thương yêu, đùm bọc lẫn nhau…, là cẩm nang “nằm lòng” cho việc ứng phó trước sức mạnh của các cơn bão lũ.

——–

https://thesaigontimes.vn/rut-kinh-nghiem-ung-pho-khac-phuc-thiet-hai-sau-con-bao-noru/ (1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới