Nghĩ từ vườn rau giữa phố
![]() |
(minh họa: Khều) |
(TBKTSG) - Bạn đừng cười tôi về quê trồng rau rồi còn đi hóng hớt chuyện ngoài phố (chắc đi tìm tĩnh lặng mà lại không tĩnh lặng nổi, đành ghé một con mắt về chốn lao xao đây mà). Bởi vì vườn rau đây là vườn rau giữa phố nhé!
Thì chẳng tìm đâu xa, trên báo chí cả mấy tháng nay, có rất nhiều bài viết khen thị dân Hà Nội biết trồng rau. Người viết khen nhà nhỏ thế, mà sao người khéo thế, biết tận dụng rau dưa tự túc giữa thời buổi thóc cao gạo kém lại nhìn đâu cũng thấy dịch bệnh này.
Nhưng không biết có mấy ai nghĩ những người đang trồng rau ấy là ai? Một người sống lâu năm ở phố khó có thể nghĩ tới chuyện rau dưa tự túc (mà đa phần là tự túc trong khuôn viên hình ống, chắc chỉ còn thua ý tưởng trồng rau trên tường).
Dù có nghĩ được chuyện trồng rau, thị dân đích thực cũng khó làm nổi chuyện đó, cũng như nông dân ra phố khó quen việc đi bộ mà phải lằng nhằng theo cái vạch qua đường vậy. Bởi vì tính chuyện “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là khó lắm nhé, không phải như cuối tuần thư thả làm vài nhát cuốc đâu.
Chuyện luống rau giữa phố không hẳn xuất phát từ nỗi lo an toàn thực phẩm. Cũng chính những người trồng rau ấy, sáng dậy là có thể ngồi ăn không chút e dè giữa các gánh hàng rong bụi bặm và lên tiếng bảo vệ rằng cái gánh hàng đó là biểu tượng cho nét văn hóa của một vài thành phố nào đó (mà họ có thể chỉ nghe về nền văn hóa ấy qua những người cũng không biết hơn mình).
Chuyện luống rau giữa phố cũng không hẳn là sản phẩm của thời củi quế gạo châu. Không phải người từ quê ra đều là nhà túng thiếu. Cứ nhìn loanh quanh góc phố, bao người hàng xóm mới vốn là triệu phú cà phê, tỉ phú tôm, chứ không phải chỉ biết cắm mặt xuống bùn làm ra từng hạt gạo.
Có những người mà cái sung túc đến quá đỗi tự nhiên, thành ra thu xếp lên thành phố cho tiện việc học của con cái, tính chuyện bán buôn nơi thị thành cho có việc, thất bát bao nhiêu vẫn cười là chuyện nhỏ vì qua một mùa thu hoạch từ trang trại là vốn liếng lại dư dả, thì người ta nghĩ ngợi gì chút tiền rau dưa.
Nhưng cái luống rau giữa phố ấy, là góc vườn xưa nơi nỗi nhớ vẫn lẩn quất. Chỉ những người vốn có luống rau bên nhà, con gà trong chuồng mới dễ dàng nghĩ ra và vận dụng được cái sáng kiến tự túc rau dưa. Gì thì gì, tự cung tự cấp vẫn là ý nghĩ thường trực tự bao đời nay trong lũy tre làng. Tiện đâu là canh tác đấy.
Thế là những vườn rau nho nhỏ không ngại ngần lớn lên giữa thành phố, như những nơi bán buôn lúp xúp nhanh chóng mọc lên lấn vỉa hè thoáng rộng của con đường mới mở khang trang. Không biết có lỡ khi nào việc trồng rau trên sân thượng nhà hình ống trở thành chuyện đương nhiên phổ biến như những cái “lồng” cơi nới nhấp nhô khắp các căn hộ tập thể của thế kỷ trước hay không? Bởi bao nhiêu người suốt ngày kêu than làng quê bị đô thị hóa mà mất đi cái chân quê hồn hậu, nhưng chẳng mấy ai lo lắng vì mối nguy nông thôn hóa đô thị đã ngày một rõ ràng.
Hà Nội vốn xuất thân có làng lúa, làng hoa. Nhưng đô thị đã mọc lên từ ngày vua ban chiếu dời đô về nơi rồng bay lên, bởi một lẽ hiển nhiên rằng thủ đô không thể không là đô thị. Thế mà gần nghìn năm sau đó, người đô thị lại hóa ra người biết trồng rau giữa phố.
Thôi thì không dám lạm bàn nếu coi đó là chuyện sở thích (gì chứ cái sở thích trân trọng những khoảng xanh này thì càng thị dân càng dễ có). Mà hôm nay đây, thủ đô đã rộng lên gấp mấy lần, rộng từ Tây Hồ lộng gió, rộng tới tận Lương Sơn núi đỏ rồi. Nhưng ước mơ đô thị thực xứng là đô thị, là đô thị từ trong tâm thức của người đô thị, cứ thấy sao mà… khó!
NGUYỄN THỊ THANH HẰNG