Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩa vụ và quyền lợi phải song hành thì doanh nghiệp mới sống được

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Từ đầu tháng 10 này, nhiều đại lý và cửa hàng xăng dầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đồng loạt đóng cửa, ngừng hoạt động(*). Đây là hậu quả của tình trạng “chiết khấu 0 đồng” đã kéo dài suốt hai tháng qua khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ. Đây là lúc cần giải quyết tận gốc những bất cập trong chính sách quản lý xăng dầu hiện nay, không thể chậm trễ hơn nữa.

Tại tỉnh An Giang, Sở Công Thương tỉnh này đã chấp thuận cho chín trong tổng số 24 doanh nghiệp – có gửi cho sở đơn xin tạm dừng kinh doanh xăng dầu – được tạm dừng kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định.

Tương tự, nhiều cửa hàng xăng dầu ở tỉnh Bến Tre, Trà Vinh cũng đã làm đơn kiến nghị cơ quan chức năng và xin được tạm đóng cửa với lý do kinh doanh thua lỗ. Các đại lý cho biết không thể tiếp tục cầm cự với mức lỗ lên đến vài trăm triệu mỗi tháng.

Thậm chí, giới kinh doanh xăng dầu còn chỉ nhau cách làm thế nào để được “đóng cửa hợp lệ” vì theo quy định kinh doanh xăng dầu, muốn nghỉ bán phải được cơ quan chức năng nhà nước đồng ý.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã giải đáp về vấn đề doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu càng bán càng lỗ, nhiều doanh nghiệp mở cửa bán nhỏ giọt, nghỉ bán như sau: “Các quy định hiện hành không có quy định về mức chiết khấu cho kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá xăng dầu là theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Chúng ta hiểu rằng đây là giá trần, khi doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bán xăng dầu thì họ bán bằng giá này, nhưng chiết khấu một mức độ nào đó cho người mua”(**).

Qua câu trả lời này của đại diện Bộ Công Thương, có thể thấy lý do chính dẫn đến tình trạng các đại lý bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ nằm ở chính sách quản lý. Với các quy định hiện hành, nhà nước chỉ quản lý “đầu ra” của bán lẻ xăng dầu bao gồm giá bán lẻ và hoạt động của đại lý, bao gồm cả việc không được tự ý ngưng hoạt động khi cơ quan thẩm quyền nhà nước chưa cho phép.

Phần nghĩa vụ của đại lý bán lẻ thì được quy định và quản lý nhưng phần quyền lợi “đầu vào” thì lại bị bỏ ngỏ vì không có quy định nào về mức chiết khấu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu đầu mối khi thua lỗ đã kéo mức chiết khấu về 0 đồng, từ đó dẫn đến tình trạng lỗ lã của doanh nghiệp bán lẻ.

Hiện tại, dù có quy định chi phí định mức kinh doanh xăng dầu (lãi) từ khoảng 1.000-1.200 đồng/lít xăng, nhưng quy định này chưa tách bạch phần nào của doanh nghiệp đầu mối, phần nào của thương nhân phân phối và của doanh nghiệp bán lẻ.

Theo lẽ thông thường với các loại hàng hóa khác thì doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối phải chia sẻ chi phí này với doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, tại nhiều thời điểm, các doanh nghiệp đầu mối không chia sẻ cho chuỗi bán lẻ khi duy trì mức chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng.

Cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên vai các doanh nghiệp đầu mối. Theo giãi bày của các doanh nghiệp đầu mối, bản thân họ cũng đang thua lỗ, không có đủ nguồn lực giúp các doanh nghiệp bán lẻ. Đó là chưa kể, do không có quy định gì ràng buộc nên các doanh nghiệp đầu mối sẽ ưu tiên cung ứng trong hệ thống nội bộ vì bản thân họ cũng có nhiều đại lý bán lẻ và các hợp đồng đã ký trước đây. Với các hợp đồng mới của các đại lý bán lẻ khác, khi xảy ra tình trạng “càng bán càng lỗ” thì họ sẽ kéo mức chiết khấu về 0 đồng và có khi còn tính thêm phí vận chuyển nhằm hạn chế lượng bán ra.

Nếu không rạch ròi khâu bán lẻ được hưởng bao nhiêu phần trăm trong chi phí định mức thì thị trường xăng dầu còn tiếp tục hỗn loạn và sẽ có thêm nhiều đại lý bán lẻ ngưng hoạt động trong thời gian tới.

Phải điều chỉnh từ cơ chế điều hành của Nhà nước, tạo nguồn và tính toán lại các chi phí và thuế để cân đối lại được hiệu quả cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, có nguồn chia xuống cho các cửa hàng xăng dầu thay vì để mặc cho các doanh nghiệp tự bơi như thời gian vừa qua.

(*) https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-xang-dau-nghi-ban-bo-cong-thuong-len-tieng-20221001174920167.htm

(**) https://congthuong.vn/thu-truong-do-thang-hai-lam-ro-van-de-chiet-khau-xang-dau-va-mua-ban-dien-o-du-an-trung-nam-221843.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Kinh doanh xăng dầu lâu nay hoàn toàn không chỉ thu lãi lớn nhờ vào mức lãi định mức/ mỗi lít xăng dầu. Khi biến động giá tăng nhanh, tăng nhiều lần… thì mức lợi nhuận càng khủng hơn. Tuy nhiên, khi có lỗ phát sinh, dù bất cứ lý do nào, thì tổng kết lại toàn bộ cuộc chơi, cả ngành xăng dầu và từng người kinh doanh xăng dầu, vẫn luôn có lợi. Cần phải thấy được gốc rễ bản chất của mô hình kinh doanh hiện nay để có sự điều chỉnh công bằng và công lý. Chứ không nên nhìn vào hiện tượng cá biệt xuất hiện trên thị trường. Lâu nay chỉ có người tiêu dùng mới là đối tượng phải gánh vác mọi thứ chi phí và hậu quả liên quan đến xăng dầu.

  2. Sự náo loạn diễn ra trên thị trường xăng dầu hiện nay hoàn toàn là do lỗi điều hành chứ không phải do cung cầu thị trường. Bộ công thương và các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm chính về việc này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới