(KTSG) - Những đợt thoái trào của thị trường chứng khoán như hiện nay thường để lại những thắc mắc xem ra rất khó lý giải, có thể coi là nghịch lý, rằng doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tốt, tình hình kinh tế vĩ mô cũng ổn (tăng trưởng kinh tế thuộc dạng cao nhất thế giới) nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp lại “lội ngược dòng”, giảm mạnh.
Ví dụ cụ thể cho tình trạng trên là cổ phiếu ngân hàng. Kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm 2022 của 28 ngân hàng nhìn chung khá khả quan, với 27 ngân hàng báo lãi. Hai ngân hàng trong số này báo lãi giảm so với cùng kỳ năm trước. Bảy ngân hàng báo lãi tới trên 10.000 tỉ đồng. Chỉ có một ngân hàng báo lỗ. Tuy vậy, như đã thấy, giá cổ phiếu của các ngân hàng liên tục lao dốc, phá hết đáy này đến đáy khác.
Để tìm câu trả lời, điều cần lưu ý trước hết là các nhà đầu tư, các trader cổ phiếu có xu hướng hành động theo châm ngôn “mua theo tin đồn, bán khi tin ra”, tức họ sẽ mua và đẩy giá cổ phiếu lên khi có tin đồn hay kỳ vọng và bán ngay khi tin tức được công bố, kể cả là tin tốt. Đây chính là một trong những lý do giải thích tại sao giá một cổ phiếu nào đó lại giảm khi doanh nghiệp công bố tin tốt, thường là trong báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính hàng quí một mặt cung cấp tính minh bạch về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhưng mặt khác nó cũng dẫn đến hình thành và tích tụ các tin đồn bởi khoảng cách ba tháng giữa các kỳ báo cáo. Tin tốt các quí trước không nhất thiết sẽ kéo dài sau đó, trong khi nhiều yếu tố nội tại (tin đồn) và ngoại lai xen vào, ảnh hưởng đến việc định giá cổ phiếu tại thời điểm mua/công bố báo cáo.
Các nhà đầu tư có xu hướng hành động theo châm ngôn “mua theo tin đồn, bán khi tin ra”, tức họ sẽ mua và đẩy giá cổ phiếu lên khi có tin đồn hay kỳ vọng và bán ngay khi tin tức được công bố, kể cả là tin tốt.
Hơn nữa, bất cứ sự sai lệch đáng kể nào so với kỳ vọng hay bất cứ tuyên bố gây ngạc nhiên lớn nào cũng có tác động lên giá cổ phiếu. Chẳng hạn, dù doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực nhưng lại thấp hơn kỳ vọng mà thị trường, các nhà phân tích đặt ra trước đó thì cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn có nhiều khả năng bị định giá thấp đi.
Một số tình huống giảm giá cổ phiếu khác cũng liên quan đến lợi nhuận công bố. Ví dụ, các nhà phân tích kỳ vọng doanh nghiệp A sẽ đạt được mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) là 0,8, trong khi doanh nghiệp báo cáo EPS thực tế ở mức 0,85, tức còn tốt hơn kỳ vọng (+6,3%).
Dẫu vậy, nhà đầu tư vẫn phản ứng bằng cách bán ra cổ phiếu của A. Lý do là dù tin công bố là “tốt” nhưng nhiều nhà đầu tư lại kỳ vọng một mức còn cao hơn thế. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp có lịch sử đánh bại các ước tính của giới phân tích ở mức 10% hay hơn thì mức tăng 6,3% này lại trở thành nỗi thất vọng.
Hơn thế, mỗi nhà đầu tư cũng thường có phân tích hay cảm nhận riêng của mình về ngành, doanh nghiệp, và cổ phiếu. Những phân tích, cảm nhận này qua nhiều kênh sẽ tập hợp với những phân tích, cảm nhận của những người khác tạo nên một con số về định giá mang tính đồn thổi chứ không công bố công khai như của các nhà phân tích trong các công ty chứng khoán. Định giá đồn thổi với định giá của các nhà phân tích nhiều khi rất khác nhau.
Trong ví dụ trên, chẳng hạn EPS đồn thổi là 0,9. Doanh nghiệp A báo cáo EPS 0,85 tức là thấp hơn mức kỳ vọng đồn thổi, dù là cao hơn mức kỳ vọng của các nhà phân tích, nên vẫn có thể gây ra một làn sóng bán tháo từ tập hợp nhiều nhà đầu tư.
Trong các báo cáo tài chính, doanh nghiệp thường đưa ra một số kỳ vọng, nhận định hay kế hoạch của ban giám đốc cho tương lai. Đây cũng là một yếu tố lớn ảnh hưởng đến định giá cơ bản. Doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khớp với hoặc vượt kỳ vọng của thị trường nhưng lại điều chỉnh giảm doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền kỳ vọng trong tương lai thì có khả năng sẽ làm giá tương lai của cổ phiếu giảm. Điều này giải thích tại sao giá cổ phiếu vẫn có thể lao dốc dù kèm với tin tốt (kết quả kinh doanh bằng hoặc tốt hơn kỳ vọng).
Một lý do khác có thể nghĩ đến là ảnh hưởng của các trader “gây nhiễu”. Đây là các nhà đầu tư không chuyên, hoặc các nhà phân tích theo trường phái kỹ thuật. Những người này thường không phân tích cơ bản các khoản đầu tư tiềm năng mà dựa vào tin tức, chỉ số phân tích kỹ thuật, hay xu hướng.
Họ thường có quyết định đầu tư khá bốc đồng, phản ứng thái quá với tin cả tốt lẫn xấu. Nên giả sử cổ phiếu của doanh nghiệp A bắt đầu bị bán tháo bởi một số nhà đầu tư thì xu hướng bán tháo này sẽ được đẩy lên mạnh mẽ bởi các nhà đầu tư gây nhiễu này.
Lý do cuối cùng là ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô và vi mô. Yếu tố vĩ mô gồm những thứ như lãi suất tăng, hay sự chuyển hướng sang các tài sản đầu tư ít rủi ro (ví dụ tiền gửi ngân hàng) có khả năng gây sức ép lên giá cổ phiếu dù doanh nghiệp công bố tin tốt.
Những yếu tố vi mô trong một ngành cụ thể, chẳng hạn (triển vọng) kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đối thủ tốt hơn của doanh nghiệp A cũng sẽ làm giảm khẩu vị của nhà đầu tư với cổ phiếu doanh nghiệp A dù họ cũng công bố thông tin tốt (nhưng kém hơn đối thủ).
Kết quả kinh doanh là chuyện quá khứ, đầu tư là tính đến tương lai. Kinh doanh tốt không phải là yếu tố đủ khẳng định tương lai tươi sáng để mua gom cổ phiếu.
Chẳng có gì nghịch lý ở đây