Thứ Năm, 10/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghịch lý thừa tiền và giải pháp của các ngân hàng

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trái ngược với tình trạng tắc nghẽn vốn và áp lực thanh khoản vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 dẫn đến cuộc đua lãi suất tiền gửi quyết liệt, hệ thống ngân hàng hiện nay đang phải “chữa bệnh thừa tiền”, trong bối cảnh vốn đầu ra trì trệ từ đầu năm đến nay trong khi vốn đầu vào vẫn tăng trưởng tích cực.

Nghịch lý thừa tiền

Thực trạng thừa tiền của hệ thống tổ chức tín dụng thể hiện qua việc lãi suất trên khắp các thị trường liên tục đi xuống gần đây.

Cụ thể từ đầu quí 2-2023 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục đi xuống. Tháng 8 vừa qua và đầu tháng 9 này, các ngân hàng lại tiếp tục có đợt giảm mạnh lãi suất huy động, trong đó một số ngân hàng có đến 2-3 lần giảm liên tục trong tháng 8 vừa qua với mức giảm sâu đến 1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 7.

Thống kê cho thấy hiện chỉ còn 6/35 ngân hàng trong nước niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng tại mức trần 4,75%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng phổ biến từ 5,5-6,5%/năm, thậm chí nhóm big 4 niêm yết ở mức 4,7%/năm; trong khi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hầu hết đã giảm về dưới mốc 7%/năm. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện tại đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chìm sâu về dưới mốc 0,2%/năm từ giữa tháng 8 đến nay, các kỳ hạn 1-2 tuần cũng rớt về mức tương ứng 0,3-0,5%/năm, trong khi kỳ hạn 1-3 tháng nằm tại 1,5-3,5%/năm, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dù vậy, hiện nhiều ngân hàng không có nhu cầu vay vốn trên thị trường 2, cho thấy thanh khoản hệ thống đang dồi dào như thế nào.

Tuy nhiên, trong khi ngành ngân hàng đang thừa tiền và khó khăn trong giải ngân vốn đầu ra, một nghịch lý đang diễn ra là nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế vẫn trong cảnh khát vốn trầm trọng. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay vẫn có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa được khảo sát cho biết đang thiếu vốn và khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, cuộc khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy nguồn vốn vẫn là khó khăn đeo bám nhiều doanh nghiệp.

Là một tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận, rõ ràng các ngân hàng bao giờ cũng muốn tối ưu hóa khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn, không thể để tiền “chết” một cách vô nghĩa.

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm 2023, có 71.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; 41.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,7%; 11.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2%. Bình quân một tháng có 15.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong số này có lẽ không ít doanh nghiệp đã không thể tiếp cận được các nguồn vốn mới và đành phải chấp nhận rút lui khỏi thị trường.

Dù vậy, với chức năng trung gian tín dụng và là thực thể kinh doanh đặt kiểm soát rủi ro lên hàng đầu, các ngân hàng nếu như trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng tích cực càng cho vay mạnh mẽ bao nhiêu, thì khi kinh tế khó khăn lại càng có xu hướng kiểm soát chặt chẽ các khoản vay bấy nhiêu. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm, tiềm ẩn rủi ro cao, các ngân hàng dù thừa tiền nhưng vẫn không muốn phải đẩy vốn ra bằng mọi giá là điều dễ hiểu.

Còn theo chia sẻ của đại diện NHNN gần đây, dù cơ quan này cùng với toàn hệ thống TCTD liên tục tổ chức các hội nghị nhằm thúc đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh công tác truyền thông... nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, “không muốn vay”.

Vốn không thể nằm yên

Là một tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận, rõ ràng các ngân hàng bao giờ cũng muốn tối ưu hóa khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn, không thể để tiền “chết” một cách vô nghĩa.

Ngoài giải pháp liên tục giảm lãi suất huy động đầu vào trong thời gian qua để tiết giảm chi phí vốn, các ngân hàng đã tích cực mua lại trước hạn các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn trước, nhằm cơ cấu lại kỳ hạn hợp lý hơn, nhất là trong bối cảnh lãi suất đã giảm về mức thấp như hiện nay.

Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), chỉ tính trong quí 2-2023, có đến 17 ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn. Các ngân hàng đã mua lại lượng lớn trái phiếu như: ACB (10.000 tỉ đồng), TPBank (8.100 tỉ đồng), BIDV (7.394 tỉ đồng), LPB (7.000 tỉ đồng)... Còn theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm nay đến cuối tháng 8 đạt 164.867 tỉ đồng, trong đó ngân hàng là nhóm dẫn đầu về giá trị mua lại trước hạn với 79.698 tỉ đồng, chiếm 46,7% tổng giá trị mua lại trước hạn.

Chẳng những vậy, với tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu khởi sắc trở lại, các ngân hàng cũng có thể tăng cường đầu tư vào kênh này để hóa giải bài toán đầu ra, trong bối cảnh hoạt động cho vay vẫn gặp nhiều khó khăn. Số liệu từ VBMA cho thấy giá trị TPDN phát hành riêng lẻ trong tháng 8 vừa qua đạt 25.055 tỉ đồng, gấp gần 5 lần giá trị phát hành riêng lẻ trong tháng 7.

Trong thời gian còn lại của năm nay, các ngân hàng sẽ cần phát triển tín dụng mạnh mẽ hơn, tận dụng yếu tố mùa vụ và nhu cầu vay vốn có thể cao hơn dựa trên những cải thiện của nền kinh tế. Số liệu tăng trưởng tín dụng công bố tháng 8 vừa qua là một tín hiệu tích cực, khi tăng 5,33% so với đầu năm tính đến ngày 29-8, tức riêng trong tháng 8 đã tăng thêm hơn 1%, chiếm gần một phần năm mức tăng của tám tháng qua.

Đặc biệt, Thông tư 06/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD có hiệu lực từ đầu tháng 9 này đã bổ sung một quy định quan trọng. Đó là các TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống thay vì chỉ được vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Chính sách này được dự báo sẽ thúc đẩy các ngân hàng tăng cường lôi kéo khách hàng vay vốn của nhau trong thời gian tới để chữa trị “căn bệnh thừa tiền” của riêng mình.

Thực tế đã có một số ngân hàng nhanh chóng triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất thấp dành cho khách hàng vay vốn để trả nợ tại các ngân hàng khác. Như Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong sáu tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu; còn BIDV áp dụng mức chỉ từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 6,8%/ năm đối với khoản vay trung và dài hạn; trong khi VietinBank áp dụng lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và chỉ từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Techcombank triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm, trong khi MBBank áp mức lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng đầu và 7,5% dành cho khách hàng ưu tiên. 8% cũng là mức lãi suất vay mà ACB dành cho các khách hàng cá nhân muốn trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác.

Cuối cùng, với nguồn vốn đang dư thừa, các ngân hàng cũng tăng cường lướt sóng ngoại tệ trong thời gian gần đây, trong bối cảnh tỷ giá đang biến động trở lại cùng với chênh lệch lãi suất đô la Mỹ - tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang mở rộng.

Cụ thể, lãi suất vay mượn đô la Mỹ trên thị trường 2 cao hơn lãi suất tiền đồng từ 4,6-4,8% đối với kỳ hạn qua đêm đến hai tuần, kỳ hạn một tháng là hơn 3,5% và ba tháng là 1,8%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng trong sáng đầu tuần này (11-9-2023) đã vượt mốc 24.000, lên mức cao nhất từ trước đến nay, theo đà tăng của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.

2 BÌNH LUẬN

  1. Không phải thừa tiền. Chỉ là ứ đọng vốn. Do cung cầu thị trường bị lạc nhịp. Xét trên phương diện vĩ mô, thừa tiền sẽ gây áp lực lớn lên lạm phát cao. Nhưng thực tế hiện nay không có tình huống đó. Vấn đề căn bản là lòng tin thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh chưa phục hồi mạnh mẽ. Ảnh hưởng tiêu cực từ do đứt gãy chuỗi kinh doanh toàn cầu. Một số động lực tăng trưởng như kinh doanh bất động sản/ giải ngân đầu tư công và tư… bị suy giảm nghiêm trọng. Cố thúc giục tăng trưởng mạnh trong bối cảnh hiện tại có lẽ là điều không thể. Điều có thể làm là nhanh chóng tập trung tháo gỡ những vướng mắc, trì trệ. Giải phóng tư duy quản lý và kinh doanh khỏi nỗi sợ hãi và tâm thế cầm chừng cũng chính là giải phóng và hồi sinh mọi nguồn lực xã hội.

  2. Làm gì có thừa tiền trong thời điểm hiện nay. Nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng chỉ tăng khoảng chưa đầy 5%, dư nợ cho vay tăng trưởng 5,46%, nếu theo chuẩn basel II thì còn chưa đủ nguồn vốn cho tăng trưởng. Để có nguồn vốn cho tăng tín dụng, nhiều ngân hàng vay nước ngoài, phân rã nhóm NHTM lớn có uy tín thì huy động tốt, nhóm NHTM nhỏ vẫn trầy trật huy động vốn và duy trì mức lãi suất huy động của nhóm này rất cao 8-9%/năm. Thực tế nền kinh tế đang thiếu tiền nghiêm trọng, tổng phương tiện thanh toán (M2) 6 tháng tăng khoảng 3%, tồn tiền của ngân sách nằm trên tài khoản ngân hàng nhà nước gần 1 triệu tỷ đồng, tương đương gần 7% M2 và khối lượng tồn tiền này coi là tiền đang nằm kho phát hành (một đống giấy) không phải là tiền của nền kinh tế, vì vậy thiếu tiền biểu hiện rất rõ DN nợ nhau lòng vòng, doanh nghiệp xây lắp thi công xong nhất là dự án của đầu tư công thì không được thanh toán dẫn đến rất khó khăn.
    Nói cách khách CUNG tiền cho nền kinh tế thiếu trầm trọng từ năm 2021-2022. Nghe mấy anh giải thích thừa tiền bật cười thật, nếu rủi ro quá NHTM họ không cho vay còn cái đầu của những nhà kinh doanh tiền tệ không để thừa tiền, họ còn có thị trường liên ngân hàng để cho vay lẫn nhau, nhưng do đòi hỏi tài sản bảo đảm là công cụ có giá loại tốt thì khó, vì vậy họ lại đi mua trái phiếu CP, tín phiếu kho bạc để kiếm lãi hoặc chí ít là để giảm lỗ, và vòng lẩn quẩn lặp lại, tiền lại bị nhốt về tài khoản của ngân sách ở NHNN và làm thiếu tiền của nền kinh tế trầm trọng hơn.
    Với NHNN họ cũng lo ngại sức ép tỷ giá nên khi mấy NHTM dư dả vốn khả dụng họ lại hút về qua OMO càng làm thiếu tiền thêm. Đang lẽ ra tiền mua ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng nên để lại cho đến khi thấy tiền ngân sách ra nhiều thì hãy hút về, nhưng sự phối hợp này xem ra vẫn còn chưa nhuyễn.
    Nếu tồn tiền ngân sách ra được 1 triệu tỷ thì M2 tăng khoảng trên 10%, nguồn vốn NHTM sẽ tăng lên trên 11% như vậy sẽ làm cho tiền trong nền kinh tế đúng nhịp tăng trưởng và lạm phát hơn. Rất tiếc, chúng ta sẽ chứng kiến những khó khăn và vòng luẩn quẩn này khá dài từ 2022 sang 2023 và hệ quả sẽ là rất khó khăn cho thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới