Thứ bảy, 28/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu cổ vật để hiểu lịch sử

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghiên cứu cổ vật để hiểu lịch sử

Uyên Viễn

Ông Trần Đình Sơn giới thiệu bộ sưu tập bình vôi ăn trầu từ đời nhà Lê đến đầu thế kỷ XX. Ảnh: UV.

(TBKTSG) - Sưu tập, nghiên cứu cổ vật là con đường được nhiều người đam mê lựa chọn và theo đuổi suốt cả cuộc đời. Với nhà nghiên cứu văn hóa và mỹ thuật cổ (Việt Nam) Trần Đình Sơn thì việc nghiên cứu đồ sứ ký kiểu (ĐSKK(*)) thời Lê - Trịnh, Nguyễn đã tạo niềm cảm hứng cho ông suốt 43 năm qua.

Từ mơ đến thực

Năm 1968 Trần Đình Sơn 18 tuổi. Trong cơn biến động lịch sử, Sơn rời làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên vào Sài Gòn học cùng lúc hai trường đại học Luật và Quốc gia Hành chánh.

Để bảo tồn kho sách Hán Nôm quý giá với khoảng 4.000 cuốn cùng nhiều món cổ vật của dòng tộc để lại từ thời ông cố nội là cụ Trần Đình Bá (1867-1930), Phó bảng, Tổng đốc Nghệ An, Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn, ông Sơn đã về quê di chuyển toàn bộ “kho tàng” đó vào Sài Gòn.

Cũng trong năm 1968, do ngưỡng mộ cụ Vương Hồng Sển (1901-1996) qua những bài viết về thú chơi cổ ngoạn, Trần Đình Sơn đã tìm đến nhà cụ Sển ở gần chợ Bà Chiểu để “ra mắt” hai món đồ sứ gia bảo gồm một chiếc tô sứ ba màu đời Minh và chiếc tô sứ ký kiểu vẽ hai rồng chầu mặt trời, hiệu đề “Nội phủ thị trung”.

Ông Sơn kể: “Suốt bảy năm (1968-1975) gần gũi, cụ Vương đã hết lòng chỉ dẫn, khích lệ tôi tìm hiểu về ĐSKK. Cụ rành tiếng Pháp, trong khi tôi có thể đọc được chữ Hán Nôm. Chính vì thế mà mỗi khi bát phố xem đồ cổ, cụ thường kêu tôi đi cùng. Cũng nhờ vậy mà tôi biết ĐSKK có giá cao ngất trời mây, nên luôn nhắc người nhà phải bảo quản cẩn thận những đồ vật ông bà để lại. Dần dần tôi biết từ thời Lê-Trịnh, các vua quan gửi kiểu mẫu sang Giang Tây, Trung Quốc đặt làm đồ sứ ngự (vua) dụng, quan dụng. Về sau triều Nguyễn tiếp tục công việc ký kiểu không chỉ ở Trung Quốc, mà còn tận bên Pháp, bên Anh”.

Càng tìm hiểu sâu, ông Sơn càng say mê ĐSKK. Thế nhưng để sở hữu được một bộ sưu tập đầy đủ các Thị (Nội phủ thị…): trung, tả, hữu, đông, đoài… là điều không tưởng! “Vậy mà có ai ngờ được vận nước đổi thay khiến giấc mơ xưa thành hiện thực”.

Ông Sơn kể, tại Sài Gòn, từ sau năm 1976, cổ vật khắp nơi trên cả nước từ Hà Nội, Huế… không hẹn mà cùng nhau tràn ra hè phố, chợ trời, đặc biệt là khu vực An Đông, Tân Định và Hàm Nghi. Khá nhiều người Sài Gòn vốn đam mê cổ vật, do sợ bị cải tạo, do bán nhà để đi nước ngoài… nên phải trải chiếu trước cửa để bán đi những “của nợ ba đời” với giá rẻ mạt mà giới sưu tầm trước năm 1975 nằm mơ cũng không thấy. Giá trị của cổ vật cũng vì thế mà bị đảo lộn. Có những món đồ cổ trước 1975 trị giá vài ba chục lượng vàng, giờ chỉ còn một hai lượng, chậm chí vài chỉ. Người ta bán đồ cổ để mua chiếc quạt máy, bàn ủi, chiếc xe đạp, ti vi, hoặc đổi lấy nhu yếu phẩm…

“Ở đời muôn sự của chung! Chẳng qua mỗi người “làm mọi giữ của” một lúc”, giới sưu tập cổ vật thường có câu cửa miệng như vậy vào những lúc trà dư tửu hậu. Vào thời đó, sau chầu cà phê bụi, nhóm hiếu cổ đất Sài Gòn mỗi người tùy theo sở thích thường tà tà đi dạo, lục lọi đồ xưa vật cũ. Người thì tìm cổ ngọc, kỳ trân. Có vị sành sỏi “moi” ra gốm Tống, sứ Minh lẫn lộn trong đồ sành, đồ đất. Có kẻ gặp hên vớ được danh họa Đông, Tây. Riêng Trần Đình Sơn chỉ biết chăm bẵm săm soi ĐSKK xanh trắng thời Lê - Trịnh, Nguyễn.

Góp nhặt lâu ngày, lại thêm các vị lão làng cổ ngoạn thương mến chuyển nhượng lại những món ĐSKK đặc sắc, bộ sưu tập của ông Sơn ngày càng đầy đủ hiệu đề, kiểu mẫu, thơ văn tương đối phong phú. Đó chính là điều kiện thuận lợi để ông chấp bút cho những công trình khảo cứu về cổ vật, mỹ thuật, văn hóa cổ Việt Nam sau này.

Nghiên cứu cổ vật để hiểu lịch sử

Không thiếu những người chỉ muốn sưu tập cổ vật sao cho đủ bộ, đủ món theo từng chủ đề như bình hoa, chén dĩa, bộ uống trà, tượng Phật, bình vôi, tranh…, rồi lấy đó để khoe khoang, hoặc tồn trữ một thời gian, sau đó bán lại kiếm lời. Đối với ông Sơn thì khác. Cách của ông là mang những kiến thức về cổ vật tích lũy theo năm tháng đối chiếu với sử sách, văn học rồi viết thành từng chuyên đề khảo luận hoặc viết sách.

Ông Sơn cho rằng nhờ nghiên cứu cổ vật mà ông phải học thêm Hán Nôm, và thông qua ngữ nghĩa chữ Hán Nôm trên ĐSKK, ông càng hiểu thêm thâm ý của các bậc Nho thần, tôi trung thường mượn truyện xưa tích cũ để can gián các bậc quân vương. Chẳng hạn, khi công thành danh toại thì chớ quên cảnh gian nan thời kháng chiến, thời mà tình cảm vua tôi không phân biệt tuổi tác, sang hèn như tích Bá Nha gặp Tử Kỳ.

Hay biểu tượng bộ ba tùng - trúc - mai trong mùa đông rét mướt ví như tình nghĩa bè bạn ở đời, dù gặp muôn vàn gian khó cũng không sờn lòng đổi dạ. Hay như nội dung của Thập tư sớ được viết trên các tô sứ dâng nước kiểu Huế, nêu mười điều mà các vị vua chúa nên làm, chẳng hạn dùng đức để trị dân, không nghe theo những lời xu nịnh, cần kiệm công sản…

Trong số những ĐSKK còn tồn tại đến ngày nay, quý hiếm nhất là các vật phẩm có ghi thơ văn Hán Nôm của các vị quân vương, Nho thần và tranh vẽ những danh lam thắng cảnh đất kinh kỳ Thuận Hóa như cửa biển Tư Dung, núi Thúy Vân, chùa Linh Mụ, đèo Hải Vân... “Tranh vẽ trên ĐSKK là một phần tư liệu quý giá đối với giới nghiên cứu lịch sử, nhà văn hóa, kiến trúc sư, họa sĩ… về bối cảnh của đất nước ta trong giai đoạn đó, về những mẫu kiến trúc, trang phục, vật dụng của thời đại đó, về tinh thần tự cường của dân tộc trước quân thống trị phương Bắc… Đặc biệt, tình yêu quê hương, đất nước của cha ông thể hiện qua tranh vẽ cũng là điều mà các thế hệ con cháu cần học hỏi, noi theo”, ông Sơn nói.

Trong quá trình nghiên cứu cổ vật, ông Sơn còn phát hiện ra chi tiết khá thú vị, đó là hình ảnh các bà phi, giai nhân, người hầu trong cung cấm thời Lê-Trịnh được vẽ trên đồ sứ dành cho vua chúa sử dụng. Ông Sơn cho rằng đây là giai đoạn lịch sử có cái nhìn khá thoáng về vai trò của người phụ nữ trong xã hội mà chúng ta cần nghiên cứu thêm.

Quả thực, những người làm công việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc cổ như nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã có những đóng góp tuy âm thầm nhưng đáng kể. Giáo sư Trần Văn Khê có lần nói: “Họ chỉ cần làm sáng tỏ một vài chi tiết lịch sử, một câu thơ, một tích truyện… cũng đã giúp cho rất nhiều người, nhiều thế hệ hiểu đúng về những câu chuyện đã diễn ra trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Trần Đình Sơn là một trong số những người như thế”.

____________________________________

(*) ĐSKK: Đồ sứ ký kiểu là những món đồ sứ do vua chúa, quan lại thời Lê-Trịnh (1533-1788) và nhà Nguyễn (1802-1945) cho phác họa mẫu và đặt hàng cho các nhà làm đồ sứ cao cấp ở Trung Quốc thực hiện. Các đồ dùng bằng sứ ký kiểu cũng được phân biệt theo phẩm tước. Thời Lê-Trịnh cũng như nhà Nguyễn đều có quy định ĐSKK là hàng cấm chế tạo, cấm bán ra nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới