Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngỡ ngàng khi ứng dụng tích lũy chưa được cấp phép

Trịnh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát đi thông báo cảnh báo về các trang web, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,...) thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép đang khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ngỡ ngàng khi các ứng dụng này đã hoạt động nhiều năm và thường xuyên được truyền thông rộng rãi.

Sau khi đi làm một vài năm, tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện tiết kiệm và đầu tư, đó là khoảng vào năm 2018-2019. Tại thời điểm đó, chưa có nhiều sự lựa chọn cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ mới bắt đầu như tôi. Bên cạnh các hình thức tích lũy khá truyền thống như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng vật chất thì các sản phẩm đầu tư tài chính cũng chỉ còn phương án mua chứng khoán hoặc chứng chỉ quỹ mở. Đó là lúc tôi nhìn vào các ứng dụng tích lũy tài chính.

Tích lũy được một khoản nhỏ từ vài trăm ngàn đến một, hai triệu đồng mỗi tháng, nhìn chung ở thời điểm vài năm trước, việc tham gia vào thị trường tài chính với những nhà đầu tư nhỏ lẻ là điều khá khó khăn. Họ chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm để tham gia thị trường chứng khoán.

Chừng ấy tiền tiết kiệm mỗi tháng cũng không đủ để mua được một chứng chỉ quỹ mở - có giá khoảng 10 triệu tại thời điểm đó. Đó là chưa tính đến thủ tục để mua chứng chỉ quỹ mở tại thời điểm đó cũng khá phức tạp. Gửi ngân hàng cũng là một sự lựa chọn không quá hấp dẫn với lãi suất quanh mức 5-6%.

Không biết tích lũy vào đâu, nhưng các nhà đầu tư cũng hiếm khi giữ lại được khoản tiền này, vì khoản tiết kiệm “tí hon” này sẽ nhanh chóng tan biến vào những chi tiêu hàng ngày.

Sinh ra cho nhà đầu tư nhỏ lẻ

Các ứng dụng tích lũy cung cấp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ đúng thứ họ cần - tiếp cận được những sản phẩm tài chính với khoản tiền tiết kiệm “tí hon” của mình mỗi tháng, với thủ tục đơn giản.

Sẽ thật khó để nhà đầu tư nhỏ lẻ sở hữu 1 chứng chỉ quỹ, nhưng lại thật dễ dàng khi sở hữu 0,1 chứng chỉ quỹ này với giá 1 triệu đồng, thông qua các ứng dụng tích lũy. Không còn phải đau đầu chọn cổ phiếu hay quỹ mở nào để gửi tiền vào, nhà đầu tư có thể cùng lúc mua mỗi thứ một ít và linh hoạt chuyển đổi danh mục đầu tư chỉ với một vài thao tác ngay trên ứng dụng. Bản thân tên tuổi và uy tín của các quỹ là một sự bảo chứng cho khả năng sinh lời.

Còn ứng dụng tích lũy - theo những gì họ vẫn thông báo từ đầu - chỉ đứng ở vai trò trung gian kết nối và thu phí duy trì tài khoản. Những nội dung này đều được ghi rõ trong “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” được nhà đầu tư đọc và xác nhận ngay trên ứng dụng lúc mở tài khoản.

Nếu như với hình thức mua hộ, các ứng dụng phải công khai cơ cấu danh mục đầu tư, bao nhiêu phần trăm vào quỹ trái phiếu và quỹ cổ phiếu nào, bao nhiêu phần trăm mua chứng chỉ tiền gửi... thì hình thức tích lũy lại không rõ ràng như vậy.

Huy động dưới dạng gửi tiết kiệm với lãi suất cố định, theo như hợp đồng, phía công ty được toàn quyền sử dụng số tiền này cho việc đầu tư sinh lời, dựa vào kinh nghiệm và bí quyết riêng của công ty, và không cần trách nhiệm giải trình với nhà đầu tư.

Hoạt động công khai nhiều năm mới có cảnh báo

Theo như cảnh báo của UBCKNN mới đây, các ứng dụng đang lợi dụng hình thức này để huy động vốn của các nhà đầu tư, quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được Ủy ban này cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Điều này không khỏi khiến cho những người đã sử dụng các ứng dụng tích lũy nói trên trong nhiều năm cảm thấy ngỡ ngàng và bối rối.

Vấn đề ở đây là, mặc dù đã dùng các ứng dụng trên từ nhiều năm nay, nhà đầu tư không hề biết rằng hoạt động của các ứng dụng này chưa được UBCKNN cấp phép, trước khi có thông báo từ đơn vị này trong tuần vừa rồi.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, các hình thức huy động vốn trái phép thường có dấu hiệu đa cấp, hoạt động chui lủi và tìm cách tránh sự chú ý của truyền thông, tuy nhiên hoạt động của các ứng dụng tích lũy tài chính nhìn chung khá phổ biến.

Các ứng dụng này đều đã triển khai nhiều năm, được thảo luận công khai trên các diễn đàn và được giới thiệu bởi nhiều người nổi tiếng, trong đó có cả những “cá mập” có nhiều kinh nghiệm về đầu tư của chương trình Shark Tank Việt Nam. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư mặc định cho rằng các sản phẩm tài chính của công ty cũng đều là các sản phẩm được cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền.

Trở lại với lời cảnh báo của UBCKNN, các nhà đầu tư nhỏ lẻ chắc chắn sẽ có sự thận trọng hơn với các ứng dụng này trong thời gian tới, thậm chí có thể chuyển sang các hình thức tích lũy khác. Câu hỏi mà nhà đầu tư đang thắc mắc là: Vì sao sau nhiều năm hoạt động công khai thì đến nay các ứng dụng mới được UBCKNN phát giác và ra thông báo? Liệu còn có những hình thức huy động vốn nào vẫn đang hoạt động công khai nhưng chưa được phát hiện sai phạm không?

Theo thông tin từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các trang web, app giao dịch (Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF,…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Muốn người dân tuân thủ thì phải giúp họ hiểu biết pháp luật

Bất kỳ người bình thường nào cũng có thể nhận thức rằng, giết người, trộm cắp, cướp của, hiếp dâm… là hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, vấn đề hoàn toàn khác trong lĩnh vực tài chính nói chung, ngân hàng và chứng khoán nói riêng, vì sự phức tạp, khó hiểu cũng như sự mâu thuẫn, chồng chéo.

Vì vậy, muốn người dân tuân thủ pháp luật thì điều tối thiểu là phải làm cho họ hiểu biết những điều cơ bản nhất, để có thể phân biệt được cái gì là sai trái không được làm. Chẳng hạn, nếu chỉ yêu cầu cứ theo pháp luật chứng khoán mà làm, thì sẽ dẫn đến nhầm lẫn, rủi ro, chẳng biết đâu là đúng và cũng chẳng biết thế nào là sai.

Điều khoản 12.4, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định nghiêm cấm việc thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận hoặc chấp thuận (trước đó quy định tại điều khoản 9.5, Luật sửa đổi năm 2010).

Điều khoản 4.28, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và cung cấp dịch vụ về chứng khoán.

Điều khoản 86.1, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định: Dịch vụ về chứng khoán gồm các hoạt động nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác; cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh (trước đó là điều khoản 6.19, Luật Chứng khoán năm 2006).

Như vậy, kể từ tháng 7-2011 trở đi, nếu tổ chức, cá nhân nào chưa được UBCKNN cho phép mà có các hoạt động kinh doanh chứng khoán và dịch vụ về chứng khoán như trên là vi phạm quy định của Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ là rất khó khăn để phân biệt ranh giới được hay không được làm gì.

Cụ thể là vô cùng khó phân biệt giữa việc huy động vốn, cho vay vốn vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng, với việc được huy động vốn, cho vay vốn theo Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự. Hay phân biệt làm sao được giữa hoạt động đầu tư, hợp tác, kinh doanh chứng khoán, cung ứng giải pháp công nghệ liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh chứng khoán vi phạm Luật Chứng khoán, với việc hoạt động đầu tư, hợp tác, kinh doanh nói chung, chứng khoán nói riêng hoặc cung ứng giải pháp công nghệ, hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Nếu UBCKNN cảnh báo kịp thời các ứng dụng công nghệ từ hơn chục năm trước thì vấn đề đã khác, chứ cứ để cho quá nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhầm lẫn hoạt động công khai bình thường thì nói gì đến nhà đầu tư là những người dân thường.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải truyền thông, hướng dẫn, giải thích rất cụ thể, dễ hiểu để doanh nghiệp và người dân biết rõ ràng rằng mình được quyền làm gì, đồng thời không được làm những gì, để tránh việc vi phạm pháp luật.

Còn nếu chỉ yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì là điều “bó tay” đối với hầu hết mọi người, thậm chí nhiều chuyên gia am hiểu lĩnh vực cũng chẳng dễ gì phân biệt được.
LS. Trương Thanh Đức
Giám đốc Công ty Luật ANVI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới