Thứ ba, 17/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngồi nghe tiếng sông chiều

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Bên bến sông, chụp vài bức hình gửi bạn. Nhìn lục bình trôi, bạn nhắn tin nói “thương quá những cánh bèo”. Hóa ra sông êm đềm vắng lặng, lại có tiếng thì thầm dưới những chìm nổi rong rêu!

Rồi bỗng dưng lan man nhớ đến đoạn sông Vàm Thuật ngày xưa có một chiếc phà. Người sớm chiều qua sông gồng gánh bước lên. Mỗi vé 10.000 đồng. Chàng trai lái phà cởi trần, da nâu bóng lực lưỡng. Khi thấy tôi đưa máy lên chụp hình, nhảy xuống nói: “Thông cảm cho em, để em nói bà con mặc áo phao đã. Anh mà đưa lên báo khi em chưa kịp làm xong thủ tục này, thì em có chết!”. Tôi cười, vậy thì làm đi. Thực ra tôi chụp để kỷ niệm thôi, mai này có cầu bắc qua đây, mấy tấm hình này lâu lâu giở lại coi, cũng hay.

Một đoạn sông Sài Gòn, lục bình miên man líu ríu chiều xuống nước ròng.

Rồi chiếc cầu được xây dựng, bốn năm qua bao nhiêu lượt người xe không lo trễ chợ sớm chợ chiều. Một vùng rau trái hoa quả phía bên kia sông Vàm Thuật, từ vườn ở các quận 12, huyện Hóc Môn cũng chuyên chở qua chợ Gò Vấp và các ngôi chợ lân cận trước đây bằng phà, nay lại bằng chiếc cầu sắt ngoằn ngoèo: cầu An Phú Đông.

Nhưng ở dưới, lục bình vẫn dạt trôi khi con nước lớn hay ròng. Phía xa xa, ngôi miếu Nổi in bóng giữa dòng sông. Cái tên Phù Châu Miếu là tên gọi sách vở, nghe hay nhưng mỗi Tết mỗi rằm tự xa xưa đến bây giờ, người Sài Gòn thường xúi con cái hay rủ nhau một cách dân dã, đi miếu Nổi cầu phước, cầu duyên.

Sông Sài Gòn chảy qua biết bao phận người hàng trăm năm qua và có vài nhánh rẽ. Phía kinh Thanh Đa và phía sông Vàm Thuật. Nhánh chính hội tụ với sông Đồng Nai đổ về hai cửa Soài Rạp, Lòng Tàu rồi về với biển ra ngõ Cần Giờ. Giữa đôi bờ những lưu vực và các chi lưu ấy, người ta bám theo sông mà sống, mà hít thở, mà bán buôn. Nên chi, tôi hiểu khi nhìn đám lục bình vẫn trôi dạt muôn trùng ấy, người bạn đã liên tưởng bằng câu tin nhắn kể trên…

Góc quán Gió Chiều hay quán Bên Sông ở địa phận thành phố Thủ Đức, là đoạn sông mênh mang nhất. Nhìn ra buổi chiều nhuộm tím, sà lan thỉnh thoảng lặng lẽ ngược xuôi. Thi thoảng, lại thấy vài chiếc ghe thương hồ sơn đầu mũi hai con mắt cười cười, qua lại với trăm thứ hàng hóa đổi chác bán mua. Ấy là lúc sông xao động vỗ vào bờ làm nghiêng chao những chiếc phao của vài ngư phủ ngồi trên những chiếc ghe rất nhỏ nép vào bụi cây bình bát câu cá. Cứ tưởng cá kéo phao, ai dè…

Cảnh trí ấy, mỗi tháng tôi ngắm vài lần. Nhưng lạ một điều, mỗi lần lại nghe mơn man một trí tưởng khác nhau. Mà cũng phải, sông Sài Gòn có chiều dài chảy qua các vùng đất thành phố là 80 ki lô mét. Mỗi khúc eo thắt hay đoạn rộng phình ra, tùy lúc đất trời nắng mưa mà bồi lở khác nhau, nên cách chọn đoạn sông để vung tay chài tay lưới cũng khác nhau. Chế độ thủy triều là như nhất, song nơi nào nên dạng nên hình phường phố thì mớn nước sông cũng khác với nơi còn hoang vu cỏ dại.

Vậy là, cái sự “chèo chống” cho người dân mỗi dịp triều cường hay con nước xuống cũng quy định cho các nhà thiết kế xây dựng mỗi khu mỗi thửa phải khác nhau. Tiếc thay, bởi có lúc quên đi yếu tố thiên nhiên ấy, hay cố tình vi phạm bãi bờ, mà thành ra nhiều khi đường ngập, phố lụt.

* * *

Nhưng có đôi lúc tạm gác qua đời sống bộn bề với những câu chuyện có thể làm nhức mình nhức mẩy, mỗi khi ra đến bến sông, với ngọn gió lành thổi bay tóc rối, sẽ tìm thấy chút an nhiên. Tiếng sông chiều ngân vọng, bất cứ đoạn nào cũng là một khoảnh khắc ghi dấu thảnh thơi cho tôi và bao người.

Nghĩ, ai cũng không ngoại lệ với điều này, có phải vậy không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới