Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngóng chờ khách, đặt kỳ vọng vào những mùa tiếp theo

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Qua khỏi quí đầu tiên của năm 2023, các công ty du lịch lữ hành, nhà kinh doanh dịch vụ vẫn đang chờ đợi những kết quả mang tính "bùng nổ". Các báo cáo cho thấy, lượng khách nội địa vẫn đang tăng trưởng, thị trường khách châu Á quan tâm nhiều đến du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường khách châu Âu, châu Mỹ vẫn đình trệ, chờ những giải pháp mới giúp hanh thông hơn.

Thành phố biển vẫn là điểm đến hấp dẫn

Vào những tháng hè, biển là địa điểm du lịch nằm trong top đầu sự lựa chọn của du khách trong và ngoài nước. Đại diện Lữ hành Vietluxtour, bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc Tiếp thị - Truyền thông cho biết các tuyến Phú Quốc, Đà Nẵng, Côn Đảo, Đà Lạt… đang đứng đầu trong danh sách các tour được du khách ưa chuộng. Nhìn chung, bà Bảo Thu dự đoán thị trường quốc tế trọng điểm với du lịch Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm 2022 bởi các tuyến tham quan xuyên Việt, không thể thiếu nghỉ dưỡng biển ở các điểm như Phú Quốc, Đà Nẵng, thêm khu vực Đông – Tây Bắc.

Ghi nhận tại một khách sạn ở TP Vũng Tàu, người đại diện cho biết từ tháng 3 năm ngoái doanh nghiệp đã nhận thấy sự hồi phục mạnh mẽ. Lượng khách lưu trú tăng 200% tại Ibis Styles Vũng Tàu và 150% tại Mercure Vũng Tàu so với năm 2020. Hiện tại, lượng khách chủ lực của Vũng Tàu vẫn là khách hàng nội địa, phần lớn đến từ TPHCM và các khu vực lân cận.

Khách du lịch tắm biển tại TP Vũng Tàu trong một kỳ nghỉ lễ. Ảnh: Tư liệu

Về doanh thu và công suất phòng tại hai khách sạn tăng trưởng khá ổn định, tuy nhiên quý I năm 2023 chứng kiến sự giảm phát du lịch tại Vũng Tàu do một số yếu tố ảnh hưởng tới du khách nội địa. Các địa điểm du lịch khác đang có rất nhiều chương trình khuyến mại với dịch vụ tốt, thêm vào đó giá vé máy bay hợp lý nên khách hàng lựa chọn bay tới những điểm xa hơn.

Riêng về thị trường khách quốc tế cũng có cải thiện, đáng chú ý là lượng khách Ấn Độ và Malaysia tăng lên trong thời gian gần đây. Ngoài ra khách du lịch từ các quốc gia khác cũng bắt đầu quay trở lại. Vũng Tàu là một thành phố biển cạnh TPHCM nên thời gian lưu trú của khách thường ngắn từ 1-2 đêm và chủ yếu rơi vào ngày cuối tuần nên công suất của các ngày trong tuần và cuối tuần cũng có sự khác biệt, bà Thạch Ngọc Thùy Linh, giám đốc kinh doanh cụm khách sạn ibis Styles và Mercure Vũng Tàu nhận định.

Trước mắt, các điểm đến có bãi biển đẹp như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn sẽ thu hút trọng điểm khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Thêm vào đó dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ cũng được nhiều người chú trọng trong thời gian tới.

Thời gian tới, để kích cầu cho thị trường du lịch, các cơ sở lưu trú dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cần đưa ra các gói khuyến mãi, kiện toàn về dịch vụ nhằm đảm bảo chất lượng và tăng độ hài lòng của khách hàng, thêm tính cạnh tranh của mình trong thị trường. “Hy vọng tới cuối năm 2023 thị trường khách du lịch tới Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn và hồi phục lại như trước dịch vào năm 2024”, bà Thùy Linh phấn khởi nói.

Chờ đợi loạt giải pháp kích cầu khách quốc tế

Dù đã mở cửa du lịch gần một năm nay, tuy vậy, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa Image Travel & Events, ông Nguyễn Ngọc Toản chung tâm trạng với nhiều  đơn vị khác. Ông cho rằng du lịch đã đủ điều kiện để quay lại như trước nhưng con số tăng trưởng chưa như mong đợi. Hiện khách Việt vẫn chuộng lựa chọn các tour nước ngoài tầm trung như Nhật, Hàn, Đài Loan, tour Châu Âu khá hấp dẫn vào mùa hè năm ngoái, tạm lắng vào mùa đông và có lẽ sẽ lại khởi sắc vào mùa hè tới.

Du khách quốc tế tham quan trải nghiệm tại Việt Nam. Ảnh: Image Travel & Events

Lý giải về nhận định trên, ông giải thích vấn đề lớn nhất hiện nay dẫn khách đi tour quốc tế là thị thực (visa) vào các nước này. Ông chia sẻ tình hình nhiều khách bỏ đoàn ở các tour trước đây nên đại sứ quán siết chặt các thủ tục. Gần đây nhất là vấn đề bỏ hộ khẩu, ảnh hưởng đến việc xin các giấy chứng nhận cư trú. Thủ tục trở nên quá phức tạp cho người đi du lịch.

Tại công ty Image Travel & Events, doanh nghiệp đã phục hồi tùy theo mảng. Ở mảng khách lẻ, khách gia đình, sáu tháng đầu năm dự tính phục hồi 90%, nhưng mảng khách đoàn chỉ phục hồi được 30% của cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Toản, từ góc nhìn doanh nghiệp, hàng không đang thiếu chuyến bay giá tốt cho các chặng nối Á Âu cũng như Á Mỹ. Các kế hoạch bay của hãng hàng không cũng không được thiết lập trước một năm như trước đây nên khó có sự liên kết với hãng lữ hành để bán đoàn. Nhưng mảng khách gia đình nhóm nhỏ lại phát triển tốt vì khách có thể quyết định nhanh, trong vòng một đến hai tháng có thể chốt được. Họ còn có một tâm lý là tranh thủ du lịch khi Việt Nam còn ít khách Trung Quốc, ít khách Nga, để có thể tận hưởng yên bình tốt hơn nên họ sẵn sàng trả giá vé cao để được đi Việt Nam sớm.

Ông Toản nói “Tới thời điểm hiện tại với thông tin khách Trung Quốc trở lại nên có sự chững lại. Thời điểm mùa thu sẽ phục hồi cả khách đoàn vì tôi dự đoán rằng các hãng hàng không tăng chuyến trở lại từ hè này. Và các hãng du lịch có thời gian để hợp đồng vé đoàn với hãng hàng không. Cũng như chờ đợi các chính sách visa tốt hơn vào tháng 6 năm nay từ chính phủ”.

Nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn ở Việt Nam thêm nhiều trải nghiệm mới sau dịch Covid-19. Ảnh: Image Travel & Events

Đại diện Image Travel & Events cũng dự đoán các điểm đến mà khách châu Á yêu thích sẽ phục hồi nhanh hơn, như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Sapa. Điều này tương ứng với xu hướng tạm thời của hậu Covid-19 là du lịch gần mà khách châu Á đang nhắm đến. Còn hành trình mà khách châu Âu, châu Mỹ, Úc, yêu thích thì sẽ phục hồi chậm hơn, chờ các chuyến bay dài nhiều hơn và giá mềm hơn. Các vùng rừng núi Đông Tây Bắc, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên… sẽ phục hồi vào cuối năm và 2024.

Trong quý I và II năm nay, Vietluxtour đã ký được rất nhiều hợp đồng khách du lịch đoàn thể, công ty với lượng khách từ 500 - 2000 khách/đoàn, tập trung nhiều ở khối khách tập đoàn, công ty nước ngoài, liên doanh, nội địa các ngành sản xuất, ngân hàng, dược phẩm. Dự kiến trong quý III, Vietluxtour sẽ tiếp tục đưa ra dòng sản phẩm du lịch cao cấp MICE để phục vụ cho phân khúc khách đoàn có nhu cầu chuyên biệt hơn về dịch vụ.

Bên cạnh chờ đợi những chính sách mới từ phía chính quyền, các doanh nghiệp cũng tự thân phát triển dịch vụ, thêm đa dạng lựa chọn, khuyến mãi đặc biệt cho khách hàng trải nghiệm khi đến với điểm du lịch ở Việt Nam. Tại khách sạn ở Hội An, ông Nguyễn Văn Thắng, giám đốc khối phòng Bellerive Hội An cho hay với lượng khách Việt chiếm tỉ lệ khoảng 40%, tập trung khách Đài Loan, Hàn Quốc khoảng 20%, khách phương Tây 10%, khách sạn đầu tư thêm dịch vụ spa, phát triển những gói điều trị, chăm sóc tinh thần lẫn thể chất, lên menu chay, bữa ăn đa dạng theo xu hướng thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, các tour khám phá trải nghiệm đồng quê, hoạt động làng nghề, thủ công, thiên hướng du lịch xanh cũng tăng dần, đem đến cảm giác thư thái và lành mạnh cho khách hàng tập trung nghỉ dưỡng. Nhìn chung, tệp khách chịu chi cho các dịch vụ tiện ích vẫn là khách Âu, Hàn Quốc.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần được chú trọng tại Bellerive Hội An. Ảnh: Bellerive Hội An

Hiện tại khách sạn đã có lượng khách đặt trước phòng đến tháng 6,7, khách ở dài ngày đến tháng 12 năm nay, tháng 1 năm sau cũng có. Với đà hồi phục này, ông hy vọng khách du lịch từng đến Việt Nam sẽ cởi mở hơn sau dịch. Các công ty du lịch lữ hành cũng tìm kiếm, hợp tác với nhiều thị trường khách quốc tế khác, từ đó doanh nghiệp khách sạn mới thêm cơ hội làm ăn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới