(KTSG Online) - Ngư dân các làng biển khu vực miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam đã tổ chức lễ cầu ngư và ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm mới 2024.
- Nhiều lễ hội mùa xuân được tổ chức ở các địa phương
- Hàng ngàn du khách ‘mở hàng’ du lịch Việt Nam đầu năm Giáp Thìn
Theo Baochinhphu.vn, tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hôm 16-2 đã diễn ra lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm 2024. Xã Bình Châu có khoảng 1.700 lao động chuyên làm nghề biển. Nhiều ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng công suất tàu thuyền để ra khơi đánh bắt hải sản
Cũng theo bản tin này, đại diện UBND xã Bình Châu cho biết xã có 495 tàu thuyền, còn lại là một số thuyền nhỏ hoặc thúng nan. Toàn xã có 236 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tổng sản lượng khai thác đánh bắt trong năm 2023 đạt 21.000 tấn.
Trước đó, tại cửa biển Sa Huỳnh, ngư dân phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức lễ ra quân nghề cá đầu xuân. Sau khi phát lệnh và gióng lên hồi trống lệnh ra quân, đoàn tàu cá của ngư dân địa phương đã lần lượt vươn khơi.
Năm 2024, phường Phổ Thạnh đặt mục tiêu khai thác trên 65.000 tấn hải sản các loại. Ngư dân sẽ tiếp tục thành lập các tổ đội tự quản nhằm hỗ trợ lẫn nhau khi gặp sự cố trên biển cũng như nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.
Ở Quảng Nam, sáng 15-2, tại thôn An Hải Tây, xã Tam Quang đã có lễ hội cầu ngư và nghinh thần Nam Hải. Đây là lễ hội lớn nhất của ngư dân, là tín ngưỡng đặc trưng về văn hóa tâm linh của ngư dân ven biển.
Huyện Núi Thành đang có hơn 400 tàu thuyền có công suất trên 90 CV đánh bắt xa bờ, trong đó xã Tam Quang có 200 tàu thuyền. Năm 2023, sản lượng đánh bắt hải sản của xã Tam Quang đạt hơn 18.000 tấn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 20 đến 22-2, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng; riêng khu vực phía tây của Bắc Trung bộ có nơi nắng nóng.
Ngoài ra, theo TTXVN, từ tháng 3 đến tháng 5-2024, trên biển Đông ít có khả năng xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trên đất liền, trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3-2024, tình trạng rét đậm, rét hại có thể xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía bắc; hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc bộ xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 6 đến tháng 8-2024, khu vực Bắc bộ và Trung bộ, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.