(XUÂN KTSG) - Nhật Bản là một trong số những nhà đầu tư đến Việt Nam dành tận tâm, tận lực với đất nước này.
- Mang Tết về nhà năm 2023 trên chuyến bay quốc tế Nhật Bản – Việt Nam
- Nhật Bản hỗ trợ Hội An tu bổ di tích Chùa Cầu
Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986, một trong số các đổi mới quan trọng là mở cửa hội nhập thế giới với mong muốn “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, kể cả với những quốc gia có thể chế chính trị khác biệt”.
Nhưng chỉ từ năm 1993, các nhà đầu tư nước ngoài mới bắt đầu có những bước đi đầu tiên đến nước ta, sau khi Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cho phép các công ty nước này có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ (ngày 14-12-1992).
Không lâu sau đó, các đối tác nước ngoài bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam và có những bước thăm dò thị trường.
Doanh nghiệp từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc là những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam năm 1993, trong khi đó các nhà đầu tư Nhật Bản lại không vào ngay với mục đích kinh tế, mà họ có những bước thăm dò thận trọng về chính trị và xã hội Việt Nam.
Các nhà đầu tư Nhật Bản có phần nghi ngại về thái độ của người dân Việt Nam vì trong quá khứ quân đội Nhật Bản từng có thời gian chiếm đóng Việt Nam và can dự vào nạn chết đói năm 1945, do vậy những người đầu tiên đến Việt Nam là các tổ chức từ thiện, văn hóa, giáo dục.
Người Nhật đến Việt Nam muộn hơn so với một số đối tác khác, nhưng sự đóng góp của họ vào kinh tế, văn hóa, giáo dục là vô cùng lớn lao. Họ đóng góp không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà hơn thế nữa tinh thần võ sĩ đạo “Samurai” của họ là mẫu hình của sự tử tế và luôn giữ chữ tín.
Một trong những hoạt động đầu tiên là Hội thảo khoa học quốc tế về đô thị cổ Hội An (1990), và tổ chức đầu tiên đến Việt Nam là Trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Chiêu Hòa là niên hiệu của Nhật hoàng Hirohito.
Ngài là cháu nội của “Người vĩ đại” Minh Trị) đến Hội An năm 1992, sau đó là các hội thảo về khả năng hợp tác Việt - Nhật tổ chức tại Hà Nội và TPHCM, tiếp sau đó là các giáo sư, sinh viên từ các trường đại học khác đến Việt Nam như là một kiểu “ném đá dò sông”.
Năm 1992, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam và các gói hỗ trợ về đào tạo, huấn luyện kỹ thuật. Gói viện trợ không hoàn lại đầu tiên là nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Chợ Rẫy (bệnh viện này được Nhật Bản xây dựng năm 1974). Những công ty đầu tiên của Nhật đến Việt Nam ở phía Bắc như Vĩnh Phúc vào năm 1996, và sau đó mới đến Bình Dương và TPHCM.
Tính đến cuối tháng 11-2022, Nhật Bản đứng thứ 3 về vốn trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 64 tỉ đô la Mỹ và thứ 2 về số lượng với 4.792 dự án. Có thể nói hầu hết các công ty có tên tuổi của Nhật Bản đều có mặt ở Việt Nam như Honda, Yamaha, Nikon, Canon, Ajinomoto, Mitsubishi, Panasonic, Kubota, Isuzu,…
Nhật Bản đã để lại dấu ấn tại Việt Nam qua hàng chục công trình tầm cỡ khu vực và trên thế giới như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Vân Phong, cầu hữu nghị Nhật Tân, nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hầm Hải Vân, cầu Cần Thơ…
Còn ở TPHCM, người dân biết đến các công trình của Nhật Bản như hầm Thủ Thiêm, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), đại lộ Đông - Tây, chuỗi siêu thị Aeon,… Hiện nay ở TPHCM có 13.000 người Nhật sinh sống và đã hình thành các khu phố Nhật Bản ở Thái Văn Lung - Lê Thánh Tôn, Thảo Điền,…
Những con số và sự kiện trên đây phản ánh một điều, đó là Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy của Nhật Bản, nhưng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp, các tổ chức và nói chung là người Nhật đã chiếm được lòng tin, sự kính trọng của người dân Việt Nam.
Nhật Bản là một trong số những nhà đầu tư đến Việt Nam dành tận tâm, tận lực với đất nước này. Vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam không chỉ nhiều nhất, với hầu hết là dành cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà qua chương trình hỗ trợ người Nhật còn giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến.
Trong tất cả các dự án người Nhật đầu tư vào Việt Nam, dưới mọi hình thức, họ đều mang đến những công nghệ và kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất, thậm chí có những kỹ thuật còn chưa sử dụng ở Nhật Bản.
Các chuyên gia Nhật Bản không giấu bí mật nghề nghiệp nào từ kỹ thuật đến vận hành và quản lý, bảo trì.
Những công nghệ tích hợp, những kỹ thuật thi công phức tạp, vận hành máy móc hiện đại ở công trình cầu Cần Thơ, cầu Nhật Tân, hay kỹ thuật khoan hầm Hải Vân, hầm Thủ Thiêm, đường ngầm dưới lòng đất Bến Thành - Ba Son… đều được các kỹ sư, công nhân tay nghề bậc cao Nhật Bản chuyển giao ngay cho các kỹ sư và công nhân Việt Nam một cách trung thực, nhiệt tình và minh bạch đến khi các kỹ sư Việt thành thạo mới thôi. Họ luôn hoàn thành các cam kết về tiến độ và quy trình kỹ thuật.
Ngay ở trong các trường đại học cũng như thế, nếu phía Nhật Bản cam kết về tài chính, thời gian, sản phẩm, nhân lực thì phía Việt Nam hầu như không cần phải kiểm tra, đôn đốc.
Nhật Bản là một trong số những nhà đầu tư đến Việt Nam dành tận tâm, tận lực với đất nước này. Vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam không chỉ nhiều nhất, với hầu hết là dành cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà qua chương trình hỗ trợ này người Nhật còn giúp Việt Nam có cơ hội tiếp cận được với những công nghệ và kỹ thuật tiên tiến.
Không chỉ trong làm ăn mà trong quan hệ xã hội các doanh nghiệp Nhật Bản luôn giữ chữ tín, cho đến nay hầu như không có một cuộc đình công hay phản ứng tập thể ở các công ty Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam.
Các chủ doanh nghiệp chăm lo cho công nhân khá chu đáo. Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung I (thành phố Thủ Đức) là một trong những nhà đầu tư FDI đầu tiên thuê gần 9.500 mét vuông đất để xây nhà lưu trú công nhân với mức đầu tư khoảng 4 triệu đô la Mỹ và hàng năm công ty bỏ ra khoảng 240.000 đô la để vận hành và “bao” trọn gói từ tiền trọ, điện, nước cho hơn 1.000 công nhân và gia đình của họ.
Trong làm ăn, đôi khi có những rủi ro không mong muốn, năm 2007, sự cố cầu Cần Thơ xảy ra làm nhiều người chết và bị thương, phía Nhật Bản đã nhận toàn bộ trách nhiệm về mình và ngoài việc khắc phục hậu quả trong thời gian diễn ra sự cố họ còn hỗ trợ kinh tế cho con em những người bị chết, bị thương sinh sống và học tiếp cho đến khi trưởng thành.
Thế hệ con cháu của những người xấu số trong vụ sập cầu ấy rất buồn, nhưng họ không giận người Nhật, vì họ đã làm trọn vẹn tình nghĩa. Các đại sứ, lãnh sự quán Nhật Bản mỗi khi đến nhận nhiệm sở tại Việt Nam đều thu xếp đến viếng cũng như tới đặt vòng hoa và thắp hương tại đài tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong sự cố sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ vào tháng 9-2007.
Nhiều đoàn kỹ sư Nhật Bản và Việt Nam đã đến chùa Bồ Đề (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) để thắp hương tại bia tưởng niệm 55 nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ.
Người Nhật đến Việt Nam muộn hơn so với một số đối tác khác, nhưng sự đóng góp của họ vào kinh tế, văn hóa, giáo dục là vô cùng lớn lao. Họ đóng góp không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà hơn thế nữa tinh thần võ sĩ đạo “Samurai” của họ là mẫu hình của sự tử tế và luôn giữ chữ tín.
Sau gần 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973), Nhật Bản đã làm rất nhiều cho chúng ta, nhưng thật ngạc nhiên là chưa có nơi nào trên đất nước này có địa danh, công trình nào mang tên một nhân vật hay sự kiện nào của Nhật Bản. Đã từng có đề xuất đặt tên một đường phố ở Lạng Sơn nơi mà nhà báo người Nhật Bản Ishao Tacano hy sinh trong chiến tranh phía Bắc năm 1979.
Mới đây, các chuyên gia TPHCM đề nghị đặt tên quảng trường trước cửa nhà hát lớn thành phố là quảng trường Việt - Nhật để ghi công sự đóng góp của họ cho tuyến Metro số 1, và gần nhất là dư luận mong muốn một đường phố đẹp ở Hà Nội mang tên cố Thủ tướng Shinzo Abe, người bạn lớn và đóng góp rất nhiều cho Việt Nam. Nhưng tất cả chỉ là ý kiến của xã hội và các nhà khoa học.
Nói đầu tư của Nhật Bản ở VN là tận tâm, tận lực với đất nước mình có đúng không? Nhật Bản lấy được đất đai rẻ tiền, thuê được lao động rẻ tiền; dùng sản phẩm lắp ráp tại VN lấy nhãn hiệu Nhật; được hưởng thuế rẻ. Ở Tây Âu họ nhìn nhận đầu tư của Nhật và Hàn Quốc khác. Họ “sợ Nhật và Hàn Quốc”, chứ không khen. Có người lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cảm thấy buồn mà nói GDP của VN phần quan trọng nhất là từ đầu tư FDI (Nhật, Hàn Quốc), Việt Nam mới làm được việc lắp ráp, làm ốc vít và đóng gói. Tư bản Nhật, Hàn Quốc “thích vào VN” cũng là do quy luật thị trường, có lợi nhiều thì họ vào chứ có “tận tâm, tận lực với VN đâu”, họ có tận tâm phanh phui cho ta hết đâu.
Trả lời tới Lê Mai: Không ai cho không ai cái gì đúng không bạn. Những điều bạn nói đúng nhưng mà bạn phải hiểu công của họ đóng góp cho công cuộc hội nhập vào thế giới của Việt Nam là không nhỏ. Bài viết trên bạn nên hiểu rõ là họ muốn nói là so sánh giữa các đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì Nhật Bản họ thành tâm vào công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam hơn cả so với các nước khác bạn ạ. Còn điều bạn nói ai cũng hiểu được là 1 doanh nghiệp làm ăn không có lợi nhuận sao mà họ sống và tồn tại nổi.
Mọi cuộc chơi đều có cái giá của nó. Quan trọng là ta phải biết lựa chọn, sau đó là chấp nhận hay không mà thôi. Có những người, trước đây là cựu thù, nhưng nay lại thân thiết hơn anh em một nhà. Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai. Không mặc cảm tự ti nhưng cũng không bao giờ ăn mày dĩ vãng. Lợi ích thì ai cũng muốn, doanh nghiệp nào cũng vậy, nhưng đằng sau đó giữa ta và đối tác có để lại một tấm lòng hay không, mới là điều cần phải biết đánh giá và cảm nhận đúng đắn. Trong mọi tình huống, nếu đã là chủ nhà, thì mình phải biết làm chủ cuộc chơi. Vui lòng khách đến, hài lòng khách đi. Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Đó mới là thượng sách.