(KTSG Online) - Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm đang chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho thị trường dịp tết. Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm cũng phải tính toán kỹ lưỡng.
Tại các địa phương tỉnh Đồng Nai, ghi nhận từ TTXVN, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thông tin hiện giá heo hơi bán tại các trại chăn nuôi dao động từ 55.000-58.000 đồng/kg. Giá bán ra các loại heo non có trọng lượng dưới 80kg/con và heo mỡ trên 140kg dao động dưới 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất 1kg heo hơi tăng lên mức 55.000 đồng/kg, chưa kể trường hợp đàn heo tăng trưởng không tốt hoặc hao hụt vì dịch bệnh. Vì vậy, người chăn nuôi muốn mở rộng tái đàn cũng phải tính toán kỹ.
Tại Long An, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh lo ngại, dè chừng khi tái đàn. Theo Baolongan.vn, giá heo hơi hiện đang ở mức 60.000-62.000 đồng/kg. Và nhiều hộ nông dân, trang tại chăn nuôi vẫn giữ số lượng và không dám tăng đàn như mọi năm, thậm chí giảm số lượng. Có hộ chuyển từ bán sỉ sang bán lẻ để tiêu thụ từ từ.
Baothainguyen.vn đưa tin, đại diện Hợp tác xã (HTX) gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Thái Nguyên), cho biết dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm 2023, HTX cung cấp cho thị trường 20 nghìn con gà ri, với trọng lượng trung bình 2kg/con. Hiện, HTX vẫn duy trì số lượng gia súc, gia cầm ổn định và quy mô như mọi năm.
Còn ở Phú Yên, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, hiện tổng đàn trâu, bò của tỉnh có hơn 171.900 con; đàn heo tiếp tục phát triển với số lượng 120.000 con; đàn gia cầm 4,3 triệu con. Thời điểm cuối năm, người chăn nuôi tập trung sản xuất vụ Tết nên khả năng đàn gia súc, gia cầm nhưng chỉ mang tính thời vụ, không ổn định.
Nguyên nhân chính khiến nhiều hộ kinh doanh chăn nuôi e ngại, ít tăng đàn là do giá gia súc, gia cầm biến động giảm ảnh hưởng tâm lý người nuôi. Một phần biến động giá của đồng đô la Mỹ tác động vào giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Thêm vào đó, thời tiết bất lợi, dễ xảy ra rủi ro về dịch bệnh. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 6-10-2022, hồ sơ kiểm dịch đối với heo vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh với mục đích làm giống, giết mổ phải có thêm kết quả xét nghiệm đối với bệnh dịch tả heo châu Phi nên người chăn nuôi e ngại đây sẽ là một khoản chi làm tăng chi phí sản xuất trong chăn nuôi.
Vừa qua, theo thông tin của Sở Công Thương TPHCM, lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho dịp Tết Quý Mão 2023 dự kiến đạt gần 40.000 tấn. Trong đó, có 5.603 tấn thịt gia súc, thịt gia cầm 8.481 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả…
Dù lo ngại giá thành sản xuất có biến động nhưng các trang trại chăn nuôi vẫn có thể cung ứng được nguồn thịt cho người tiêu dùng ổn định, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, tỉnh Đồng Nai là địa phương cung ứng thịt gia súc, gia cầm lớn nhất cả nước. Hiện, tổng số lượng đàn heo đạt 2,56 triệu con (tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, tổng sản lượng thịt heo hơi cung ứng ra thị trường trong gần 10 tháng qua ước đạt 370.000 tấn (tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021).
Theo TTXVN, Cổng thông tin địa phương