Thứ Bảy, 30/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người chạy xe ba bánh bế tắc hướng đổi nghề  

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người chạy xe ba bánh bế tắc hướng đổi nghề  

“Già như tôi, không chạy xích lô nữa thì biết làm gì?”, ông Lê Hà Tâm, 50 tuổi, chạy xích lô ở khu phố Tây Phạm Ngũ Lão bày tỏ – Ảnh: THUẬN HIẾU

(TBKTSG Online) – 4 giờ sáng mỗi ngày, anh  Nguyễn Văn Nhiệm quê ở Thái Bình phải dậy để đến vựa trái cây lấy chuối mang về bán dạo bằng xe ba gác tới 10 giờ đêm mới về nhà. Cả 2 năm qua anh chưa được về quê ăn Tết. 

Năm nay, Tết đã gần kề nhưng con đường về quê càng mù mịt hơn khi mà “chiếc cần câu cơm” của anh sắp bị cấm lưu hành.

Chỉ còn ít ngày nữa, ngày 1-1-2008 tới đây, anh Nhiệm sẽ không còn đi bán dạo trái cây bằng xe ba gác sau khi quyết định cấm xe ba bánh tự chế lưu thông trong thành phố sẽ có hiệu lực. Không chỉ anh, mà cả TPHCM có tới khoảng 60.0000 người sống bằng phương tiện này, số phận của họ rồi sẽ đi về đâu?  

Vất vả mưu sinh  

Khi đường phố còn thưa thớt, anh Nhiệm đạp xe ba gác đầy chuối của mình rong ruổi qua từng con phố, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm rao bán chuối đến tận 10 giờ tối mới trở về nhà. Ngày nào nhiều, anh kiếm được trăm nghìn, ngày nào bán ế, chỉ được vài chục. Trả tiền thuê nhà, tiền ăn, mỗi tháng anh cũng dành dụm được mấy trăm nghìn gửi về cho gia đình.

Cuộc sống ở quê quá khó khăn, hai năm trước, anh Nhiệm quyết định vào Sài Gòn, mua một chiếc xe ba gác làm phương tiện hàng ngày đi bán chuối dạo để có tiền gửi về quê cho vợ con. Giờ cấm xe ba bánh lưu hành trong thành phố, anh lo lắng: “Tôi cũng chưa biết sẽ xoay xở ra sao sau khi nhà nước cấm tôi đạp xe ba gác. Nghề nghiệp thì không có, đi làm phu hồ thì không đủ sức khỏe. Tôi cần kiếm tiền gửi về quê để các con tôi có thể đến trường như bạn bè”.  

Không chỉ anh Nhiệm hoang mang, ông Lê Hà Tâm ở quận 1 cũng đang lo lắng sắp tới sẽ sống bằng nghề gì. Ở tuổi 50, ông đã chạy xe xích lô gần 20 năm. Từ ngày Honda ôm ra đời và trở thành phương tiện di chuyển thông dụng của nhiều người, nghề đạp xích lô của ông đã nhiều phen lao đao. Khách đi xích lô ít hẳn, chỉ còn vài người già và mấy ông Tây nên ngày nào nhiều cũng chỉ kiếm được bảy, tám chục nghìn, ngày nào ít chỉ bốn năm chục, thậm chí có ngày ế không kiếm được đồng nào.  

Sáng sớm, từ 7 giờ sáng ông Tâm đã đưa xe ra góc đường Phạm Ngũ Lão ngồi chờ khách và đến tận 11-12 giờ đêm mới trở về nhà. Giờ cái công việc vất vả như thế ông cũng sắp chẳng còn cơ hội mà làm. Ở tuổi 50, thật khó để thích nghi với sự thay đổi và bắt đầu với một công việc mới.  

“Chưa biết sống thế nào, kệ nó đến đâu thì đến” là câu trả lời của hầu hết những người đang sử dụng phương tiện xe ba gác, xích lô- hai loại xe ba gác phổ biến ở thành phố- để mưu sinh. Sắp đến giờ G nhưng mọi người vẫn chưa tìm ra một lối thoát cho cuộc sống tương lai của mình.  

Rồi lấy gì gom rác, lấy gì chở đồ?  

Rồi đây lấy đâu ra xe ba gác đi vào các hang cùng ngõ hẻm gom rác cho người dân-Ảnh: THUẬN HIẾU

Đó là câu hỏi băn khoăn của rất nhiều người khi nghe nhà nước cấm lưu hành xe ba gác trong thành phố. Bà Lê Thị Hòa ở Gò Vấp bày tỏ: “Tôi thấy rác ở thành phố hiện nay đều được thu gom từ xe ba gác. Cấm xe ba gác lưu hành rồi thì lấy phương tiện nào để thu gom? Không khéo thành phố lại ngập trong rác vì không có phương tiện vận chuyển mất”.  

Anh Trần Văn Thanh ở Gò Vấp cho biết: “Cha con tôi đã làm công việc gom rác từ mấy năm nay bằng xe ba gác. Giờ cấm xe ba gác, chưa biết phải làm thế nào. Tôi cũng nghĩ đến việc mua một chiếc xe tải nhỏ để tiếp tục công việc. Nhưng lấy đâu ra tiền mà mua? Chắc phải bỏ nghề quá!”.  

Quả thật, đã từ lâu, xe ba gác trở thành một phương tiện vận chuyển rất hữu dụng. Sở dĩ như vậy vì nó có lợi thế là nhỏ, gọn có thể len lỏi được vào các ngõ ngách, giá cước lại rẻ hơn so với xe tải rất nhiều. Với lại: “Chả lẽ có mấy bao xi măng cũng kêu xe tải chở? Chở bằng xe máy thì phải mất nhiều chuyến, chỉ có ba gác là tiện nhất. Giờ cấm rồi, chúng tôi lấy đâu ra phương tiện vận chuyển?”, chị Lan  ở Phú Nhuận bày tỏ. Không chỉ chị Lan, chị Ngọc ở chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp cũng đồng tình: “Mỗi lần đi lấy hàng trên chợ Tân Bình, tôi đều thuê xe ba gác chở. Giờ cấm xe ba bánh lưu thông, những người chạy xe mất việc khổ đã đành, chúng tôi cũng khổ lây”.

Hãy giúp đỡ chúng tôi!    

Đó là lời kêu cứu của nhiều người đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc cấm xe ba bánh tự chế lưu thông. Họ cần sự giúp đỡ từ phía nhà nước để có thể chuyển hướng công việc. Ông Thành quê ở Nghệ An đang chạy xe ba gác máy tại TPHCM bức xúc: “ Khi đưa ra quyết định cấm, mấy ông nhà nước có quan tâm số phận của chúng tôi rồi sẽ thế nào không? Lấy mất phương tiện sinh sống thì chúng tôi chỉ có nước ra đường. Ít ra cũng phải hỗ trợ để chúng tôi có hướng làm ăn mới chứ!”.  

Khi được hỏi đã có cơ quan, tổ chức nào thông báo cho biết lệnh cấm lưu hành xe ba bánh và hứa hẹn giúp đỡ gì chưa, tất cả mọi người đều nói  đọc báo thì biết thôi chứ chưa được thông báo chính thức. “ Đọc báo tôi cũng nghe nói nhà nước có hỗ trợ nhưng chỉ vài ngày nữa lệnh cấm có hiệu lực mà tôi có thấy gì đâu. Nếu giúp đỡ, không giúp từ bây giờ thì còn chờ đến khi nào?”, ông Lê Hà Tâm chạy xích lô ở quận 1 bày tỏ.  

Nguyện vọng của mọi người là được nhà nước hỗ trợ vốn để họ có thể chuyển hướng làm ăn. Anh Trần Văn Lâm quê Quảng Bình mong muốn được vay vốn rồi mua một chiếc xe máy để  có thể chuyển sang nghề chạy xe ôm. Nhưng anh lo lắng: “Chắc chẳng hy vọng được vay vốn đâu vì chúng tôi là dân nhập cư, thuê nhà để sống thì lấy gì thế chấp mà vay tiền?”.  

Và giờ G đã gần kề nhưng những người sinh sống bằng phương tiện xe ba bánh vẫn chưa biết phải làm gì để kiếm sống. Đằng sau 60.000 xe ba gác, xích lô là 60.000 hộ gia đình mà đa phần họ là dân nghèo, nhập cư.

Đề xuất cho lưu hành xe ba gác thêm 6-9 tháng

THUẬN HIẾU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới