Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người chết và mất tích tăng từng giờ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người chết và mất tích tăng từng giờ

Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt – Ảnh: VNN

(SGTO) – Đã có 60 người chết và 10 người mất tích do lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương tính sơ bộ tới 17 giờ chiều 6-11.

Cũng theo cơ quan này thì thiệt hại về người còn tiếp tục tăng nhanh bởi tuy nước lũ đang xuống nhưng chậm, vẫn còn ở mức cao.

“Số người chết và mất tích tăng từng giờ, từng ngày”, ông Bùi Nguyên Hồng, Phó văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, nói với SGTO.

Theo ông, do nước lũ còn chia cắt nhiều huyện, xã nên thiệt hại về người chỉ tính ở những nơi đang liên lạc được; chưa có thống kê các huyện miền núi, vùng sâu.

Ông Hồng nói thêm, trong 2-3 ngày tới, tức từ ngày 8-11, mức nước sông dải đất miền Trung, từ Quảng Bình tới Bình Thuận và Tây Nguyên chưa kịp rút xuống về mức bình thường thì phải lên lại do ảnh hưởng của bão Peipah.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, chiều nay, bão Peipah đã ở đông bắc biển Đông và di chuyển chậm lại, mỗi giờ chỉ di chuyển 10 kilômét và tăng tốc độ gió giật từ cấp 11 hôm qua, lên cấp 12, giật trên cấp 13, tức từ 118 đến 133 kilômét một giờ. Cấp 12 là cấp bão mạnh nhất và nguy hiểm nhất theo tiêu chuẩn của Việt Nam.

Dự báo tới trưa ngày 8-11, bão Peipah sẽ vượt qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Trung từ Huế cho tới Bình Thuận, với tầm ảnh hưởng có bán kính 300 kilômét kể từ tâm bão.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương, hôm nay trực tiếp chỉ huy phòng chống bão Peipah ở các tỉnh từ Quảng Nam tới Khánh Hoà, một đoàn công tác khác của Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo công tác khắc phục lũ lụt các tỉnh miền Trung.

“Gay go nhất bây giờ là vừa lo khắc phục lũ lụt khi lũ chưa rút hết, vừa phải lo phòng chống bão lũ tiếp theo mà bão Peipah có khả năng gây ra”, ông Hồng cho hay.

Hiện tại cơ quan này đã thống nhất với các bộ ngành trình Thủ tướng biện pháp chi lương thực và thuốc men khẩn cấp cho các tỉnh miền Trung.

Quảng Trị đề xuất hỗ trợ thêm 500 tấn gạo và 500 cơ số thuốc để phòng dịch bệnh, 500 tấn lúa giống, 2 tấn hạt rau giống và 50 tỉ đồng khắc phục thiệt hại cơ sở hạ tầng. Thừa Thiên-Huế đề xuất hỗ trợ 500 tấn gạo và hoá chất xử lý môi trường. Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ 2.000 tấn gạo và 100.000 thùng mì ăn liền. Bình Định đề xuất hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói cho dân.

Công tác hỗ trợ dân vùng lũ, nhất là cấp phát gạo và cứu đói cho người dân đang được chính quyền triển khai khẩn trương. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cấp 650 tấn gạo của Chính phủ hỗ trợ trong đợt lũ trước và 42 tấn mì ăn liền cho các huyện bị ngập sâu. Quảng Trị đã phân bổ 500 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ đợt trước đến các huyện, thị xã bị ngập, trích ngân sách địa phương mua 20 tấn mì ăn liền hỗ trợ hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong bị thiệt hại nặng nề nhất.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính tới sáng nay, Bộ đội biên phòng tuyến biển của 19 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Cà Mau đã phối hợp với chính quyền và gia đình các chủ phương tiện thông báo tới 40.050 tàu thuyền với 225.610 ngư dân đang hoạt động trên biển biết thông tin về bão Peipah. Tuy nhiên tới chiều nay vẫn còn 21 tàu với 290 người ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Định còn đang hoạt động gần khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vùng nguy hiểm của bão Peipah.

Mưa gây ngập nước trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 – Ảnh: HỒNG VĂN

TPHCM: Mưa to gây ngập nặng

Cơn mưa lớn kéo dài trong gần 3 giờ vào chiều nay tại TPHCM đã gây ngập nước nặng nề cho nhiều tuyến đường trong thành phố, nhất là các quận trung tâm. Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam bộ, mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão Peipah nhưng do khối khí lạnh và gió mùa đông bắc tràn về cũng với nhiễu động của bão ở biển Đông nên trong vài ngày tới, khu vực TPHCM sẽ có mưa vừa, tới mưa to và rất to, có khả năng ngập nước ở nhiều nơi.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới