Chủ Nhật, 11/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người đàn bà bỏ phố về quê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người đàn bà bỏ phố về quê

Đây là căn nhà lầu hai tầng của chị Nguyễn Thị Hán ở thôn Đức Cung, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hồng Văn

(TBKTSG Online) - Trong dòng người ở nông thôn đổ về các thành phố lớn để kiếm sống, có một người phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc đã dắt người chồng bị bệnh tâm thần phân liệt cùng ba con thơ vào TPHCM sinh sống cách nay 10 năm.

Nhưng chị đã quay trở lại quê nhà và đã chứng minh với hàng xóm rằng không nhất thiết cứ phải bỏ quê vào thành phố mới sống được. Đó là chị Nguyễn Thị Hán, năm nay 44 tuổi, ở thôn Đức Cung, xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Hành trình mưu sinh gian nan của chị bây giờ trở thành câu chuyện mà mỗi khi chính quyền xã vận động nông dân xóa đói giảm nghèo, thường lấy ra nêu gương.

Một người làm, năm miệng ăn

Dù nhà có hơn 4.000 mét vuông đất lúa, trồng màu nhưng nhà chị Hán vẫn nghèo túng, thiếu trước hụt sau. Nghèo vì cày cấy vụ được vụ mất, năng suất bấp bênh; vả lại còn khác với mọi người trong thôn xóm, chị “đã nghèo còn mang eo” vì một nách nuôi ba con nhỏ lại phải lo cho người chồng bị bệnh tâm thần phân liệt.  

Công việc đồng áng vất vả dồn hết vào một mình chị Hán, người phụ nữ đóng vai trụ cột trong gia đình, vẫn không xua đuổi được ý chí vươn lên của chị. Nhiều đêm chị nằm suy nghĩ khi thấy nhiều người dân trong thôn xóm, kẻ thì đưa cả gia đình vào Nam lập nghiệp, người thì lên các thành phố lớn làm đủ thứ nghề kiếm sống lúc nông nhàn.

Không biết họ vất vả ra sao nhưng nhìn cách mà mỗi khi họ về quê, phần nào nói lên rằng họ làm ăn được, ít ra là hơn cuộc sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như chị.  

Liều mình tha hương  

Vào dịp Tết năm 1998, một bà cô kết nghĩa của chị ở Hà Nội, từng sống ở nhà chị lúc sơ tán thời chiến tranh nhưng nay ở TPHCM, về quê ăn Tết và ghé thăm chị. Thấy chị quá vất vả, bà cô ngỏ ý nếu chị vào Nam lập nghiệp thì cô ấy giúp đỡ ban đầu.  

Và chị đã đánh liều khi dám đưa cả gia đình vào Củ Chi. Ruộng đất cho người trong xóm mượn, căn nhà hai gian vách đá tổ ong thường thấy ở vùng trung du thì đóng cửa bỏ không.

Vào đến huyện Củ Chi (TPHCM), bà cô kết nghĩa đã giúp đỡ gia đình chị đúng như lời hứa. Gia đình chị được cho mượn căn nhà trống để ở (không phải trả tiền thuê) và được giúp mua sắm dụng cụ nấu rượu để lấy hèm bã nuôi lợn, cho mượn ít vốn ban đầu mua lợn, gà giống để nuôi.  

“Sống được lắm, tốt hơn ở quê”, chị kể lại. Nhưng chị vẫn canh cánh bên lòng nỗi buồn xa quê, xa bà con thân thuộc, hàng xóm láng giềng. Xung quanh chị là những người chị chưa hề quen, chồng chị bị bệnh nhưng cả những lúc khỏe thì cũng chẳng có ai quen để nói chuyện, và điều làm chị khổ tâm nhất là việc học hành của ba đứa con bị trở ngại chỉ vì không có... hộ khẩu!. 

Bỏ quê ra đi để tránh cuộc sống gian nan đói nghèo, nhưng chị lại gặp thêm lắm khó khăn nơi xứ người dù việc kiếm miếng ăn cũng phần nào dễ hơn ở quê nhà. “Tôi nghĩ ngợi nhiều lắm, nghĩ nhiều còn hơn cả lúc bỏ quê ra đi”, chị tâm sự. Và chị đã làm liều lần thứ hai khi dắt díu gia đình trở lại quê hương, chấp nhận bán đổ bán tháo đàn lợn, đàn gà đã nuôi trong thời gian chị sống gần nửa năm ở Củ Chi.  

Làm lại từ đầu  

Chị Hán đang tắm lợn. Đàn lợn nhà chị giờ có hơn 30 con. Ảnh: Hồng Văn

Nhà nghèo, đồ đạc không có gì nhiều lại phải “bốc hơi” bớt sau những đợt di chuyển vào Nam ra Bắc, gia đình chị trở về quê cũ gần như trắng tay. Ngôi nhà cũ đã dột nát càng xuống cấp hơn sau nửa năm đóng cửa bỏ hoang. Bà con hàng xóm đã từng được chị cho mượn ruộng trước đây, giúp chị bằng cách trả lại ruộng dù họ đã gieo cấy, cùng với chị đi “xin đám” vài con lợn (tức đi mượn lợn con của hàng xóm nuôi rồi sau này bán lợn thịt trả lại tiền lợn ban đầu) để tạo thêm sinh kế.  

Hàng ngày, chị đạp chiếc xe cọc cạch đến các trường cao đẳng nghề, các bếp ăn tập thể xin cơm thừa, cá cặn về nuôi lợn. Cơm thừa nhiều thì chị lại nấu rượu lấy bã bống (là bã hèm rượu) để nuôi lợn chóng lớn.  

Khi chị về lại quê được thời gian ngắn, Quỹ tình thương của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã cho chị vay trả góp lần đầu tiên là 500.000 đồng và cho chị tham gia vào tổ nhóm vay vốn tín dụng tiết kiệm ở trong thôn của quỹ.  

Có chút ít vốn, dù nhỏ nhoi, cũng giúp chị mua được lợn giống, gà giống về nuôi, mua thêm cám cho lợn, rồi cùng mọi người trong nhóm vay vốn chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn nái, lợn bột (lợn thịt) và dần dà, chị trở thành người nuôi lợn giỏi trong thôn. Còn Quỹ tình thương thì cho chị vay từng món vay nhỏ theo kiểu lượt sau tăng hơn lượt trước.  

Có chút vốn liếng, chị mạnh dạn mua thức ăn công nghiệp pha trộn thêm với cháo lợn nấu hàng ngày cùng với bã bống nấu rượu. Khi thấy nhiều gia đình trong thôn nuôi lợn, chị bạo gan bán lợn, bán gà, vay thêm tiền của Quỹ tình thương để mở thêm cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi ngay trong thôn.  

Từ một người ly hương, trở về quê với hai bàn tay trắng mà chị Hán lại được 50 thành viên vay vốn trong thôn bầu làm cụm trưởng trong suốt 7 năm qua. Mỗi lần cụm của chị sinh hoạt, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn, nuôi gà, buôn bán nhỏ, cũng là cách giúp chị hiểu “nhu cầu thị trường” của thức ăn gia súc. Chẳng hạn qua mọi người nuôi heo trong thôn, chị biết thức ăn loại nào tốt, loại nào nuôi lợn, gà ít bị bệnh và chị lùng mua về cung cấp cho bà con trong thôn, rồi lan dần qua các thôn lân cận.  

Vượt khó trên đất quê nghèo

Bây giờ, trong nhà chị có lợn nái lợn con, đàn gà hơn 150 con, còn cửa hàng thức ăn gia súc thì từ chỗ chỉ một mình chị lo gánh vác, bây giờ mở rộng ra trong xã, nên chị thuê thêm 5 người làm.  

Vốn chỉ học hết lớp 7 (hệ lớp 10 ở miền Bắc trước đây), chị Hán không rành tính toán doanh thu hay lợi tức. Theo chị nhẩm tính kiểu nhà nông và có sự giúp sức của chị Nguyễn Thị Hội, cán bộ tín dụng của Quỹ tình thương, thì gia đình chị Hán có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm ngoái, chị thu vào hơn 200 triệu đồng, trong đó một nửa là tiền lãi.  

Theo chân các thành viên ban giám khảo giải thưởng “Doanh nhân vi mô Citi năm 2008”, hôm 25-10, người viết bài này đã ghé thăm gia đình chị Hán. Chúng tôi ngồi nghe chị kể chuyện trong ngôi nhà lầu hai tầng bề thế và tiện nghi bên trong không khác một nhà phố ở đô thị. Chị Hán cho biết ngôi nhà này xây hết 130 triệu đồng, còn ngôi nhà hai gian dột nát cũ chị vẫn giữ lại bên cạnh như một kỷ niệm cho một thời khó khăn đã qua.  

“Chúng em mừng nhất là ba cháu đều học hành giỏi, cháu đầu đang học cao đẳng, cháu thứ hai học lớp 11, còn cháu cuối đang học lớp 7”, chị nói. Chồng chị, anh Dương Thành Công, 49 tuổi, bệnh tình cũng dần thuyên giảm khi đời sống gia đình ổn định và khấm khá dần.  

Hiện nay, qua thông tin từ đài báo, chị đang thử nghiệm nuôi giun (trùn) để làm thức ăn cho heo gà. Năm ngoái, Quỹ tình thương đã cho chị vay khoản tiền lên tới 23 triệu đồng, mức vay cao nhất của quỹ này. Bà con, hàng xóm ai cũng tấm tắc khen cách tính toán trong làm ăn, lanh lợi và đức tính chịu thương, chịu khó của chị. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ thị xã Phúc Yên thì xem chị như tấm gương điển hình trong làm ăn, vượt khó.

Rời nhà chị Hán, người viết bài này chợt nhớ tới cảnh những phụ nữ ở quê vào TPHCM kiếm sống. Họ vất vả dắt xe đạp đi mua ve chai, bán dạo rau cá, bán dạo hoa kiểng hay làm những nghề nặng nhọc, vất vả khác. Có lẽ hoàn cảnh của họ cũng ít nhiều giống chị Hán hơn 10 năm trước, khi từ bỏ quê vào thành phố sinh sống.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới