Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người dân cần ca-nô an toàn, không cần quy chuẩn ‘được cả thế giới công nhận’!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau vụ ca-nô chở 36 du khách bị lật trên vùng biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam) khiến 16 người chết vào chiều 26-2, những người sống sót và các ngư dân, thuỷ thủ tham gia cứu nạn có chung nhận định: Nếu ca-nô này không phải đóng kín theo quy chuẩn SB mà ngành giao thông quy định gần đây thì số người chết sẽ không nhiều như vậy. Trả lời chất vấn này, một quan chức của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng “quy chuẩn SB, tàu đóng kín là được cả thế giới và Việt Nam công nhận”(*).

Vị lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia giải thích thêm là “tàu quy chuẩn SB sẽ đảm bảo an toàn hơn cho hành khách”. Vậy mà tai nạn vẫn xảy ra trong điều kiện bình thường: chiếc ca-nô bị nạn chở đúng số người quy định, có đăng kiểm đầy đủ, thời điểm gặp nạn chỉ có gió giật cấp 3, cấp 4 (theo quy định là được phép chạy).

Theo nhận định của cả lãnh đạo chính quyền Hội An và những người đã từng làm công tác cứu nạn lật tàu, trước đây cũng đã xảy ra nhiều vụ lật tàu chở du khách nhưng nhờ tàu đóng theo quy chuẩn cũ, có nhiều khoảng hở nên không có du khách nào chết vì mắc kẹt.

Những người sống sót cũng kể lại, tất cả du khách đều mặc áo phao nên khi ca-nô lật, nếu không bị mắc kẹt thì sẽ không ai chết vì họ đều nổi trên biển. Khi ca-nô chở họ bị lật, chung quanh có vài ca-nô và tàu khác chỉ cách 100 mét nên đã kịp chạy tới cứu người. Những người chết đều do mắc kẹt trong tàu vì thiết kế SB đóng kín không thoát ra được khi tàu chìm.

Có thể thấy, kiểu phát ngôn “thế giới người ta cũng như thế” ngày càng được nhiều người dùng như chìa khoá vạn năng khi cần biện hộ, giải thích về một vấn đề gì đó.

Vấn đề là, du khách cần được ngồi trên chiếc tàu an toàn để họ không bị chết oan uổng vì mắc kẹt khi tàu lật. Người dân không muốn đi trên những chiếc tàu theo quy chuẩn SB “được cả thế giới công nhận” nhưng khi chìm không nhảy ra kịp. Đau lòng nhất là có cả một đại gia đình gồm hai bên thông gia tổng cộng 14 người đi trên ca nô bị lật thì có đến 8 người chết, trong đó có 2 cháu bé mới lên ba tuổi(**).

Người dân không cần truy cứu về quy chuẩn thiết kế đóng kín SB của ca-nô mà chỉ cần vụ tàu chìm này cần được xem xét tường tận để giải quyết tận gốc vấn đề, bao gồm cả thay đổi quy chuẩn áp dụng cho tàu chở khách nếu cần.

Với chức trách của mình, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phải rốt ráo hành động để những vụ tai nạn tương tự không xảy ra nữa, không để du khách bị lật tàu bị chết vì mắc kẹt nữa chớ không phải dừng lại ở lời hứa “sẽ lưu tâm” như trong vụ tai nạn vừa qua!

--------------------

(*) https://plo.vn/thoi-su/nguyen-nhan-khien-ca-no-lat-13-nguoi-chet-tai-cua-dai-1045529.html

(**) https://nld.com.vn/thoi-su/dau-xot-tot-cung-1-gia-dinh-co-8-nguoi-chet-va-mat-tich-trong-vu-chim-ca-no-o-cua-dai-20220227112553061.htm

4 BÌNH LUẬN

  1. Xin đừng tư duy an toàn theo cách chuẩn bị cho một kiểu tai nạn cụ thể (lật ca nô) như vậy.. Ca nô cao tốc khi chạy vẫn có thể làm khách văng ra ngoai do không có cửa che chắn. Tư duy an toàn là từ thiết kế ca nô, thuyền trưởng, luồng lạch, có thông tin khí tượng cập nhật…

    • Trả lời tới HM:
      Tôi thấy bài báo đặt vấn đề an toàn cho du khách là hợp lý vì:
      1/ Bài báo không nói phải dùng ca nô hở mà chỉ nói phải khắc phục nhược điểm của ca nô kín để làm sao khi lật ca nô thì không ai mắc kẹt.Trong bài đề cập rất cụ thể đến thiết kế khoang kín SB không hợp lý phải nghiên cứu sửa đổi. Quan trọng nhất là sửa sao cho không ai mắc kẹt nếu lật ca nô.
      2/ Nếu nói rằng ca nô hở chạy văng người ra ngoài thì từ trước đến nay lúc dùng ca nô hở đã có bao nhiêu vụ người bị văng ra, những vụ đó xảy ra lúc nào, ở đâu, và có thương vong không? Những vụ văng người ra khi đang chạy, nếu có, có làm chết hàng chục người một lúc như vụ lật ca nô ở Cửa Đại như trong bài đề cập không?
      3/ Việc bảo đảm tư duy an toàn một cách đầy đủ nhất phải bắt đầu từ cơ quan chức năng và là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu thiết kế khoang kín SB không phù hợp thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm nghiên cứu để sửa đổi sao cho an toàn hơn.
      4/ Câu chuyện từ vụ tai nạn cụ thể chỉ là một góc nhìn về thiết kế ca nô kín gây chết người vì mắc kẹt. Mấu chốt là làm sao để chuyện đó không lặp lại vì còn hàng trăm ca nô kín như vậy đang hoạt động khắp các điểm du lịch ở Hội An và các địa phương khác. “Tư duy an toàn” như bạn nói phải bắt đầu từ một yêu cầu hết sức chính đáng và cụ thể của người dân: chìm tàu không chết oan vì mắc kẹt trước khi nói đến những chuyện khác!

  2. Tôi thấy nếu còn dùng cano loại mui kín như thế này thì sẽ còn nhiều tai nạn chết người xảy ra. Người dân vì lo sợ nên sẽ hạn chế du lịch bằng cano. Ngành du lịch sẽ thất thu, và nhiều người mất việc làm. Việc điều chỉnh thiết kế cano do vậy, không chỉ là trách nhiệm của ngành GTVT.

  3. Đừng để mất trâu mới lo làm chuồng! Không có gì là không thể! Mọi quy trình, quy chuẩn cần thường xuyên cải tiến, thay đổi cho phù hợp thực tế. Cơ quan chức năng cần làm đến nơi đến chốn, không đánh trống bỏ dùi nhằm để nguy cơ tương tự không bao giờ diễn ra trong tương lai!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới