(KTSG Online) - Dù đánh giá cao gói 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng với lãi suất 8,2%/năm, người dân TPHCM trong một khảo sát mới đây cho rằng vẫn quá cao so với khả năng chi trả và e dè tiếp cận các khoản vay để mua nhà ở xã hội.
- Bộ Xây dựng kiểm tra việc bán chênh nhà ở xã hội
- Nhà ở xã hội TPHCM trải qua một giai đoạn phát triển thiếu hiệu quả
Theo TTXVN, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước triển khai thực hiện từ đầu tháng 4-2023. Tuy nhiên gói cho vay này có thể chỉ phát huy phần nào đối với chủ đầu tư các dự án đã đủ điều kiện triển khai, các dự án cải tạo chung cư cũ chứ chưa có sức hút đối với người dân TPHCM khi lãi suất 8,2%/năm vẫn là quá cao so với khả năng chi trả, đặc biệt là nhóm cán bộ, viên chức, người lao động có thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, với lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội thấp hơn 1,5-2%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn và thay đổi 6 tháng một lần, người vay mua nhà sẽ gặp nhiều rủi ro nếu lãi suất thương mại tăng, chưa kể thời gian ưu đãi quá ngắn, chỉ kéo dài 5 năm.
Đại diện Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi trên đối với người mua nhà ở xã hội vẫn cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội. Sau thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi là 5 năm, ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất có thể dẫn đến rủi ro cho người vay vốn. Vì thế, đây là nguyên nhân chính khiến người dân TPHCM e dè khi vay mua nhà ở xã hội.
HoREA đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" để người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.