Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người đứng sau đòn khiêu chiến của Mỹ nhằm vào Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Người đứng sau đòn khiêu chiến của Mỹ nhằm vào Trung Quốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) – “Kiến trúc sư” của các kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc mà Chính phủ Mỹ công bố trong thời gian vừa qua là Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, theo The Wall Street Journal.

Người đứng sau đòn khiêu chiến của Mỹ nhằm vào Trung Quốc
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái) trao đổi với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc được hình thành trong cuộc họp ở Nhà Trắng vào tháng 8 năm ngoái và trung tâm của cuộc họp chính là vị một quan chức ít được chú ý: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Tại cuộc họp đó, ông Lighthizer nói với các cố vấn Nhà Trắng và các quan chức nội các Mỹ rằng các cuộc đàm phán thầm lặng trong hàng chục năm trời qua nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc chẳng đi đến đâu cả.

“Trung Quốc cứ lợi dụng chúng ta suốt”, ông nói khi ám chỉ đến việc Trung Quốc thường hứa hẹn thay đổi chính sách thương mại nhưng lại không thực hiện. Ông trình bày các quan điểm của mình với các biểu đồ cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã liên tục nới rộng như thế nào trong các thập kỷ qua.

Ông Lighthizer cho rằng đã đến lúc phải hành động, bắt đầu bằng cuộc điều tra chính thức về các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Kế hoạch áp thuế in đậm dấu ấn của Lighthizer

Vài ngày sau cuộc họp nói trên, Tổng thống Trump thông báo mở cuộc điều tra các nghi vấn Trung Quốc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ do ông Lighthizer đứng đầu. Cuộc điều tra này đánh dấu sự khởi đầu cho một nỗ lực quyết liệt nhất của rủi ro nhất của chính phủ Mỹ trong nhiều thập kỷ nhằm thúc ép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thay đổi chính sách thương mại. Kết quả của nó là Tổng thống Trump công bố kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với 50 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa Trung Quốc, một động thái in đậm dấu ấn của Lighthizer.

Vai trò của Lighthizer trong chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Trump đã được thể hiện rõ đối với phía Trung Quốc khi nhóm quan chức kinh tế của Trump đến Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái để thảo luận chính sách thương mại. Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Lighthizer phải tham dự cùng ông trong các cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong khi đó, các quan chức khác phải đứng chờ bên ngoài.

Trong cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Lighthizer đã chỉ ra rằng các cuộc đàm phán thương mại trước đây với Trung Quốc đều không có kết quả và Tổng thống Trump đang lo ngại thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Những phát biểu của ông đã khiến các quan chức Trung Quốc cảm thấy sốc.

“Tổng thống Trump và ông Lighthizer có hướng tư duy giống nhau ở chỗ họ có chung một chiến lược đàm phán bắt đầu với các uy hiếp, đe dọa rồi dịu giọng với đối phương và rồi có thể đi đến một thỏa thuận ”, William Reinsch, một cựu quan chức thương mại Mỹ đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói.

Được tổng thống coi trọng

Sau khi được nhậm chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ vào đầu năm 2017, Wilbur Ross, một đồng minh lâu năm của Trump, được kì vọng sẽ là người chèo lái chính sách thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, vị trí ngôi sao của Ross mờ dần khi Tổng thống Trump bác bỏ một gói thỏa thuận thương mại mà Ross đã đàm phán với Bắc Kinh vì xem chúng chẳng khác gì các gói thỏa thuận trước đây. Ông nói với Ross trong một cuộc họp vào tháng 7 năm ngoái: “Thôi dẹp chúng đi”.

Theo các quan chức cấp cao Nhà Trắng, điều này có nghĩa là Tổng thống Trump đã tước vai trò của Ross trong chính sách thương mại với Trung Quốc và khép lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc.

Đối với Trump, Lighthizer là một người có chung tư duy về thương mại. Cả hai nhanh chóng xây dựng được mối quan hệ khăng khít.  Lighthizer nhiều lần được “đi ké” trên chiếc Không Lực Một của tổng thống để về thăm nhà của ông ở bang Florida. Tổng thống Trump cũng thường xuyên triệu tập Lighthizer đến Phòng Bầu dục của Nhà Trắng để thảo luận các vấn đề thương mại.

“Lighthizer được mọi người tin tưởng dù quan điểm của họ về thương mại ra sao đi nữa”, Kevin Hassett, nhà kinh tế trưởng Nhà Trắng nói.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với 50 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa của Trung Quốc vào hôm 22-3. Ảnh: AP

Từng là luật sư cho công ty luật Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom, ông Lighthizer đã nhiều lần đại diện cho các thân chủ trong ngành công nghiệp thép vốn cho rằng công việc kinh doanh của họ bị thiệt hại bởi thép được nhà nước trợ cấp nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vào tháng 5-2017, thời điểm Lighthizer nhậm chức ghế đại diện thương mại Mỹ, nội bộ chính quyền Trump vẫn đang tranh cãi kịch liệt về việc có nên áp thuế nhập khẩu thép và nhôm đối với tất cả các nước trên thế giới hay không. Lúc đó, chính sách đối với Trung Quốc vẫn chưa được chú ý.

Dù cho rằng tình trạng dư thừa thép toàn cầu là do công suất thép thừa mứa ở Trung Quốc nhưng Lighthizer tin Mỹ sẽ tự chuốc lấy thất bại nếu cứ tập trung vào việc áp thuế, thay vì tìm cách thay đổi các  thực hành đầu tư và thương mại của Trung Quốc. Ông cho rằng áp thuế thép đối với tất cả các nước, trong đó bao gồm nhiều đồng minh của Mỹ, sẽ khiến Mỹ trở thành “đóng vai ác”  thay vì Trung Quốc.

Không muốn kích động Trump, người tin rằng cần phải áp thuế thép như ông đã cam kết với cử tri trong cuộc vận động tranh cử, Lighthizer lặng lẽ làm việc với Gary Cohn, lúc đó đang là giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, và những quan chức khác để gác lại vấn đề này và theo đuổi những ưu tiên khác.

Tập hợp sự đoàn kết chống Trung Quốc

Ông Lighthizer lớn lên ở thành phố cảng Ashtabula, bang Ohio, nơi hàng hóa nhập khẩu tràn ngập. Ông xem bản thân mình như là một công nhân cổ cồn xanh (công nhân lao động tay chân) dù ông là con trai của một bác sĩ giàu có với tổng tài sản lên đến hàng chục triệu đô la Mỹ. Khi Mỹ thúc đẩy chính sách đối đầu thương mại với Trung Quốc vào mùa thu năm ngoái, Lighthizer đã tìm cách tập hợp sự đoàn kết trong chính phủ. Trước đây, các chính phủ Mỹ trước đây không muốn đối đầu với Trung Quốc vì sợ điều này sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo và khiến Trung Quốc thiếu thiện chí hợp tác về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ủng hộ chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc vì ông lo ngại Trung Quốc đang ăn cắp công nghệ của Mỹ để giành ưu thế về quân sự.

Các quan chức khác trong các cơ quan an ninh quốc gia liên bang cũng quá mệt mỏi với những lời hứa suông của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên và các vấn đề an ninh. Trong khi đó, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Gary Cohn đã quá chán ngán với Bắc Kinh. Từng giữ chức chủ tịch Ngân hàng Goldman Sachs trong một thời gian dài, ông Cohn đã vận động để các doanh nghiệp Mỹ không bị cản trở hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc nhưng các đề xuất của ông không nhận được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.

Vào cuối tháng 2-2018, Trung Quốc gửi ông Lưu Hạc, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề kinh tế và tài chính trung ương Trung Quốc, người được bổ nhiệm vào ghế phó thủ tướng Trung Quốc vào tháng trước, sang Washington để tái khởi động đàm phán thương mại với Mỹ. Ông Lưu đã sẵn sàng cam kết Bắc Kinh sẽ mở cửa thị trường tài chính nhưng Washington đón tiếp ông rất lạnh nhạt. Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu cấp 40 thị thực  để ông Lưu có thể mang theo phái đoàn đầy đủ ban bệ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ cấp thị thực với số lượng hạn chế.

Tại Washington, ông Lưu cũng không gặp được Tổng thống Trump. Thay vào đó, ông gặp Lighthizer, Cohn và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhưng cả ba quan chức này đều đưa ra một thông điệp thống nhất: “Mỹ không muốn bị lợi dụng như các chính quyền tiền nhiệm nữa”.

Mỹ muốn Trung Quốc phải tiến hành thay đổi quan trọng về thực hành và rào chắn thương mại do Lighthizer đề xuất, bao gồm đề xuất Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ mức 25% xuống sát mức 2,5% như mức thuế nhập khẩu ô tô của Mỹ. Mỹ cũng muốn giảm 100 tỉ đô la Mỹ trong tổng mức thâm hụt thương mại 375 tỉ đô la Mỹ giữa Mỹ với Trung Quốc vào năm ngoái.  Để thúc ép Trung Quốc thực hiện các yêu cầu này, Mỹ đã lên kế hoạch đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với hàng ngàn mặt hàng của Trung Quốc.

Đầu tháng 3, Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu cho tất cả các nước đang xuất khẩu hai mặt hàng này sang Mỹ.

Tuy nhiên, sự phản ứng đồng loạt của cộng đồng quốc tế bao gồm nhiều đồng minh của Mỹ đã khiến các quan chức cấp cao Mỹ phải họp tại Nhà Trắng một lần nữa vào tối 20-3 để quyết định cách thực thi kế hoạch áp thuế này. Lighthizer cùng Bộ trưởng Thương mại Ross đề xuất tạm thời miễn áp thuế thép và nhôm cho hầu hết các nước ngoại trừ Trung Quốc. Động thái có thể giúp Mỹ thành lập một liên minh chống Trung Quốc. Cuối cùng, Tổng thống Trump đã ủng hộ đề xuất của Lighthizer.

Ngày 22-3, Tổng thống Trump tung ra một một đòn thương mại với Trung Quốc nữa: ký văn bản ghi nhớ về kế hoạch áp thuế 25% đối với 50 tỉ đô la Mỹ giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc mỗi năm vào Mỹ.

Mời xem thêm:

Mỹ chuẩn bị đối phó với các nước Đông Nam Á

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới