Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Người giữ nét duyên cho du lịch cộng đồng

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Giờ này, cả vùng Hang Kia, Hòa Bình ngập trong hoa mận trắng, thời tiết lạnh hơn và người Mông đang đón Tết cổ truyền. Đâu đó trong những nhóm người chơi Tết là du khách từ phương xa, những người được bà con mời về Hang Kia ăn Tết hay nói khác đi là du lịch trải nghiệm không khí Tết. Đây là một kiểu du lịch được một vài chủ homestay phát triển nhằm tạo thêm sức hấp dẫn cho vùng.

“Ngày 22-12 này, em ăn Tết cổ truyền của dân tộc Mông. Em mời anh, chị lên ăn Tết cùng em và gia đình”, Giàng A La, chủ của homestay A La ở xóm Pà Khôm, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nhắn cho tôi và nhóm bạn – những người từng đến vùng này du lịch, vào thứ Sáu tuần rồi. Thế là, câu chuyện về Tết của người Mông cũng như chuyện của những người Mông, trong đó có chủ homestay này làm du lịch cộng động lại được nhóm lên.

Giàng A La (ngoài cùng bên trái), chủ của homestay A La chụp ảnh lưu niệm với khách du lịch. Ảnh: Hàng Y Chà

Một kiểu làm tour Tết

Chừng nửa năm trước, sau một điệu khèn đón khách phương xa, là nhóm chúng tôi, gồm những người sinh sống ở TPHCM, Hà Nội đến Hang Kia tìm chút không khí lạnh để quên đi cái nóng của mùa Hè, Giàng A La đã kể về Tết của người Mông và hứa hẹn là sẽ mời mọi người về ăn Tết.

Anh kể, người Mông thường ăn Tết sớm hơn người Kinh khoảng 20 ngày cho đến một tháng tùy vào lịch Âm lịch và Tết kéo dài đến một tháng. Cứ đến Tết là từng nhà sẽ giết heo mời cả xóm đến ăn cùng một bữa. Hơn 60 hộ dân xóm Pà Khôm luân phiên ngã heo ăn Tết nên tiệc Xuân của làng luôn có món heo mới.

Tết đến như một dịp nghỉ ngơi sau cả năm làm lụng vất vả nên người dân gần như ngưng hoàn toàn công việc thường nhật. Người dân cùng tham gia hội xuân của làng, chơi các trò chơi dân gian, hát giao duyên và xem biểu diễn văn nghệ.

Phong cảnh ở vùng Hang Kia rất đẹp với núi non chập chùng và màn sương trắng phủ khắp bản làng vào mỗi sáng, chiều. Đến Tết, khi thời tiết lạnh hơn, hoa mận phủ trắng cả làng bản rồi khi mận chớm tàn thì đào, cải lại trổ bông, điểm lên sắc mận trắng những vạt hồng, vạt vàng làm cho cả vùng đẹp như một bức tranh.

Nhờ sự gợi ý của một người có kinh nghiệm làm du lịch, Giàng A La nhận ra rằng mình có thể kết hợp vẻ đẹp của tự nhiên của bản làng và nét văn hóa Tết đặc sắc của người Mông tại Hang Kia để giới thiệu với khách hàng như là một chương trình mời du khách trải nghiệm không khí Tết cùng người bản địa.

“Đây là lần đầu tiên em mời khách đã từng ở homestay và những người quen biết đến ăn Tết. Nhiều người thích lắm và chỗ em gần như kín khách trong những ngày Xuân”, Giàng A La, 26 tuổi nói và cho biết thêm, hiện nhiều dân tộc ít người ở vùng lận cận đã ăn Tết cùng thời điểm với người Kinh cho nên việc người Mông ăn Tết sớm có thể được coi là điều đặc biệt để người du lịch chào mời sản phẩm Tết.

Tạo dựng mô hình du lịch cộng đồng bền vững

Ở vùng Hang Kia, Giàng A La – chủ homestay A La, nơi có thể đón từ 16-20 khách – không phải là người đi trước trong việc làm homestay cũng như du lịch cộng đồng. Nhiều người, như vợ chồng chị Ý Múa, chủ của Ý Múa homestay đã đi trước cả chục năm và có vài căn homestay trong xã hay anh A Páo, một chủ homestay khác cũng đã tạo dựng được thương hiệu khá tốt với những người mê du lịch cộng đồng.

Thế nhưng, Giàng A La lại có lợi thế và sức sống riêng. Ông bố ba con này từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, có thể thổi sáo, thổi khèn, biểu diễn múa dân tộc cho nên có thể tạo nên các sự kiện văn nghệ khá độc đáo ngay tại homestay của gia đình.

A La chăm chỉ học làm du lịch bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến nên có thể làm một số sản phẩm du lịch trải nghiệm trong vùng. Nhờ học, anh cũng có ý thức mạnh mẽ về việc phải làm cho du lịch cộng đồng này bền vững hơn, không chỉ bằng cách giữ chất lượng dịch vụ mà còn là giữ hồn cho sản phẩm và phải tạo được sinh kế chung cho cả cộng đồng.

“Người ta nói, muốn nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau. Em thấy điều này đúng và đã cùng một số bà con thành lập hợp tác xã để tạo nên chuỗi khép kín về dịch vụ và làm cho sản phẩm hay hơn”, Giàng A La nói và cho biết bản thân đã “hái” được những quả ngọt ban đầu từ du lịch cộng đồng. Homestay A La đã bắt đầu có lợi nhuận và thu nhập bình quân mỗi tháng của gia đình có thể cao hơn gấp đôi so với thu nhập thông thường của người dân trong vùng.

Vào đầu năm 2022, Giàng A La vay vốn để mở homestay, đến giữa năm đó thì kêu gọi bà con, xin phép địa phương thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia với 10 hộ dân. Trong đó, có 4 hộ làm homestay; một hộ chuyên nghề truyền thống như dệt thổ cẩm; ba hộ chăn nuôi heo, gà; một hộ chuyên trồng rau và hộ còn lại chuyên về những cây ăn trái như mận, đào.

Với sự liên kết này, khách đến ở homestay không những có thể đi các tour trekking (đi bộ khám phá thiên nhiên), một đặc sản của du lịch vùng núi này mà còn được trải nghiệm các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi… thực tế của người dân địa phương chứ không phải là những hoạt động trình diễn cho khách du lịch xem cho biết như có nơi đã từng làm.

Gần đây, A La đã kết nối thêm 3-4 hộ làm nghề dệt thổ cẩm để may trang phục truyền thống, với mong muốn vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông để giới thiệu với du khách. “Muốn làm gì thì cũng phải tạo được sinh kế cho người dân, có thế thì bà con mới yên tâm làm việc nhưng hiện tại, em đang tìm đường cho sản phẩm này”, Giàng A La nói và cho biết, bộ đồ bằng thổ cẩm truyền thống của người Mông được dệt bằng sợi lanh và thêu tay. Các bà, các cô phải mất đến vài tháng liền mới làm xong được một bộ và bán với giá 5 -10 triệu đồng/bộ – một mức giá khá cao để du khách có thể bỏ tiền ra mua. Đó là chưa kể đến chuyện mặt hàng làm thủ công làm được mỗi lần ít về số lượng và mẫu mã.

Trao đổi với KTSG, ông Nguyễn Đăng Kiên, Giám đốc Di Di Adventure, người đưa du khách đến Hang Kia, cho rằng cách làm của ông chủ homestay A La là khá nhanh nhạy. “Sau nhiều năm làm du lịch, họ đã có kinh nghiệm về dịch vụ ăn, ở và tổ chức một số chương trình tour trong vùng. Tuy nhiên, cũng như nhiều nơi khác, vùng này đang đối diện với áp lực là phải đổi mới để làm cho sản phẩm hấp dẫn hơn kèm với việc phải giữ được nét duyên dáng và hồn phách của sản phẩm”, ông Đăng Kiên nhận định.

Lý do, theo ông Kiên, du khách chọn ở homestay, mua gói dịch vụ du lịch cộng đồng là để trải nghiệm văn hóa bản địa nhưng đâu đó, người ta đang làm giá trị cốt lõi phai nhạt. Đặc biệt, người dân đang bối rối trong việc phát triển dịch vụ thích hợp cho các dòng khách khác nhau.

Theo doanh nhân này, đã có tình trạng nhiều khách nước ngoài than phiền về việc đã không có được trải nghiệm văn hóa bản địa như kỳ vọng vì suốt ngày cứ thấy chủ nhà và khách trong nước hát karaoke, nhậu nhẹt. Chưa kể, do số lượng khách ngày càng tăng nên có những chủ nhà dành hết thời gian cho việc bán dịch vụ ăn, uống thay vì dành thời gian trò chuyện, hướng dẫn cho khách về lối sống, phong tục địa phương.

“Những người thích du lịch cộng đồng là để tìm câu chuyện, tìm nét duyên của sản phẩm, nếu giữ được thì mới bán được lâu dài”, ông Kiên nói. Và ông Kiên cũng cho rằng, cơ quan quản lý địa phương cần tham gia nhiều hơn vào vai trò người quản lý để điều phối, quy hoạch rõ ràng từng khu vực, từng sản phẩm du lịch nào thích hợp cho các thị trường chính và hỗ trợ kết nối thị trường thì mới tạo nên sự thay đổi thực sự.

Giàng A La cũng cho rằng đây là điểm mấu chốt của vấn đề và những người trẻ như anh đang cùng mọi người tìm cách để giữ được nét duyên dáng ấy cho du lịch cộng đồng ở Hang Kia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới