Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người Hàn ‘thích một mình và không sợ cô đơn’

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cứ năm người Hàn Quốc được hỏi thì có hai người, tỷ lệ 40%, cho biết họ cảm thấy thoải mái nhất khi ở nhà một mình – theo cuộc khảo sát của Ikea. Số liệu của Bộ Nội an Hàn Quốc cho thấy số hộ gia đình một người hiện chiếm khoảng 42% trong bối cảnh sinh suất giảm, dân số già đi nhanh chóng.

Số hộ gia đình một người ở Hàn Quốc đạt mức kỷ lục trong nhiều năm qua, giữa lúc tỷ lệ kết hôn và sinh suất giảm. Ảnh: AFP

Người Hàn thích cô đơn

Khảo sát của Ikea với 37.428 người ở 38 quốc gia đưa ra kết quả trái ngược với quan niệm phổ biến rằng nhà là nơi người Hàn Quốc dành nhiều thời gian nhất. Hãng trang trí nội thất gia đình của Thụy Điển nói đây là tỷ lệ cao nhất so với tỷ lệ trung bình khoảng 30% trên toàn cầu.

Chỉ 14% người Hàn Quốc cho biết thích dành thời gian chơi đùa cùng gia đình, tỷ lệ thấp nhất trong số 38 quốc gia và thấp hơn nhiều so với mức trung bình 33%. Ngoài ra, chỉ 8% người Hàn Quốc cho rằng nuôi dạy con cái là một trải nghiệm bổ ích, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 22%.

Trong cuộc khảo sát của Ikea, 30% người Hàn Quốc cho biết ngủ một mình sẽ có giấc ngủ ngon hơn, cao hơn mức trung bình là 19%. Chỉ 9% cho biết họ có cảm giác thân thuộc khi nói chuyện với hàng xóm, trái ngược với mức trung bình toàn cầu là 25%.

Korea Times đã phỏng vấn độc giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 20 đến 60-70. Tất cả đều thích một mình, tận hưởng không gian riêng và không bị ai làm phiền.

Một người đàn ông ở độ tuổi 20 tên Jang là ví dụ về người Hàn Quốc muốn ở nhà một mình hơn là dành thời gian cho gia đình. "Tôi vẫn đang học đại học và chưa hoàn thành kế hoạch sau khi tốt nghiệp. Tôi muốn tránh bị gia đình liên tục cằn nhằn về việc không làm những gì tôi phải làm mỗi khi chúng tôi tụ tập ăn tối. Tôi chỉ muốn thời gian và không gian cho riêng mình, để tôi có thể đưa ra quyết định một cách độc lập. Đôi khi tôi cảm thấy muốn hét lên. Trò chuyện với gia đình là điều tôi sẽ không bao giờ thích thú. Tôi phải ngồi ăn tối với cả nhà vì tôi phải làm vậy chứ không phải vì tôi muốn. Tôi muốn ở trong phòng mà không bị ai làm phiền", Jang nói.

Hộ gia đình truyền thống mất dần vai trò

Từ năm 2013, tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc xếp chót trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Hàn Quốc đã đầu tư các khoản ngân sách khổng lồ để ngăn chặn tình trạng sinh suất và quy mô dân số giảm trong tám năm qua. Nhưng kết quả không tạo ra sự khác biệt, bất chấp mọi nỗ lực.

Tháng 9-2023, Tổng thống Yoon Suk Yeol nói rằng chính phủ đã rót hơn 200 tỉ đô la cho các chương trình hỗ trợ bà mẹ mới sinh trong 16 năm qua, nhưng tỷ lệ sinh lại giảm hơn 25% trong khoảng thời gian này. Một trong những trọng tâm của chính phủ là cam kết tăng trợ cấp cho cha mẹ có dưới một tuổi từ 300.000 won mỗi tháng (khoảng 230 đô la) lên một triệu won (765 đô la) trong năm nay.

Theo UNICEF, các chính sách chăm sóc trẻ em của Hàn Quốc thuộc hàng tốt nhất thế giới và đang tiếp tục được mở rộng. Đầu năm 2023, chính phủ đã công bố kế hoạch tăng thời gian nghỉ phép có lương của cha mẹ từ một năm lên một năm rưỡi.

Với giới thanh niên tìm cách tách biệt khỏi thế giới, chính phủ đã trả tiền cho họ để “tái hòa nhập xã hội”. Từ tháng 3-2023, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã trợ cấp đến 650.000 won Hàn Quốc (khoảng 485) mỗi tháng cho những người sống “ẩn dật”, nhằm hỗ trợ họ “ổn định tâm lý, cảm xúc và phát triển lành mạnh”.

Nhà nghiên cứu Min Bo-gyeong thuộc Viện Tương lai Quốc hội nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây rằng sự gia tăng số lượng hộ gia đình độc thân được thúc đẩy bởi “động lực tự nguyện”. Điều này phản ánh sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào giá trị của chủ nghĩa cá nhân và chất lượng cuộc sống.

“Hộ gia đình độc thân sẽ trở thành dạng hộ gia đình điển hình trong tương lai. Vai trò của cộng đồng và chính phủ cần được xác định lại để bổ sung các chức năng mà hệ thống hộ gia đình truyền thống đã hoàn thành”, bà nói. Hộ gia đình truyền thống hay hạt nhân được định nghĩa gồm hai vợ chồng và con cái.

Có  23,91 triệu hộ gia đình ở Hàn Quốc trong năm 2023. Bộ Nội an nói số hộ gia đình độc thân là 9,93 triệu hộ, chiếm 42%, tăng 9,72% so với năm 2022. Hộ độc thân chiếm phần lớn mức tăng trưởng hằng năm về tổng số hộ gia đình.

Hàn Quốc đang thay đổi nhanh chóng về các chuẩn mực xã hội, mức sống, khó kiếm việc lương cao mà nhàn hạ, giá nhà tăng cao… Các con số này là cảnh báo về những thay đổi nhân khẩu học “nghiệt ngã” ở một đất nước ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn trì hoãn hoặc trốn tránh hôn nhân. Hàn Quốc cũng đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh chóng và dự kiến sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2025, nơi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 20% dân số và phần lớn sống một mình.

Nhật báo The Dong-a Ilbo cho biết hệ thống phúc lợi xã hội Hàn Quốc hiện tại được xây dựng để phù hợp với các hộ gia đình có nhiều thành viên. Do đó, hộ gia đình một người sẽ bị “thiệt thòi”, không nhận được đầy đủ lợi ích như thông thường.

Theo Korea Times, Korea Herald, Dong-a Ilbo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới