(KTSG Online) – Trong giai đoạn nhu cầu học ngày càng tăng, thị trường dạy học ngoại ngữ trở nên chật chội hơn trước sự xuất hiện nhiều trung tâm vừa và nhỏ, lớp học online, học tại nhà. Các chủ doanh nghiệp đồng tình để đối diện với thách thức mới, sản phẩm, mô hình dạy học cần hiện đại hóa, tối ưu.
- Hơn 90.000 chứng chỉ ngoại ngữ cấp sai quy định của Hội đồng Anh vẫn được công nhận
- Trung tâm ngoại ngữ chuyển mình giữa thị trường đầy cạnh tranh sau dịch
Trung tâm nhỏ “đón sóng” chuyển dịch nhu cầu
Theo thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 1.000 trung tâm ngoại ngữ. Ở TPHCM có khoảng 200 cơ sở ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 2.000 địa chỉ trung tâm ngoại ngữ và tin học vốn trong nước.
Sau 13 năm xuất hiện trên thị trường, đào tạo hơn 10.000 học viên, ông Vương Hưng, CEO của tổ chức Anh ngữ Envis School ở TP Hà Nội cho biết trong năm nay đơn vị có số lượng học viên tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái với nhu cầu học tiếng Anh học thuật và luyện thi IELTS.
Cách đây 10 năm, học viên chủ yếu có nhu cầu học tiếng Anh giao tiếp, tiếng Anh công sở hay luyện thi TOEIC. Những năm gần đây, do nhu cầu du học tăng cao, đồng thời sự thay đổi trong chính sách tuyển sinh của các trường Đại học sử dụng chứng chỉ tiếng Anh, nên nhu cầu luyện thi của học sinh THPT với IELTS, TOEFL, SAT tăng lên không chỉ ở thành phố mà còn ở tỉnh, huyện, khu vực nông thôn.
“Miếng bánh thị trường to hơn nhưng số lượng các trung tâm, cơ sở đào tạo tiếng Anh cũng mọc lên như nấm dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Hưng, với những mô hình trung tâm nhỏ, các chi phí vận hành, cơ sở vật chất được tối ưu, vì thế học phí người học phải trả cũng sẽ hợp lý. Bên cạnh đó, với mô hình nhỏ, học viên được chăm sóc, kèm cặp học tập kỹ hơn. Tuy nhiên, các trung tâm lớn lại có thế mạnh được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từ đó nâng cao trải nghiệm học tập cho người học.
Thực tế khi kinh tế khó khăn, người học sẽ cân nhắc chọn lựa những chương trình học tập vừa với túi tiền. Học viên chọn nhiều phương thức thanh toán như trả góp, trả một phần học phí. Điều này cũng khiến doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền khó hơn.
Để vận hành trung tâm, ông Vương Hưng chỉ ra, chi phí thuê địa điểm dạy học, trả lương cho giáo viên và tuyển sinh là 3 thành tố chính trong cơ cấu vốn đầu tư. Trong đó, tiền trả lương cho giáo viên đóng tỷ lệ phần trăm lớn nhất (khoảng 30%/doanh thu), 20% chi phí thuê và vận hành cơ sở (điện, nước, khấu hao) và 10% cho chi phí tuyển sinh, truyền thông, quảng bá hình ảnh.
Tại Trung tâm Anh ngữ Edulight ở Hà Tĩnh, chị Trần Thị Minh Ngọc, đại diện đơn vị cho biết, số lượng học viên tăng nhẹ qua từng năm. Khi chọn mở trung tâm ngoài các thành phố lớn, chị Ngọc nhìn nhận doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn nhờ chi phí mặt bằng vừa phải.
Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường ở các khu vực huyện nhỏ gặp cản trở về nguồn nhân lực. Đa số giáo viên chuyên môn tốt tập trung ở các thành phố lớn. Được biết, trung tâm bỏ ra khoảng 60% chi phí cho đội ngũ giáo viên và nhân viên chăm sóc học sinh, khoảng 25% vào các chi phí mặt bằng và vận hành khác.
Chia sẻ với KTSG Online, chị Ngọc cho biết, sự chuyển biến trong định hướng mới của giáo dục về giảng dạy ngoại ngữ tạo điều kiện cho phong trào học ngoại ngữ ở các trung tâm trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, việc thay đổi định hướng không thể chỉ cần một vài năm. Tiếng Anh muốn trở thành ngôn ngữ thứ hai ở trường học đòi hỏi một nguồn nhân lực có trình độ và cần có sự thay đổi từ hệ thống đánh giá năng lực chung ở các trường phổ thông.
Áp lực chuyển đổi cùng thị trường
Bắt nhịp với xu thế học tiếng Anh tại nhà, chị Bế Hương cũng có những lớp học nhỏ chuyên dạy TOEIC hai kỹ năng nói và viết. Để giải bài toán tuyển sinh đủ số lượng, các lớp nhỏ tại nhà phải thay đổi phương pháp dạy, biết cách tận dụng các kênh truyền thông mới để tiếp cận với nhiều học viên hơn. Với từng lớp nhỏ, chị truyền thông theo kiểu “cây nhà lá vườn” như truyền miệng giới thiệu, tìm học sinh mới bằng cách đăng bài chia sẻ kiến thức, tài liệu, dạy livestream miễn phí…
Nhìn chung, các cơ sở đào tạo đang vận hành linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm, đối tượng học viên, đặc biệt là áp dụng công nghệ vào giảng dạy kết hợp với nền tảng học trực tuyến (online) để phục vụ nhu cầu học tập toàn quốc.
Theo chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, nhiều trung tâm ngoại ngữ trở nên lạc hậu với thời đại vì không có nhiều đổi mới, cũng như kém tính sáng tạo. Nếu cách thức dạy và học vẫn không thay đổi, không tận dụng được công nghệ, các trung tâm sẽ ngày càng giảm sức cạnh tranh. Ví dụ, nếu chỉ học qua sách giáo trình như trước đây sẽ khó mà hấp dẫn. “Hãy tham khảo mô hình học tiếng Anh cấp tốc của Philippines sẽ thấy tính sáng tạo trong việc thiết kế nội dung học sát với thực tế cuộc sống”, ông nhấn mạnh.
Chị Thanh Thúy, phụ huynh của em Gia Huy ở quận Bình Tân đã cho con học ngoại ngữ từ khi vào lớp 1 tại trung tâm gần trường. Chị cho biết, chương trình học áp dụng công nghệ và phương pháp dạy khác xa với cách học thuộc lòng, nặng ghi chép từ vựng, ngữ pháp như thời trước.
Chẳng hạn, học viên sẽ được thiết kế chương trình học riêng phù hợp với năng lực hiện tại. Gia Huy cũng được chọn các cách thức kiểm tra con yêu thích như qua trò chơi trực tiếp, dùng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Sau mỗi bài thi, giáo viên sẽ báo cáo kết quả và có điều chỉnh ngay để con cải thiện.
Về nhà, trung tâm cũng giới thiệu những ứng dụng trò chuyện với người nước ngoài ảo (AI) để luyện nghe nói. Với mức học phí trung bình 2 triệu/tháng cho khóa 3 tháng, Gia Huy sẽ học được phản xạ hội thoại hay giao tiếp được với thầy cô, bạn bè, người thân trong gia đình với những câu chuyện thường ngày.
Chị Mai Ngọc, nhân viên văn phòng ở TPHCM cũng tham gia khóa học online với giảng viên nước ngoài. Với tính chất công việc bận rộn, chị thử học khóa online 1 kèm 1 theo từng gói chọn từ 800.000 đến 1.500.000 đồng/tháng. Đặc điểm của những lớp học online này là tiết kiệm chi phí, được chọn giảng viên đến từ quốc gia phù hợp với sở thích, lịch học linh động trong khung giờ 6:00 tối đến 22:00 mỗi ngày, thoải mái chọn theo lịch cá nhân.
Nhà sáng lập IMC – IELTS Ms Chau cho biết các trung tâm ngoại ngữ hiện đại thường có chương trình học tập mang tính cá nhân hóa cao. Về học phí, mô hình truyền thống sẽ đắt đỏ hơn, đặc biệt là các trung tâm nổi tiếng do không thể tối ưu hóa được các chi phí vận hành. Ngoài ra, các trung tâm lớn có lịch học cố định khó điều chỉnh theo thời gian của học viên.
“Chúng tôi bắt đầu hoạt động tích cực trên nền tảng được các bạn trẻ sử dụng phổ biến như Tiktok, Instagram, Thread... để lan tỏa nhiều câu chuyện thành công của các bạn cựu học viên”, chị nói.
Còn trung tâm Anh ngữ Ms. Trân ở TP Huế có 10 năm hoạt động, chị Quỳnh Trân, quản lý trung tâm chỉ ra áp lực của hệ thống nhỏ là chi phí lương trả cho giáo viên nước ngoài sẽ cao hơn rất nhiều so với giáo viên người Việt Nam nếu muốn nâng cao chất lượng đào tạo. Việc này kéo theo lợi nhuận sẽ bị sụt giảm đáng kể.
Mặt khác lực lượng giáo viên người bản xứ tại địa phương không quá đông dẫn đến việc hợp tác còn hạn chế. Hiện tại, trung tâm áp dụng các chương trình sách theo tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận từ cơ quan giáo dục.
Đại diện các trung tâm chia sẻ doanh nghiệp cũng linh hoạt khai phá thị trường qua nhiều chương trình học trải nghiệm miễn phí, kết nối, tài trợ các hoạt động tiếng Anh của trường, tham gia cố vấn chuyên môn cho các câu lạc bộ, các hội nhóm. Họ thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi tiếng Anh cho các cơ sở giáo dục lân cận, kì thi chứng chỉ quốc tế và các kì thi nội bộ hàng quý để đánh giá năng lực, tăng cường sự kết nối với nhà trường, phụ huynh.