Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Người lao động cần hỗ trợ chuyển đổi công việc trong kỷ nguyên Net-Zero

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), gồm 38 nước thu nhập cao kêu gọi các nhà hoạch định chính sách hỗ trợ người lao động chuyển đổi công việc trong kỷ nguyên Net-Zero.

OECD cũng hối thúc các chính phủ cải thiện thu nhập và điều kiệu làm việc ở các nghề nghiệp cần thiết cho mục tiêu Net-Zero.

Báo cáo thị trường việc làm thường niên của OECD dự báo, các chính sách khí hậu sẽ tác động lớn đến hơn 25% công việc hiện tại ở các 38 nước thành viên. Ảnh: oecd.com

Cần hỗ trợ lao động kỹ năng thấp trong cuộc chuyển đổi xanh

Báo cáo thị trường việc thường niên của OECD, phát hành hôm 9-7, cho biết trong tương lai, làn sóng chuyển đổi sang các công việc xanh tạo ra lượng khí thải nhà kính thấp hơn có thể có tác động lớn đến khu vực kinh tế phát triển. Nhiều công việc mới sẽ được tạo ra nhưng số lượng công việc mất mát cũng đáng kể.

Ước tính, các ngành phát thải cao chỉ sử dụng 7% tổng số lao động ở các nước giàu. Tuy nhiên, những người mất việc trong các ngành này sẽ đối mặt với tình trạng thu nhập thấp hơn trong thời gian dài nếu không được đào tạo lại. Người lao động trong các ngành này đối mặt với tình trạng mất thu nhập lớn hơn sau khi chuyển việc, giảm trung bình 36% trong 5-6 năm sau khi mất việc so với 29% ở các lĩnh vực khác.

Dự báo, các chính sách khí hậu sẽ tác động lớn đến hơn 25% công việc hiện tại ở các nước thành viên. OECD kêu gọi các chính phủ cải thiện mức lương và điều kiện việc làm cho những việc làm hỗ trợ mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero). Đồng thời, bảo đảm thu nhập cho những lao động kỹ năng thấp bị mất việc trong các ngành phát thải cao. Lý do là các việc làm xanh nhìn chung được trả lương khá tốt nhưng điều này không đúng với những vai trò có kỹ năng thấp.

Một trong những đề xuất của tổ chức này là các chính phủ nên triển khai chương trình bảo hiểm tiền lương có giới hạn thời gian nhưng kéo dài đủ lâu để người lao động xây dựng kỹ năng và kinh nghiệm trong công việc mới.

Báo cáo của OECD được đưa ra sau các cuộc bầu cử ở châu Âu cho thấy sự bất mãn của cử tri đối với các chính sách xanh được coi là quá tốn kém đối với người tiêu dùng.

Các đảng Xanh mất gần như toàn bộ lợi thế đã giành được trong các cuộc bầu cử vào năm 2019. Mối lo ngại về chi phí năng lượng trở thành một trong những vấn đề lớn trong chiến dịch vận động bầu cử quốc hội mới đây ở Pháp. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của nước này hiện bị đe dọa do nguy cơ bế tắc chính trị dưới sự lãnh đạo của một chính phủ thiểu số sau khi liên minh cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron mất vị thế đa số ghế ở quốc hội trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trong khi đó, các công đoàn ở Anh đã thúc ép chính phủ mới dưới sự cầm quyền của đảng Lao động đảm bảo việc làm cho công nhân để đổi lấy bất kỳ hỗ trợ nào của nhà nước dành cho Tata Steel, khi tập đoàn thép này chuyển sang sản xuất thép xanh hơn tại nhà máy ở thị trấn Port Talbot thuộc xứ Wales.

Thị trường việc làm ở các nước giàu đang hạ nhiệt

Báo cáo của OECD ghi nhận, lương thực tế sau khi tính toán tác động của lạm phát ở các nước thành viên đang tăng nhanh hơn so với giá cả trong năm qua.

Theo báo cáo, có những dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm ở các nước giàu đang hạ nhiệt, với số lượng vị trí tuyển dụng giảm so với số người đang tìm việc.

Tại Mỹ, OECD dự kiến, việc làm sẽ tăng chưa đến 1% trong cả năm 2024 và 2025, với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức khoảng 4%. Đây cũng sẽ là xu hướng chung ở 38 thành viên OECD, hầu hết là các nước giàu. Dự báo, số việc làm tổng thể ở các nước thành viên sẽ tăng 0,7% trong năm nay và năm tới, sau khi tăng 1,7% vào năm 2023.

Lương thực tế của người lao động ở các nước giàu suy giảm trong thời kỳ giá cả tiêu dùng tăng bắt đầu vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, trong năm tính đến quý 1-2024, tiền lương thực tế đã tăng trở lại khi lạm phát hạ nhiệt. Trong số 35 nước thành viên có sẵn dữ liệu, 29 nước ghi nhận mức lương thực tế tăng. Pháp và Nhật Bản nằm trong số những nước thành viên không ghi nhận mức lương thực tế tăng.

Tiền lương thực tế trung bình ở OCED cao hơn 3,5% so với một năm trước đó. Điều này sẽ hỗ trợ chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nhưng tiền lương thực tế vẫn thấp hơn mức năm 2019 ở 16 nước thành viên của OECD, trong đó có Mỹ.

OECD kỳ vọng sự phục hồi của tiền lương thực tế sẽ tiếp tục trong năm nay. Tuy nhiên, vòng xoáy giá tiền lương - giá cả sẽ không nghiêm trọng vì tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đã chậm lại ở hầu hết các nước OECD. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang hấp thụ chi phí lao động tăng thêm, thay vì tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ.

Theo đó, kể từ đầu năm 2022, chi phí lao động tăng nhanh hơn lợi nhuận của doanh nghiệp ở khoảng 2/3 số thành viên OCED có sẵn dữ liệu. Theo quan điểm của OECD, lợi nhuận siết chặt của doanh nghiệp cho phép tiền lương thực tế của người lao động tăng cao hơn mà không gây ra áp lực lạm phát mới.

“Không có dấu hiệu nào về vòng xoáy giá cả-tiền lương”, báo cáo của OECD cho biết. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo, đà tăng tiền lương vẫn có thể tác động đến lạm phát.

Sau khi đạt đỉnh hơn 10,7% vào tháng 10 -2022, lạm phát  của OECD gần như giảm một nửa, xuống còn 5,9% vào tháng 5-2024. Lạm phát vẫn đang trên mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương đối với 31 nước thành viên.

Theo WSJ, oecd.org, Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới