(KTSG Online) – Người lao động ở châu Á sẽ chứng kiến các mức tăng lương lớn hơn trong năm 2023 khi lạm phát và tình trạng thiếu lao động gia tăng áp lực tuyển dụng, các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy.
- Doanh nghiệp Mỹ thuê lao động ngắn hạn để ứng phó rủi ro suy thoái
- Bức tranh sáng tối của thị trường lao động 2022
Từ Ấn Độ đến Việt Nam, các nhà tuyển dụng đang trong tình thế phải tăng các gói thù lao nếu không sẽ đối mặt nguy cơ đánh mất nhân tài vào tay các đối thủ. Mức tăng lương theo dự kiến cũng sẽ cao hơn mức lạm phát dự báo cho năm 2023, mang lại hy vọng tăng trưởng thu nhập thực tế cho người lao động ở châu Á sau khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh trong năm nay.
Ngân sách tăng lương trung bình của các ngành trong năm tới sẽ ở mức 6,8% đối với Indonesia, 5,1% đối với Malaysia, 6% đối với Philippines, 4,7% đối với Singapore, 5,1% đối với Thái Lan và 7,9% đối với Việt Nam, theo dự báo của Công ty dịch vụ tài chính Aon. Tất cả mức tăng này đều nhanh hơn so với mức tăng lương trong năm 2022, ngoại trừ của Malaysia, nơi được dự báo tốc độ tăng lương không thay đổi.
Những dự đoán này được ghi nhận trong một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này, trong đó, Aon thăm dò ý kiến của hơn 700 công ty trên khắp ASEAN về những thay đổi về lương và tỷ lệ nghỉ việc.
Cuộc khảo sát cho thấy lạm phát là nguyên nhân chính khiến các nhà tuyển dụng trong khối ASEAN tăng lương mạnh hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi tiền lương cũng được thúc đẩy bởi cung và cầu trên thị trường nhân tài, với tỷ lệ tiêu hao nhân sự cao trong năm nay gây áp lực buộc các nhà tuyển dụng phải tăng thù lao để giảm bớt áp lực tuyển dụng và giữ chân nhân tài.
“Các công ty phải xác định cách tiếp cận tăng lương trong năm 2023 dựa trên bối cảnh có sự cạnh tranh từ các mức trả lương hiện nay của họ. Trong khi điều quan trọng đối với các doanh nghiệp là phải xác định và điều chỉnh mức trả lương cho các vai trò công việc khác nhau cũng như tính chất của công việc, họ cũng phải linh hoạt khi tính toán lại các nguyên tắc trả lương”, Rahul Chawla, Giám đốc giải pháp nguồn vốn con người ở Aon, nói.
Kết quả của một cuộc khảo sát khác do hãng tư vấn Mercer công bố hồi tháng trước cũng phát hiện các dấu hiệu lương sẽ tăng cao hơn trong năm tới. Khắp các thị trường ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát của Mercer dự báo mức chi trả lương tổng thể tăng trung bình 4,8% trong năm 2023, tăng nhẹ so với mức tăng 4,6% trong năm 2022.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Mercer cho thấy mức chênh lệch tăng lương đáng kể giữa các quốc gia trong khu vực. Ấn Độ là nước có mức tăng lương dự kiến cao nhất cho năm tới là 9,1%, trong khi lương ở Nhật Bản chỉ tăng ở mức 2,2%, cũng là mức tăng thấp nhất trong khu vực. Tuy nhiên, cả hai tỷ lệ này đều cao hơn một chút so với năm nay, ở Ấn Độ tăng 8,79% và ở Nhật Bản tăng 2,14%.
Lương ở Trung Quốc đại lục trong năm 2023 dự kiến tăng 5,38%, giảm nhẹ so với mức tăng 5,4% của năm 2022. Trung Quốc là thị trường duy nhất trong khu vực được dự báo có mức tăng lương chậm lại khi nền kinh tế lớn nhất châu Á phải vật lộn với triển vọng tăng trưởng chậm chạp. Báo cáo của Mercer cho thấy tốc độ tăng lương của Hồng Kông trong năm tới được dự đoán là 3,71%, cao hơn mức 3,55% của năm nay.
Cuộc khảo sát của Mercer cũng chỉ ra rằng kỳ vọng tăng lương trong khu vực nhìn chung vượt xa mức tăng lạm phát được dự báo cho năm 2023. Chẳng hạn, cuộc khảo sát dự báo lạm phát năm tới ở mức 5,1% đối với Ấn Độ, 1,4% đối với Nhật Bản, 2,2% đối với Trung Quốc đại lục và 2,4% cho Hồng Kông.
Trong khi các dự báo mang lại niềm an ủi cho những người lao động đang lo ngại chi phí leo thang, một số lao động có thể đang tìm kiếm mức tăng lương cao hơn. Trong cuộc khảo sát tiền lương toàn cầu được công bố vào tháng trước, Công ty tuyển dụng Robert Walters chỉ ra rằng những người nhảy việc có thể mong đợi mức tăng lương từ 15-20%, thậm chí 40% đối với những người có kỹ năng công nghệ chuyên sâu.
Tại Singapore, Robert Walters đã khảo sát 316 người lao động và 105 công ty trong tháng 9. Báo cáo khảo sát của Robert Walters cho thấy 80% nhân viên ở Singapore có khả năng yêu cầu tăng lương, trong khi 71% nhân viên mong muốn người sử dụng lao động xem xét chi phí sinh hoạt tăng cao khi đánh giá tăng lương hoặc thưởng trong 12 tháng tới.
78% người lao động ở Singapore được hỏi cho biết họ sẵn sàng xem xét thay đổi công việc trong năm tới nếu mức tăng lương của họ thấp hơn so với tốc độ tăng của lạm phát. Tuy nhiên, tiền lương có thể không phải là vấn đề duy nhất.
“Đối với nhiều người lao động, tiền không còn là yếu tố duy nhất khi họ đưa ra quyết định nghề nghiệp. Chúng tôi quan sát thấy rằng khi nhân viên cảm thấy kiệt sức, hoặc chán nản vì họ không học hỏi thêm được nữa từ công việc, họ có thể tìm kiếm những cơ hội khác”. Monty Sujanani, giám đốc quốc gia của Công ty Robert Walters Singapore, nhận định.
Theo Nikkei Asia