(KTSG Online) - Tại sự kiện “Pride at work” do Hiệp hội các doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) tổ chức ngày 13-10, đại diện của Prudential tại Việt Nam cho biết, không có gì ngạc nhiên khi nơi làm việc là một trong những nơi mà LGBT dễ bị phân biệt đối xử nhiều nhất sau gia đình và trường học. Bên cạnh một số lĩnh vực thân thiện với LGBT như thời trang, giải trí, quảng cáo… thì các lĩnh vực khác vẫn còn tồn tại định kiến với người thuộc cộng đồng LGBT.
Sự kiện “Pride at work” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với mong muốn thúc đẩy văn hoá đa dạng và hoà hợp trong môi trường doanh nghiệp.
Theo ông Trần Thanh Phong, Phó tổng giám đốc Marketing của Prudential tại Việt Nam, nhờ những nỗ lực không ngừng của những nhà hoạt động ủng hộ cộng đồng LGBTQ, những người đồng tính đã thấy các tiến bộ vượt bậc trong cách xã hội nhìn nhận. Vào tháng 8 vừa qua, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS đã khởi động chiến dịch “Tôi đồng ý 2022” với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu” nhằm kêu gọi ủng hộ hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới tại Việt Nam.
Vào đầu tháng 8-2022, Bộ Y tế Việt Nam đã khẳng định LGBTQ+ hoàn toàn không phải là bệnh, không thể chữa, không cần chữa và không thể thay đổi theo bất cứ cách nào. Công bố này đã tạo ra một bước tiến lớn về quyền LGBTQ+ tại Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài để cộng đồng LGBTQ+ được xã hội chấp nhận và được pháp luật công nhận.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phong bày tỏ tiếc nuối khi chưa đủ các hoạt động về vấn đề của cộng đồng LGBT tại nơi làm việc ở Việt Nam. Không có gì ngạc nhiên khi nơi làm việc lại là một trong những nơi mà các thành viên LGBT dễ bị phân biệt đối xử nhiều nhất sau gia đình và trường học.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự đồng hành cùng cộng đồng LGBT trên các phương tiện truyền thông. Người sử dụng lao động không có đầy đủ thông tin và kiến thức về LGBT. Luật lao động hiện hành cũng không có quy định nào để ngăn chặn sự phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dụng và bản dạng giới.
Một số lĩnh vực thân thiện hơn với LGBT như thời trang, giải trí, thiết kế, biểu diễn, quảng cáo, tiếp thị… tạo ra môi trường an toàn để thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài từ cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác vẫn còn tồn tại định kiến với người thuộc cộng đồng LGBT.
Theo báo cáo của Stonewall - một tổ chức từ thiện ủng hộ LGBTQ tại Anh, hơn một phần nhân viên thuộc cộng đồng LGBTQ (35%) đã phải che giấu rằng họ là LGBT tại nơi làm việc, vì sợ bị phân việt đối xử mặc dù có sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp. Cứ 10 người da màu, châu Á hoặc tộc người thiểu số thì có 1 người (tương đương 10%) tiết lộ rằng họ đã bị khách hàng hoặc đồng nghiệp công kích trong năm vừa qua. Nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQ cho biết họ cảm thấy dễ bị công kích, không được tôn trọng và không được tự do thể hiện bản thân tại nơi làm việc.
Theo Wikipedia, LGBTQ+ là các chữ cái viết tắt của Lesbian (đồng tính luyến ái nữ), Gay (đồng tính luyến ái nam), Bisexual (song tính luyến ái), Transgender (chuyển giới) và Queer (có xu hướng tính dục, bản dạng giới khác biệt, hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào) hoặc Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân).Dấu + thể hiện sự tồn tại đa dạng của các nhóm khác trong cộng đồng như Non-binary (phi nhị nguyên giới), intersex (liên giới tính)...