Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Người lưu giữ ký ức qua những chiếc mặt nạ tuồng cổ

Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có lẽ đối với chúng tôi, những người thuộc thế hệ 8X, rất ít người biết đến nghệ thuật tuồng (hát bội) bởi lẽ thời điểm hoàng kim của tuồng là lúc chúng tôi chưa sinh ra hoặc còn quá nhỏ để hiểu hết giá trị của bộ môn nghệ thuật này.

Tôi nhớ hồi đó, thỉnh thoảng ở quê vẫn có đoàn hát bội về biểu diễn, một năm chắc khoảng vài ba lần. Thường thì họ sẽ diễn ba hoặc bốn đêm liên tục và dựng sân khấu phía sau bãi đất trống của ủy ban xã. Ngày đó, mỗi lần có đoàn hát bội về là dân trong vùng ai cũng háo hức và thấp thỏm chờ đợi. Mặc dù bộn bề với công việc đồng áng nhưng hầu như không ai bỏ lỡ buổi biểu diễn nào, hôm nào có hát bội là phải tranh thủ kết thúc công việc thật sớm.

Chú Bảy đang tỉ mỉ vẽ mặt nạ.

Những ký ức ngày còn nhỏ đó vẫn rời rạc và ít ỏi nhưng chúng luôn sống động lạ kỳ mỗi khi tôi nhìn thấy người đàn ông trung niên, chở theo sau chiếc xe đạp rất nhiều mặt nạ tuồng cổ chậm rãi qua phố. Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt trầm tư của người đàn ông khi tôi nhìn vào kính chiếu hậu, cộng với mái tóc dài lơ thơ khiến tôi chạnh lòng. Tự hỏi, ở một Sài Gòn sầm uất này liệu ông có đủ sống với nghề không?

Có lần, tôi tình cờ đọc được bài “Những nét cọ mùa Giáng sinh” trên tờ Kinh tế Sài Gòn, trong đó có đề cập đến “chú Bảy mặt nạ” - một người gốc Bình Định sau khi xuất ngũ, rời quê vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề nhưng cuối cùng ông chọn nghề vẽ mặt nạ tuồng để mưu sinh, tôi bất giác liên tưởng đến người đàn ông trung niên mà mình hay gặp trên đường đi làm mỗi sáng. Lên Google tìm kiếm “chú Bảy mặt nạ”, nhấp chuột vào một bài báo cách đây vài năm, cảm xúc vỡ òa khi thấy hình ảnh người đàn ông với mái tóc dài trên trang báo mạng cũng chính là khuôn mặt của người đàn ông trong những lần tôi nhìn thấy qua kính chiếu hậu mỗi sáng đi làm. Chỉ có điều khuôn mặt trong ảnh nhìn trẻ hơn nhiều so với bây giờ. Mà cũng phải thôi, đã mấy năm trôi qua rồi còn gì…

Rồi tôi tình cờ phát hiện chú ấy cũng ở gần nhà tôi. Một buổi sáng cuối tuần, tôi ghé nhà chú khi chú gọi điện nói đang làm mặt nạ và muốn cho tôi xem. Nhờ đó mà tôi có dịp quan sát chú làm mặt nạ tuồng qua từng công đoạn, từ lúc bắt đầu làm một chiếc mặt nạ cho đến khi hoàn thiện một sản phẩm.

Không quản nắng mưa, chú Bảy đều đặn đạp xe đi bán mặt nạ mỗi ngày.

Chú bảo nếu người ta đặt hàng loạt, chú sẽ dùng khuôn để đúc, sau đó mới vẽ thủ công từng cái. Nếu không đúc mặt nạ thì chú sẽ nặn trực tiếp để tạo hình cho mặt nạ và như vậy mỗi chiếc mặt nạ làm ra sẽ không bao giờ giống nhau. Thông thường, để hoàn thiện một cái mặt nạ trung bình chú mất khoảng sáu tiếng đồng hồ.

Theo chú, công đoạn vẽ mặt nạ cũng tỉ mỉ và công phu vì mỗi cái mặt nạ sẽ thể hiện tính cách tiêu biểu của từng nhân vật. Ví dụ, mặt Trương Phi phải thể hiện được sự bộc trực, nóng nảy, hay khi nhìn vào mặt của Tào Tháo phải thấy được sự gian manh, xảo trá. Thông thường, màu trắng và xám được sử dụng để thể hiện nhân vật phản diện, còn màu xanh dương, đỏ, đen được dùng cho nhân vật chính diện.

Khi được hỏi nghề này có giúp chú sống tốt không, chú bảo, mặc dù nghề này không làm chú giàu lên nhưng nhờ có nó, chú cũng phụ giúp được cho gia đình, cùng vợ nuôi hai đứa con khôn lớn. Cô con gái lớn của chú học xong đại học, ra trường, đi làm đã được mấy năm, còn cậu út năm nay học lớp 10. Vợ chú ở nhà nội trợ, rồi đưa đón con đi học, thỉnh thoảng cô phụ giúp chú mấy công đoạn đơn giản. Chú bảo hai đứa con cũng có năng khiếu vẽ, nhưng không áp đặt con cái đi theo nghề này, chú cho bọn nhỏ tự quyết định nghề nghiệp của mình.

Câu chuyện chẳng mấy chốc đưa chúng tôi trở về với thuở chú Bảy mới vào nghề. Chú kể từng gặp không ít khó khăn, khó nhất là tìm ra nguyên liệu làm khuôn cho mặt nạ. Rồi cũng có thời điểm, đi cả ngày không bán nổi được một chiếc nào. “Đó là lúc chú tưởng chừng như không thể bám trụ với nghề được nữa. Nhưng, con người ta đâu có dễ dàng từ bỏ đam mê một khi nó đã ngấm vào máu thịt”, chú Bảy đúc kết.

Rồi thật may khi nhiều hàng quán mở ra, nhu cầu sử dụng mặt nạ tuồng để trang trí nội thất quán ăn, quán cà phê ngày càng nhiều. Khách hàng tìm đến chú đặt mua mặt nạ nhiều hơn, thu nhập của chú nhờ thế mà được cải thiện, gia đình cũng bớt khó khăn. Chú nói mình cũng có khách hàng nước ngoài, nhưng là chuyện mấy năm trước rồi. Một Việt kiều Đức đã đặt mua mặt nạ của chú đến mấy ngàn cái. Lúc đó, chú phải huy động tất cả người thân để làm cho kịp. Rồi một công ty du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt hàng năm vẫn duy trì đơn hàng với chú, họ mua những chiếc mặt nạ nhỏ xinh làm quà lưu niệm cho du khách. Mong muốn lớn nhất của chú bây giờ là được kết nối với các công ty du lịch để sản phẩm của chú có thể được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

Cũng đã hơn 30 năm gắn bó với nghề, chú vui vì sống được với nghề mà mình đam mê - một nghề mà theo chú ở Sài Gòn hiếm ai theo đuổi được lâu như chú. Chú tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình gìn giữ một phần giá trị văn hóa truyền thống quý báu cho sân khấu dân gian Việt Nam.

Mấy chục năm đã trôi qua kể từ khi chú bắt đầu theo nghề này, sức khỏe giờ cũng không còn được như trước, nhưng hàng ngày chú vẫn đạp chiếc xe đạp cũ, không quản ngại nắng mưa, rong ruổi trên những con phố tấp nập xe cộ của Sài Gòn, chỉ để lưu giữ ký ức của mình về hát bội, về tuồng cổ qua những chiếc mặt nạ mà đã được chính chủ nhân gửi gắm rất nhiều tâm tư và tình cảm của mình trong đó. Thật đáng trân trọng biết bao!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới